ĐBQH TRẦN TẤT THẾ GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XÂY DỰNG

05/06/2020

Trong phiên thảo luận trực tuyến tại đợt 1 Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Trần Tất Thế - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đã góp ý về một số nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Bày tỏ sự đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2003 còn bộc lộ nhiều vấn đề trong xây dựng, đại biểu Trần Tất Thế tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về quan điểm định hướng sửa đổi Luật Xây dựng, hiện nay bên cạnh Luật Xây dựng còn nhiều luật khác có liên quan như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, do đó đại biểu Trần Tất Thế cho rằng cần rà soát, đánh giá phạm vi nội dung sửa đổi Luật Xây dựng với các luật, để đảm bảo đồng bộ, không chồng chéo. Đặc biệt cần xác định vai trò, chức năng, nội dung đối với các điều chỉnh Luật Xây dựng theo hướng giới hạn và tập trung vào các công tác xây dựng cũng như nguyên tắc, quy định pháp luật liên quan đến hoạt động xây dựng nhằm mục đích xác định quyền, nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan đến việc xây dựng công trình một cách có hiệu quả và bền vững, kể cả các cơ quan quản lý nhà nước. Nhà nước thực hiện chức năng quản lý thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát các chủ thể có liên quan thực hiện biện pháp luật về xây dựng, các cơ quan quản lý nhà nước không làm thay.

Đại biểu Trần Tất Thế phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.

Đối với nội dung liên quan đến các lĩnh vực khác như vốn đầu tư quy hoạch, bồi hoàn giải phóng mặt bằng, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản, dù hiện nay vẫn còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn nhưng đại biểu đề nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong các chế định của luật chuyên ngành có liên quan, không nên đưa vào Luật Xây dựng (sửa đổi). Đối với những nội dung đã được kiểm chứng qua thực tiễn và phù hợp với quy định bổ sung vào luật, còn những nội dung chưa áp dụng là những nội dung còn bất cập trong thực tiễn, nếu nâng lên thành luật sẽ gây khó khăn và không đảm bảo tính khả thi. Thực tế, dự thảo Luật Xây dựng đã đưa ra nhiều nội dung của các nghị định của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình, về quản lý kinh phí xây dựng, về quản lý cấp phép xây dựng, về quản lý chất lượng công trình đang triển khai nhưng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn. Đại biểu Trần Tất Thế cho rằng những nội dung này cần được rà soát, đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp trong dự thảo luật.

Thứ hai, đại biểu Trần Tất Thế cho rằng nên quy định rõ xã hội hóa việc thiết kế và xây dựng, thẩm tra, thẩm định thiết kế công trình để phát huy sự đóng góp của xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng. Nhà nước chỉ quản lý về quy hoạch, an toàn công trình, phòng cháy, chữa cháy thông qua việc cấp phép xây dựng và ban hành tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật quốc gia để áp dụng. Đồng thời, quy định chi tiết trong việc thẩm định, thẩm tra, thiết kế kỹ thuật đối với từng loại, từng cấp công trình.

Thứ ba, về điều kiện cấp phép xây dựng, Điều 69: Hiện nay Luật Quy hoạch đô thị đã quy hoạch đô thị chi tiết 1/500, thực tế ở một số tỉnh, thành phố, việc lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 chủ yếu thực hiện trong các dự án phát triển đô thị, các dự án phát triển nhà ở do đó chủ đầu tư cần thực hiện, còn lại trong các dự án hiện hữu hoặc chỉnh trang, cơ quan quản lý nhà nước phải tổ chức lập, phê duyệt sang các đồ án quy hoạch khung, quy hoạch chi tiết 1/2000 để quản lý. Việc xây dựng chậm do nhiều nguyên nhân, do nguồn vốn ngân sách không đủ năng lực, các đơn vị tư vấn thiết kế quy hoạch hạn chế và ngay cả việc lấy ý kiến của người dân cũng gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian. Nếu quy định việc cấp phép xây dựng phải phù hợp với chi tiết là không khả thi, do đó đại biểu đề nghị điều chỉnh khoản 1 là phù hợp với quy hoạch xây dựng, các quy chế quản lý, các quy định về kiến trúc cho từng khu vực cụ thể, các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ tư, về điều kiện cấp phép xây dựng, Điều 70, đối với công trình xây dựng tạm, dự luật quy định hết thời hạn trong giấy phép chủ nhà phải tháo dỡ, nếu không sẽ bị cưỡng chế. Theo đại biểu, quy định như vậy là không công bằng cho người dân trong khu bị quy hoạch, vì thực tế rất nhiều trường hợp Nhà nước thực hiện quy hoạch không đúng với thời hạn, nếu dự luật tiếp tục trói quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch là vô lý. Đại biểu đề nghị sửa lại Điều 5 khoản 5 là “chủ đầu tư cần cam kết tháo dỡ không phải bồi thường công trình khi nhà nước thu hồi đất hoặc thực hiện quy hoạch trước thời hạn quy định cấp giấy phép xây dựng tạm, nếu sau thời hạn quy định trong giấy phép xây dựng tạm Nhà nước thực hiện quy hoạch thì bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành” để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong vùng quy hoạch đã công bố chưa thực hiện. Theo đại biểu, Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ cho người dân khi quá thời hạn công bố thực hiện quy hoạch mà Nhà nước có quyết định thu hồi đất triển khai thực hiện quy hoạch.

Vấn đề thứ năm, để cho phép xây dựng công trình, Điều 87 dự thảo luật quy định “công trình hoàn thành phải được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng”. Đại biểu Trần Tất Thế cho rằng quy định này là một bước lùi trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng, vì trước đây đã có quy định của các cơ quan nhà nước cấp phép hoàn công các công trình chưa đưa vào sử dụng không đem lại hiệu quả trong vấn đề quản lý xây dựng. Vì vậy, thủ tục trên đã được thay bằng biên bản hoàn công do chủ đầu tư chịu trách nhiệm, nay là Nhà nước cấp phép sử dụng xây dựng công trình gần như khôi phục hoàn công sẽ tạo tâm lý ỷ lại cho người dân, dễ phát sinh tiêu cực, dễ làm gia tăng tình trạng xây dựng trái phép.

Nghĩa Đức

Các bài viết khác