ĐBQH NGUYỄN MINH SƠN THAM GIA Ý KIẾN VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN HIỆP ĐỊNH EVFTA VÀ HIỆP ĐỊNH EVIPA

08/06/2020

Ngày 20/5, tham gia thảo luận trực tuyến về Việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA; việc phê chuẩn Hiệp định EVIPA, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, cho rằng cần cần nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cả về ý thức, kiến thức, kỹ năng và thể chất, nhất là nguồn nhân lực công nghiệp.

Đại biểu Nguyên Minh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu tại phiên họp

Tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Minh Sơn bày tỏ cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chủ tịch nước, báo cáo thuyết minh của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, những cơ hội thụ lợi, khó khăn, thách thức mà tờ trình và báo cáo đã nêu. Để nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, các FTA thế hệ mới trong một kế hoạch tổng thể với lộ trình hợp lý, phù hợp với lợi ích của đất nước nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước công nghiệp, đại biểu Nguyên Minh Sơn khuyến nghị với Chính phủ, doanh nghiệp một số giải pháp để triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định. Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn:

Thứ nhất, cần tiếp tục cải cách, đổi mới thể chế kinh tế, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế; tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu lực của hệ thống chính sách, pháp luật kinh tế; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và cạnh tranh bình đẳng; đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực về đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan phù hợp với các cam kết EVFTA.

Thứ hai, cần tập trung hoàn thành tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; khai thác tốt các yếu tố bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, nhất là về lực lượng lao động, vốn, tài nguyên, khoa học công nghệ; tiếp tục phát triển đồng bộ các loại thị trường, phát triển mạnh thị trường xuất khẩu; hoàn thiện cơ chế quản lý, triển khai các công cụ quản lý xuất, nhập khẩu mới phù hợp với yêu cầu cam kết của Hiệp định EVFTA.

Thứ ba, cần tăng cường năng lực cạnh tranh ở cả ba cấp độ quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm; phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và góp phần giảm chi phí, giảm giá thành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp, nâng cao khả năng tiếp nhận, phát triển công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, trước mắt nên ưu tiên hấp thụ những phương pháp và công cụ được biết đến trên toàn cầu.

Các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực trong việc tiếp cận và kiên trì xây dựng mối quan hệ hợp tác dài hạn với các doanh nghiệp EU.

Thứ tư, cần nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cả về ý thức, kiến thức, kỹ năng và thể chất, nhất là nguồn nhân lực công nghiệp. Nội dung này có liên quan chặt chẽ tới quá trình nội lực hóa công nghệ, chuyển giao công nghệ, nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao phải là lợi thế động của Việt Nam trong tương lai. Cần có một kế hoạch tổng thể quốc gia về nâng cao tay nghề nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển dịch từ lao động tay nghề thấp sang lao động tay nghề cao. Trong đó, yêu cầu nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề trong một nhóm ngành sản xuất công nghiệp mũi nhọn là ưu tiên hàng đầu.

Thứ năm, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 93%, với nguồn lực tài chính và nhân lực hạn chế, việc tìm hiểu và tận dụng được những ưu đãi của Hiệp định EVFTA mang lại là thách thức rất lớn. Do vậy, cần tận dụng gói hỗ trợ kỹ thuật từ Hiệp định để đổi mới công tác thông tin truyền thông, tập huấn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội và giảm thiểu bất lợi. Trong đó, cần tập trung vào: Một là, văn bản tài liệu hướng dẫn về các khái niệm, quy định, lộ trình thực hiện các nội dung chi tiết như cắt giảm thuế xuất, nhập khẩu, chỉ dẫn địa lý, quy tắc xuất xứ, quy định về dịch vụ và đầu tư lao động, mua sắm Chính phủ, môi trường, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ; Hai là, mở rộng hoạt động tư vấn của các cơ quan nhà nước cho doanh nghiệp; thứ ba là, các quy định về chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước, giữa nhà nước và doanh nghiệp./.

Bùi Hùng

Các bài viết khác