ĐBQH MAI HỒNG HẢI THAM GIA GIA GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẦU TƯ (SỬA ĐỔI)

28/05/2020

Ngày 27/5, tham gia thảo luận trực tuyến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Mai Hồng Hải - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tham gia ý kiến về vấn đề còn có ý kiến khác nhau là cấm hay không cấm ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

 

Theo đại biểu Mai Hồng Hải, Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, sửa đổi hầu hết các ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 8. Một số nội dung không tiếp thu đều có giải trình rõ ràng và thuyết phục. Tuy nhiên, về vấn đề còn có ý kiến khác nhau là cấm hay không cấm ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ? Dường như lý lẽ về cấm hay không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ đều khá thuyết phục. Mặc dù đưa ra 2 phương án nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không đưa ra quan điểm là chọn phương án nào. Theo đại biểu, trong hoạt động dân sự, kinh doanh sẽ có phát sinh nợ nần, thậm chí rủi ro và nợ quá hạn khó đòi và không đòi được là bình thường, nếu không muốn nói là tất yếu trong xã hội. Vấn đề là cách thức xử lý thế nào?

Bên cạnh dịch vụ đòi nợ, pháp luật còn quy định nhiều cách thức xử lý nợ khác, như trọng tài xét xử tại Tòa, hòa giải, đối thoại tại Tòa án, lập dự phòng, mua bán nợ, xóa nợ nhưng thực tế thủ tục qua trọng tài, Tòa án mất rất nhiều thời gian, qua nhiều thủ tục hành chính mà hiệu quả không cao, chỉ thu nợ được 36% các vụ đã xử, còn nếu tính trên tổng số vụ việc thì rất thấp, kể cả khi bản án có hiệu lực thì việc đôn đốc thi hành án cũng rất khó khăn.

Đối với doanh nghiệp thì việc trích lập dự phòng, xử lý nợ khó đòi theo Thông tư số 228 năm 2009 của Bộ Tài chính còn bất cập, dễ trích lập dự phòng nhưng khó xử lý, vì điều kiện để xóa nợ bằng nguồn dự phòng rất phức tạp, không khả thi, ví dụ, đối với doanh nghiệp phải chờ doanh nghiệp giải thể, phá sản, không còn tài sản để chịu trách nhiệm trả nợ hoặc cá nhân chết, mất tích và chứng minh không còn tài sản thừa kế.

Việc không xử lý được nợ không chỉ ảnh hưởng đến quyền tài sản của chủ nợ mà đôi khi mang đến hệ lụy pháp lý rất phức tạp. Ví dụ, theo Luật Doanh nghiệp, khi giải thể doanh nghiệp thì kể từ ngày có Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông hoặc Nghị quyết của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị thông qua việc giải thể gọi là chủ trương giải thể thì trong vòng 180 ngày phải giải quyết các trách nhiệm về tài chính để nộp hồ sơ chính thức giải thể đến Sở Kế hoạch Đầu tư địa phương, nhưng do phải xử lý một khoản nợ không đòi được phải ra tòa kéo dài nhiều năm dẫn đến quá 180 ngày mà chưa nộp được hồ sơ giải thể thì không biết phải xử lý tiếp theo như thế nào? Vì vậy, thực tế nhiều cá nhân, doanh nghiệp vẫn phải tìm đến dịch vụ đòi nợ vì tính tiện dụng và hiệu quả. Chính phủ đã có quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ rất sớm, rất chặt chẽ tại Nghị định 104/2007. Nếu hoạt động theo đúng quy định tại Nghị định này sẽ không có hệ lụy phức tạp, dẫn đến phải đặt ra vấn đề cấm, nhưng thực tế hoạt động kinh doanh đòi nợ bị lạm dụng, biến tướng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, thậm chí mang màu sắc xã hội đen. Đây là sự thật. Vì sao vậy? Vì nếu làm đúng như Nghị định 104/2007 thì không đòi được nợ. Vì vậy, theo đại biểu sửa Luật Đầu tư lần này không nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, tuy nhiên cần quan tâm 2 nhóm giải pháp như sau.

Thứ nhất, rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định để phát huy hiệu lực của các biện pháp xử lý nào khác. Cụ thể cần có quy trình xét xử phải đạo rút gọn tương tự như quy trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42/ 2017 của Quốc hội. Tăng cường hiệu lực tổ chức thi hành án, sửa đổi, bổ sung Thông tư 228/ 2009 của Bộ Tài chính về điều kiện xử lý nợ khó đòi. Sớm hướng dẫn thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ thông qua tại kỳ họp này.

Thứ hai, tăng cường và đảm bảo hiệu lực quản lý đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ bằng việc sửa đổi Nghị định 104/2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trong đó cần bổ sung điều kiện khoản nợ được thuê đòi phải quá hạn một thời gian nhất định và đã áp dụng một số biện pháp nào đó. Ví dụ như đã đối thoại, hòa giải nhưng không thành. Đặc biệt phải phù hợp với quy định của pháp luật về trách nhiệm của con nợ là vô hạn hay hữu hạn, về trình tự giải quyết nợ, khi con nợ giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, chết, mất tích. Nghĩa là theo trình tự giải quyết nợ mà đến thứ tự khoản nợ đó không còn tài sản để trả theo luật về phá sản, giải thể, thừa kế thì không được thuê đòi nợ nữa. Đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ.

Thứ 3, đại biểu thống nhất với ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, vì tính chất của ngành, nghề này cũng như tính nhạy cảm nên đổi tên ngành, nghề này thành ngành, nghề kinh doanh thu hồi nợ./.

Phong Anh

Các bài viết khác