ĐBQH LÊ VĂN SỸ CHO Ý KIẾN VỀ VẤN ĐỀ GIÁM ĐỊNH PHÁP Y TRONG DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

28/05/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Lê Văn Sỹ- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đưa ra một số quan điểm về lĩnh vực giám định pháp y trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

 

Đại biểu Lê Văn Sỹ phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Đại biểu Lê Văn Sỹ cho biết, trong tiến trình đẩy mạnh cải cách tư pháp hiện nay, việc đổi mới và hoàn thiện các tổ chức hỗ trợ tư pháp nói chung và giám định tư pháp nói riêng là một trong những nội dung hết sức quan trọng. Việc ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giám định tư pháp số 13 năm 2012, Quốc hội khóa XIII là hết sức cần thiết để phối hợp, phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay, nhất là lĩnh vực giám định pháp y.

Đại biểu cũng chỉ ra rằng, đối với lĩnh vực giám định pháp y, việc tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm, bổ sung đội ngũ giám định viên còn gặp nhiều khó khăn. Các chế độ chính sách và mức phụ cấp ưu đãi nghề chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhân lực chuyên môn làm việc tại các trung tâm pháp y cấp tỉnh, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ chuyên môn còn hạn chế. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giám định tư pháp tại kỳ họp thứ 9 lần này đã cơ bản tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và các chuyên gia. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ sự băn khoăn và đề xuất Ban soạn thảo xem xét, sửa đổi một số nội dung sau đây:

Một là, sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 3, nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp. Đề nghị bổ sung cụm từ “khoa học” vào khoản 2 thành “trung thực, chính xác, khách quan, khoa học, vô tư, kịp thời”

Hai là, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp. Đề nghị được bổ sung cụm từ “tuyển dụng và các chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt đối với người giám định pháp y”, khoản 2 xin được sửa là “Nhà nước có chính sách ưu tiên đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với người giám định tư pháp, có chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt với người làm giám định pháp y”.

Ba là, sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 7, tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp; điểm b khoản 1 Điều 18, người giám định tư pháp theo vụ việc cho phù hợp với thực tiễn. Bởi lẽ, nếu 5 năm mới có được một giám định viên được bổ nhiệm thì nguồn giám định viên tư pháp sẽ rất hạn chế hoặc là 3 năm đối với một giám định viên pháp y, pháp y tâm thần đã có thời gian hoạt động thực tiễn chuyên môn từ các chuyên môn của pháp y là quá dài.

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị sửa đổi điểm b Điều 17 và điểm b Điều 18 như sau: “có trình độ Đại học trở lên và đã qua thực tế chuyên môn trong lĩnh vực đào tạo từ đủ 3 năm trở lên. Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tinh thần, kỹ thuật hình sự đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn từ đủ 2 năm trở lên”

Bốn là, sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 12 Luật Giám định tư pháp, khoản này trong phần Báo cáo giải trình của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Báo cáo số 104 của Chính phủ ngày 30/3/2020 cũng đã giải trình nguyên nhân của việc phối hợp giữa Trung tâm pháp y tuyến tỉnh với Phòng Kỹ thuật hình sự là do tổ chức thực hiện trưng cầu tiếp nhận giám định, sự phối hợp giữa Trung tâm pháp y tỉnh, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, cơ quan điều tra cho nên Chính phủ đã có ý kiến là sẽ chỉ đạo điều tiết về vấn đề này. Đề nghị sửa khoản 5 Điều 12 như sau về tổ chức giám định tư pháp công lập: “căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc công an tỉnh có giám định viên pháp y phối hợp với Trung tâm pháp y cấp tỉnh để thực hiện giám định pháp y tử thi theo trưng cầu của cơ quan điều tra”

Năm là, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 29, giám định bổ sung và giám định lại. Trong lĩnh vực giám định pháp y tương thích có nhiều vụ án không phải vụ án nào cũng đúng tiến độ và khi đưa ra xét xử tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích đã thay đổi. Chính vì vậy trong khoản 2 Điều 29 đề nghị được sửa là: “việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác hoặc trong trường hợp cần thiết phải thực hiện giám định lại để phù hợp với tình trạng sức khỏe tại thời điểm sau khi đã được điều trị phục hồi đối với giám định pháp y, pháp y tâm thần, xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể hoặc trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 của luật này”./.

Hồ Hương

Các bài viết khác