ĐBQH VŨ THỊ LƯU MAI CHO Ý KIẾN VIỆC ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN MỘT SỐ ĐOẠN ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC TRÊN TUYẾN BẮC - NAM PHÍA ĐÔNG GIAI ĐOẠN 2017-2020

15/06/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, đưa ra ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

 

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu

Phát biểu tại Phiên thảo luận, đại biểu bày tỏ sự tán thành với việc chuyển đổi các dự án không thể đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư công. Đại biểu cũng tán thành với Chính phủ rằng cần phải có những giải pháp mạnh mẽ để đẩy nhanh tiến độ dự án, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân. Tuy nhiên, về một số vấn đề đại biểu vẫn cảm thấy băn khoăn, cụ thể:

Thứ nhất, về việc chuyển đổi chủ trương đầu tư, đại biểu rằng việc chuyển đổi có những nguyên nhân khách quan nhưng cũng có những nguyên nhân chủ quan. Nhưng cho dù là khách quan hay chủ quan thì đều dẫn đến những hệ quả, đó là: ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển; ảnh hưởng đến tính chủ động của ngân sách nhà nước; lãng phí cơ hội, lãng phí tiền bạc, thời gian, chi phí và sức lực con người; ít nhiều có tác động đến dư luận xã hội và tạo tiền lệ cho giai đoạn về sau.

Chính vì thế, đại biểu cho rằng tới đây chúng ta sẽ thông qua Luật PPP, kiến nghị trong dự thảo lần này cần phải quy định rất rõ trách nhiệm trong đảm bảo tính khả thi của việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách đối với các tổ chức, cá nhân đề xuất dự án, thẩm định dự án, quyết định dự án và việc chuyển đổi chỉ thực hiện trong trường hợp bất khả kháng.

Thứ hai, về phương án cân đối vốn, qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ, đại biểu cho rằng phương án cân đối vốn thể hiện trong Tờ trình chưa đảm bảo tính cụ thể.

Theo Tờ trình thì chỉ đề xuất như sau: Với phần vốn ngân sách nhà nước còn thiếu, Chính phủ sẽ tổng hợp báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công quy định rất rõ những trường hợp bị cấm, trong đó có cấm việc quyết định chủ trương đầu tư khi không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Như vậy, nếu trong Tờ trình của Chính phủ chưa nêu rõ phương án cân đối vốn thì e rằng chưa đủ căn cứ để Quốc hội quyết định ngay tại thời điểm hiện nay, mặc dù trên thực tế thì chúng ta hoàn toàn có thể tính toán và dự ước được kế hoạch trong thời gian tới đây có đủ vốn cho 3 dự án. Tuy nhiên, xét về căn cứ pháp lý thì rõ ràng hiện nay chúng ta chưa có.

Chính vì vậy, đại biểu cho rằng sẽ là đầy đủ hơn nếu như trong Tờ trình của Chính phủ thuyết minh cụ thể về phương án cân đối vốn để có căn cứ cho các đại biểu Quốc hội quyết định, bảo đảm tuân thủ đúng quy định theo Luật Đầu tư công

Bên cạnh đó, trong tờ trình cũng dự kiến số tiền trong kế hoạch năm 2020 để triển khai việc thi công và nguồn thì sẽ lấy từ các dự án có tiến độ giải ngân thấp hoặc có tiến độ giải ngân chậm cho dự án này. Theo đại biểu việc chuyển đổi vốn từ các dự án giải ngân chậm cho dự án này là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, để đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án khác thì cần cân nhắc hết sức thận trọng những lý do mang tính khách quan của việc giải ngân chậm. Theo đại biểu, trong năm vừa qua, tất cả các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch COVID. Do vậy, có những lý do khách quan của việc giải ngân chậm thì chúng ta cũng cần tính toán để đảm bảo tính nhân văn và tính công bằng trong việc chuyển đổi.

Thứ ba, liên quan đến phương án thu hồi vốn nhà nước. Hiện nay, Tờ trình mới chỉ đề cập chung đến chủ trương thu hồi vốn, thông qua hình thức chuyển nhượng, thu phí mà chưa có phương án cụ thể và đáng lưu ý là tại Nghị quyết 52 của Quốc hội, khoản 2 Điều 3 quy định rất rõ, như sau: “Đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công thì Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng phương án thu giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước”. Vì vậy, đề nghị trong Nghị quyết cần làm rõ 3 điểm, thứ nhất, trách nhiệm thu hồi vốn. Thứ hai, lộ trình thực hiện và thứ ba số thu được thì nộp 100% về ngân sách trung ương theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, đối với 5 dự án thành phần còn lại thì Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện theo hình thức PPP và tại thời điểm này đại biểu cho rằng có 2 vấn đề. Đó là tính chắc chắn và tính khả thi của phương án và có lẽ câu hỏi đặt ra đối với rất nhiều người, đó là liệu tới đây Chính phủ có phải một lần nữa tính toán đến việc phải điều chỉnh từ PPP sang đầu tư công hay không? Hơn nữa, về tiến độ và hiệu quả thực hiện. Hiện nay, một dự án được coi là hiệu quả, nếu như đảm bảo tính kết nối và tính đồng bộ, nếu như các tuyến còn lại chậm trễ thì không thể đảm bảo tính kết nối và tính hiệu quả của toàn bộ dự án.

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị để tránh tình trạng chuyển đổi dẫn đến lãng phí tiền bạc, thời gian và lòng tin thì trong nghị quyết tới đây cần quy định rõ 2 khía cạnh: hình thức đầu tư đối với 5 dự án còn lại. Nếu như chúng ta tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP thì phải đảm bảo tính chắc chắn và tính khả thi của việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách; xác định rõ trong nghị quyết về tiến độ và lộ trình thực hiện dự án.

Đại biểu cũng chỉ ra rằng, chúng ta đã chờ đợi 03 năm và mong muốn sớm có được một công trình mang ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đây là quyết tâm của Chính phủ, cũng là tâm huyết của Quốc hội. Tuy nhiên, chúng ta có mong muốn đến đâu thì cũng nhìn nhận tất cả những khó khăn để đưa ra những giải pháp phù hợp, để khi nghị quyết của Quốc hội được ban hành thì mang tính hiệu lực và đem lại hiệu quả thiết thực./.

Hồ Hương