ĐBQH LÃ THANH TÂN PHÁT BIỂU Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

28/05/2020

Tham gia ý kiến thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng, phát biểu một số nội dung liên quan đến xây dựng Dự thảo

 

Phát biểu góp ý tại buổi họp trực tuyến, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng về cơ bản tán thành với nội dung của dự thảo Luật, trách nhiệm và báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại kỳ họp. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, đại biểu tham gia ý kiến vào một số nội dung cụ thể như sau.

Một là, về điều kiện thành lập văn phòng giám định tư pháp. Khoản 9 Điều 1 dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 15 quy định “có từ đủ 3 năm trở lên là giám định viên tư pháp và có hoạt động giám định trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng”. Quy định này nhằm thúc đẩy hình thành các tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và đáp ứng yêu cầu xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, việc xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp cũng cần hướng đến đảm bảo chất lượng của hoạt động giám định tư pháp. Bởi kết luận giám định tư pháp đòi hỏi tính chính xác cao và có giá trị phục vụ trực tiếp cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Do vậy, yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo giám định viên đề nghị thành lập văn Phòng Giám định tư pháp phải có đủ kinh nghiệm, được cọ sát thực tế thường xuyên, có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cá nhân trong lĩnh vực giám định tư pháp của mình. đại biểu đề nghị sửa khoản 9 Điều 1 thành có từ đủ 3 năm trở lên là giám định viên tư pháp và có hoạt động giám định thường xuyên trong lĩnh vực đề nghị thành lập văn phòng.

Thứ hai, về quyền của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp. Theo đại biểu Lã Thanh Tân, Điểm b khoản 13 Điều 1 Dự thảo sửa đổi quyền của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp là từ chối tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu thực hiện giám định trong trường hợp không có đủ điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định. Đề nghị bổ sung quy định cụ thể điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định là những điều kiện như thế nào. Điều kiện về bố trí thời gian, nhân lực hay điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giám định. Bởi thực tế hiện nay, hầu hết giám định viên tư pháp do các sở, ngành chuyên môn cấp tỉnh cử chọn trong biên chế kiêm nhiệm thực hiện giám định, không có nguồn để bổ nhiệm giám định viên chuyên trách. Do kiêm nhiệm nên các giám định viên tư pháp chủ yếu tập trung vào công tác chuyên môn, không có đủ thời gian và điều kiện tập trung thực hiện công tác giám định tư pháp khi có yêu cầu. Nếu không có quy định rõ ràng về điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định thì có thể dẫn đến việc những giám định viên tư pháp kiêm nhiệm này từ chối giám định mà lý do thì không chính đáng.

Thứ ba, về nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu yêu cầu giám định tư pháp. Tại Điểm d khoản 13 Điều 1 Dự thảo bổ sung nội dung nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu yêu cầu giám định tư pháp trong việc chịu trách nhiệm về kết luận giám định do mình đưa ra. Điểm g khoản 2 Điều 23 Luật Giám định tư pháp năm 2012 quy định: Giám định viên tư pháp có nghĩa vụ chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định do mình đưa ra trong trường hợp cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì còn phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp bật. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017, đối với các giám định viên tư pháp trong các tổ chức giám định tư pháp công lập, tức là người thi hành công vụ khi đưa ra kết luận giám định sai sự thật, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức và phải thực hiện bồi thường thì nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách nhà nước để thực hiện trách nhiệm bồi thường của nhà nước được quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước. Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải tiến hành chi trả bồi thường được quy định tại khoản 5 Điều 62 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước. Người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại được quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp chịu trách nhiệm về kết luận giám định do mình đưa ra. Trường hợp đưa ra kết luận giám định sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Quy định như vậy sẽ phù hợp với Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017. Đồng thời đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của giám định viên tư pháp bị xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự trong trường hợp cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật nhằm tăng cường trách nhiệm cá nhân của giám định viện tư pháp./.

Phong Anh

Các bài viết khác