ĐBQH BÙI VĂN PHƯƠNG: CẦN CÓ THÊM TIÊU CHUẨN CỤ THỂ ĐỐI VỚI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

13/06/2020

Thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng cần bổ sung tiêu chuẩn cụ thể đối với đại biểu Quốc hội.

Quan tâm đến nội dung về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Bùi Văn Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nêu vấn đề đại biểu Quốc hội ở đâu trong hệ thống cán bộ của hệ thống chính trị? Ở nước ngoài, nghị sĩ Quốc hội là chính khách và yêu cầu tiêu chuẩn chắc chắn là phải cao và để trở thành một vị nghị sỹ của Quốc hội không hề dễ dàng. Nhưng hiện nay đại biểu Quốc hội chưa rõ vị trí trong hệ thống cán bộ. Nếu như tất cả cán bộ từ lớn nhất đến chức thấp nhất ở bên dưới, thôn, xóm, tổ dân phố đều có một quy hoạch, có đào tạo, có bồi dưỡng để chủ động bố trí nguồn khi chúng ta cần thiết, nhưng đại biểu Quốc hội thì không.

Đại biểu Bùi Văn Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu tại phiên họp toàn thể hội trường

Đại biểu Bùi Văn Phương nêu rõ, mỗi một dạng cán bộ, ngoài tiêu chuẩn chung phải có tiêu chuẩn cụ thể, tiêu chuẩn cụ thể chính là yêu cầu rất quan trọng để lựa chọn những người đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn bố trí vào vị trí cán bộ. Đối với đại biểu Quốc hội nếu chỉ có quy định tiêu chuẩn chung như hiện hành thì soi vào đâu cũng tìm thấy đại biểu Quốc hội. Đại biểu bày tỏ lo ngại về chất lượng hoạt động Quốc hội với các quy định chung như hiện nay.

Đại biểu phân tích, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, quyết định mọi vấn đề của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Điều đó đòi hỏi các vị đại biểu Quốc hội cũng phải có am hiểu tương đối toàn diện các lĩnh vực của đất nước, về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Như vậy, cần phải có một tiêu chuẩn cụ thể đối với đại biểu Quốc hội để chuẩn bị lựa chọn đại biểu Quốc hội, để bầu đại biểu Quốc hội.

Thực tế hiện nay, gần đến lúc bầu cử, sau khi Trung ương công bố số lượng, cơ cấu, chỉ trong thời gian vô cùng ngắn là đã có thể chọn các đại biểu Quốc hội của địa phương để đưa vào danh sách. Đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng như vậy là quá dễ. Do đó cần có quy định tiêu chuẩn cụ thể cho đại biểu Quốc hội ngoài 5 tiêu chuẩn chung đã quy định.

Theo đại biểu Bùi Văn Phương ngoài 5 tiêu chuẩn đã được quy định thì đại biểu Quốc hội phải có am hiểu tương đối toàn diện các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, có khả năng phân tích, tổng hợp, tư duy phản biện, có kỹ năng diễn đạt và biểu đạt ý kiến.

Bên cạnh đó, đại biểu Bùi Văn Phương cũng cho ý kiến về việc hợp nhất các Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng Nhân dân và Văn phòng Ủy ban Nhân dân. Đại biểu cho rằng Nghị quyết Trung ương đã quy định chặt chẽ về việc “nghiên cứu ban hành quy định việc hợp nhất 3 văn phòng”, trên cơ sở đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất thận trọng, đã tổ chức thực hiện thí điểm một bước để xem cơ sở thực tiễn có thể nhập được không. Qua thí điểm thực hiện cho thấy việc nhập là không phù hợp. Tuy nhiên về nghiên cứu lý luận khoa học tổ chức thì chưa có cơ quan nào nghiên cứu.

Theo đại biểu Bùi Văn Phương các Văn phòng này có thể hợp nhất trong trường hợp cắt bỏ chức năng nghiên cứu, tham mưu, chỉ còn chức năng phục vụ. Nếu vẫn để chức năng nghiên cứu, tham mưu thì việc nhập các Văn phòng không phù hợp.

Đại biểu chỉ rõ, Hiến pháp năm 2013 quy định có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chính vì yêu cầu đó cho nên bộ phận tham mưu, giúp việc cũng cần phải có tính độc lập tương đối để thực hiện trọn nhiệm vụ.

Đại biểu cho biết thêm, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân trước đây đã hợp nhất và mới tách ra. Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 27 về một số đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội cũng đã đặt vấn đề phải tính toán cơ quan tham mưu, giúp việc cho các đoàn Quốc hội cần phải có sự chuyên sâu, cần phải có sự chuyên nghiệp, cần phải có sự liên thông để đảm bảo tính tham mưu, phục vụ thống nhất và kịp thời. Chính vì vậy Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội được ra đời với Nghị quyết số 1097 với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ rất rõ ràng.

Đại biểu nhấn mạnh: Nếu không đủ cơ sở về mặt khoa học, lý luận, thực tiễn để nhập 3 Văn phòng thì nên giữ nguyên như hiện hành./.

Bảo Yến

Các bài viết khác