ĐBQH PHAN THÁI BÌNH: CẦN PHẢI SỬA LUẬT XÂY DỰNG ĐỂ PHÙ HỢP VỚI LUẬT ĐẤT ĐAI

12/06/2020

Góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, cho rằng cần rà soát toàn bộ nội dung liên quan trong việc cấp giấy phép xây dựng đối với những người sử dụng đất để đảm bảo quyền của người sử dụng đất, trong khi Luật Đất đai đã bàn nhưng vẫn chưa đưa vào chương trình sửa luật.

Đại biểu Phan Thái Bình phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.

Biểu hiện sự đồng tình cao với dự thảo Luật và báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án luật, đại biểu Phan Thái Bình tham gia một số ý kiến vào một số điều luật cụ thể như sau:

Thứ nhất, Điều 49 về phân loại dự án đầu tư xây dựng, đại biểu đề nghị bổ sung phân loại công trình ngoài đô thị và công trình trong đô thị. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quy định rõ nội dung này để phân định trách nhiệm quản lý đối với sở chuyên ngành như quy định tại khoản 5 Điều 76 Nghị định số 59 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đại biểu Phan Thái Bình đề nghị luật hóa khoản 5 Điều 79 Nghị định 59 đưa vào Điều 49 để thuận lợi trong quản lý công trình xây dựng.

Thứ hai, tại điểm d khoản 3 Điều 49, đại biểu đề nghị bổ sung các dự án thành phần, gồm dự án đầu tư xây dựng khu dân cư nông thôn, dự án xây dựng khu tái định cư nhằm phân loại để thuận lợi trong quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng các dự án này và viết lại điểm d như sau: "Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng khu dân cư nông thôn, dự án xây dựng khu tái định cư và dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp khác".

Vấn đề thứ hai là tại Điều 57 về nội dung thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư. Đại biểu đề nghị bổ sung nội dung đánh giá sự phù hợp về quy hoạch vào điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 57 và viết lại điểm a khoản 1, khoản 2 này như sau: “Đánh giá sự phù hợp về quy hoạch, mục tiêu, quy mô đầu tư và các yêu cầu khác được xác định trong chủ trương đầu tư được phê duyệt”. Theo đại biểu, quy định như vậy để đảm bảo khi phê duyệt chủ trương đầu tư phải đảm bảo đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Vấn đề thứ ba, tại Điều 92 về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng. Khoản 2 Điều 62 dự thảo quy định là “ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực áp dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công khi ban quản lý dự án được người quyết định đầu tư giao quản lý thực hiện đồng thời hoặc nối tiếp, liên tục các dự án thuộc cùng chuyên ngành hoặc trên cùng một địa bàn”. Đại biểu đề nghị cũng nội hàm này nhưng biên tập lại toàn bộ khoản 2 này như sau: “Người quyết định đầu tư quy định tại khoản 1 điều này giao việc quản lý thực hiện đồng thời, nối tiếp hoặc liên tục các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công thuộc cùng chuyên ngành hoặc trên cùng một địa bàn cho ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành hoặc ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực”.

Vấn đề thứ tư, trong quá trình rà soát Luật Xây dựng và một số luật khác, đại biểu phát hiện ra một quy định giữa khoản 2 Điều 91 của Luật Xây dựng số 50 này và khoản 2 Điều 49 Luật Đất đai phát sinh một vấn đề liên quan đến cấp giấy phép xây dựng, do vậy đại biểu đề nghị Ban soạn thảo kiểm tra, rà soát lại để quy định cho phù hợp. Cụ thể như sau: Tại khoản 2 Điều 91 Luật Xây dựng quy định điều kiện để cấp phép các công trình xây dựng trong đô thị, trong đó khoản 2 quy định là “phải phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt”. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 49 Luật Đất đai về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lại quy định “trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật”. Như vậy, vấn đề phát sinh ở đây là khi các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng, rà soát các công trình trong đô thị như khoản 2 Điều 91 thì vướng vào vấn đề là đã có quy hoạch sử dụng đất, những người chưa có kế hoạch sử dụng đất mà giấy phép xây dựng này không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì sẽ không có cơ sở để cấp giấy phép xây dựng. Không cấp giấy phép xây dựng thì người xây dựng không thực hiện được quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai, như vậy mâu thuẫn với Điều 49. Do vậy, đại biểu đề nghị cần phải giải quyết, rà soát sửa khoản 2 Điều 91 phù hợp với khoản 2 Điều 49 để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất khi chưa có kế hoạch sử dụng đất mà có quy hoạch.

Đại biểu Phan Thái Bình cho rằng, trong thực tiễn, có rất nhiều quy hoạch treo khi bàn về Luật Quy hoạch. Như vậy, ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người sử dụng đất. Đại biểu đề nghị cần rà soát toàn bộ nội dung liên quan trong việc cấp giấy phép xây dựng đối với người sử dụng đất để đảm bảo quyền của người sử dụng đất, trong khi Luật Đất đai đã bàn nhưng vẫn chưa đưa vào chương trình sửa luật. Trong điều kiện hiện nay, đại biểu đề nghị cần sửa Luật Xây dựng để phù hợp với Luật Đất đai, trong đó lưu ý quyền của người sử dụng đất phải đảm bảo trong vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất và quyền của người xây dựng, phải đảm bảo được cấp giấy phép xây dựng nếu chưa thực hiện các quy hoạch và các kế hoạch sử dụng đất, tránh gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Nghĩa Đức - Bích Lan