ĐBQH PHẠM NHƯ HIỆP GÓP Ý ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT ĐẦU TƯ (SỬA ĐỔI)

28/05/2020

Trong phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) tại đợt 1 Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phạm Như Hiệp – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đã góp ý về một số nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo Luật trước khi Quốc hội thông qua.

Phát biểu trực tuyến từ điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế, đại biểu Phạm Như Hiệp nêu rõ hiện nay, chủ trương của Nhà nước là không đánh đổi môi trường và sức khỏe giống nòi lấy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá và nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch bệnh đang gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường của nước ta. Thực tế có một số nhà đầu tư vì lợi nhuận trong quá trình đầu tư chưa chú trọng nhiều đến đầu tư các hệ thống xử lý chất thải, rác thải một cách có hệ thống. Do đó việc xử lý hạn chế, không triệt để sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của con người và tự nhiên, để lại hậu quả lớn và lâu dài. Nhấn mạnh cần phải quy định cụ thể trong luật này để có thêm chế tài, đại biểu đề nghị bổ sung khoản 3 nội dung: “Nhà đầu tư bị đình chỉ ngừng hoặc chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh, nếu hoạt động này gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, môi trường và sức khỏe cộng đồng”.

Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung cấm mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người, bào thai người; đồng thời đề nghị bổ sung thêm cơ quan có bao hàm là tạng để phù hợp với Luật Hiến ghép mô tạng và đầy đủ ý nghĩa.

Về quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đại biểu Phạm Như Hiệp bày tỏ ủng hộ phương án quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đại biểu cho rằng đây là điều phù hợp vì quan hệ giữa bên cho vay và bên vay hoặc công nợ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng là quan hệ dân sự đã có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan quản lý và thiết chế để đảm bảo thi hành và bảo vệ quyền, nghĩa vụ của các bên theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền. Các quan hệ xã hội phải được điều chỉnh bằng pháp luật. Trong trường hợp tranh chấp về nợ không thể hòa giải, thương lượng có quyền tiến hành khởi kiện nhờ người có chuyên môn pháp luật thông qua khởi kiện để buộc trả nợ và thông qua các cơ quan thi hành án để thực thi việc trả nợ. Đóng góp của ngành, nghề này không tương xứng với tác động tiêu cực đối với xã hội mà nó mang lại, đặc biệt là so nguồn lực của Nhà nước dành để khắc phục và xử lý các hậu quả.

Đại biểu cho biết thêm thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ, nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm xã hội đen, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản gây áp lực với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất trật tự an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hậu quả xấu, thậm chí đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và thúc đẩy nhiều loại tội phạm phát triển, ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp phát triển chung, dễ làm phát sinh tiêu cực, bảo kê lợi ích nhóm, hỗ trợ cho việc lợi dụng hoạt động thu hồi nợ để phạm pháp và lạm dụng quyền lực. Vì vậy, việc dự thảo luật lần này đưa kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh là hoàn toàn hợp lý.

Về ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư, nêu rõ quy định tại điểm k khoản 1 Điều 16 của dự thảo Luật: “khám, chữa bệnh, sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc chủ yếu, thuốc thiết yếu, thuốc phòng, chống bệnh xã hội, vaccine, sinh phẩm, y tế thuốc từ dược liệu, thuốc cổ truyền”, đại biểu đề nghị bổ sung thêm chữ “thuốc y học cổ truyền”. Đại biểu cho biết nền y học cổ truyền của nước ta đã có lịch sử lâu đời, được nhiều thế hệ dày công nghiên cứu và phát triển nhiều loại thuốc quý và cách chữa bệnh hoàn toàn phù hợp với thể chất của người Việt, do đó cần có chính sách đầu tư để duy trì và phát triển xứng tầm. Tuy nhiên, việc phát triển y học cổ truyền vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhiều yếu tố khác nhau, trong đó việc ưu đãi đầu tư trong việc phát triển y học cổ truyền của dân tộc, đặc biệt là thuốc, các chế phẩm liên quan đến y học cổ truyền, các sản phẩm, dụng cụ, phương tiện của y học cổ truyền.

Trong thời gian qua, Trung ương Đảng đã có nhiều định hướng nhằm phát huy giá trị của y học cổ truyền, trong đó đặc biệt là Nghị quyết số 20 của Trung ương ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới có nêu rõ “xây dựng và thực hiện chương trình phát triển y học cổ truyền tăng cường với y học hiện đại trong phòng bệnh, khám bệnh, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe và đẩy mạnh nghiên cứu, kiểm nghiệm, chứng minh tác dụng của các phương thức điều trị, chẩn đoán không dùng thuốc, các bài thuốc, vị thuốc y học cổ truyền và hỗ trợ đăng ký công nhận sở hữu trí tuệ và thương mại hóa các bài thuốc y học cổ truyền, tôn vinh và đảm bảo quyền lợi của các danh y”. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có luật quy định một khoản hỗ trợ ưu đãi về đầu tư y học cổ truyền nhằm cụ thể xác định định hướng của Đảng trong việc phát triển y học cổ truyền để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Tại điểm m khoản 1 Điều 16 của dự thảo Luật quy định “đầu tư trung tâm lão khoa tâm thần điều trị bệnh nhân nhiễm chất độc màu da cam, trung tâm chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi và trẻ em lang thang, không nơi nương tựa”, đại biểu đề nghị bổ sung thêm “trung tâm phục hồi chức năng”, bởi vì trung tâm phục hồi chức năng ở đây có các nhiệm vụ đối với những bệnh nhân bị nhiễm chất độc màu da cam, đối với chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật và đó là những người ngoài việc chăm sóc thông thường chúng ta phải có những việc để phục hồi chức năng.

Đồng thời bổ sung điểm p của khoản 1 điều này nội dung “đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu và sản xuất vật tư, trang thiết bị y tế", vì cho rằng đây là ngành, nghề hết sức cần thiết trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, cũng như là ngành có tiềm năng xuất khẩu và tiếp cận được công nghệ cao.

Về điều chỉnh dự án đầu tư, tại khoản 4 Điều 41 dự thảo có quy định về điều chỉnh tiến độ dự án đầu tư theo đó đối với dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư không được điều chỉnh tiến độ đầu tư quá 24 tháng so với tiến độ đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu, trừ một trong các trường hợp sau (từ điểm a đến điểm g, gồm 7 điểm). Tuy nhiên theo đại biểu Phạm Như Hiệp các quy định trên lại không quy định rõ những trường hợp này thì thời hạn điều chỉnh tiến độ là bao nhiêu, do đó đề nghị Chính phủ quy định rõ thời hạn điều chỉnh tiến độ dự án đầu tư trong trường hợp này cụ thể hơn để tránh tình trạng hiểu nhầm quy định này. Đồng thời đề nghị bỏ điểm b khoản 4 Điều 41, vì theo quy định của pháp luật về đất đai đã có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời gian, thành phần, hồ sơ cho việc giải quyết các thủ tục, việc thẩm định, cấp quyết định chủ trương đầu tư cũng đang được xem xét trong thời gian cho việc thực hiện này./.

Bảo Yến

Các bài viết khác