ĐBQH ĐINH VĂN NHÃ CHO Ý KIẾN VIỆC ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN MỘT SỐ ĐOẠN ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC TRÊN TUYẾN BẮC - NAM PHÍA ĐÔNG GIAI ĐOẠN 2017-2020

16/06/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Đinh Văn Nhã – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đưa ra ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Đại biểu Đinh Văn Nhã phát biểu 

Đại biểu Đinh Văn Nhã tán thành phương án lựa chọn của Chính phủ trình. Đại biểu cho rằng các lý do Chính phủ nêu cũng là các lý do tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu nêu 02 vấn đề lớn để cùng với Quốc hội chia sẻ sâu sắc, kỹ lưỡng hơn về vai trò và nhìn nhận về việc lựa chọn phương án đầu tư cao tốc Bắc - Nam, một dự án đặc biệt quan trọng của quốc gia.

Vấn đề thứ nhất, vấn đề lớn đặt ra như Chính phủ báo cáo là 5 đoạn còn lại, tuy đã sơ tuyển, đã lựa chọn được các nhà đầu tư nhưng chủ yếu là các nhà đầu tư xây dựng chuyên nghiệp, giỏi chuyên môn. Họ là những thợ thi công giỏi nhưng khả năng tài chính đầu tư lớn thì rất khó khăn, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào vốn tín dụng dài hạn của ngân hàng.

Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ vốn tín dụng dài hạn cho các dự án công tư thời gian tới thu hút không dễ như 5, 10 năm qua mà sẽ rất khó khăn. Khả năng huy động không nhiều là khả thi. Vì vậy, khả năng Chính phủ sẽ lại phải trình Quốc hội trong các kỳ họp gần nhất để xin Quốc hội các phương án chuyển phương thức đầu tư công sang 100% vốn đầu tư ngân sách đối với một số đoạn trong 5 đoạn còn lại và theo đại biểu sẽ xảy ra ít nhất một lần nữa. Với cách giải quyết vấn đề, một dự án có tầm quan trọng đặc biệt nhất trong số các dự án quan trọng của quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, nhưng có thể tiến độ đến năm 2025 mới có thể kết thúc hoặc có thể kéo dài sau 2025. Nếu điều này là sự thật, Quốc hội sẽ suy nghĩ như thế nào về trách nhiệm của mình trong việc đánh giá vai trò và lựa chọn phương án đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ, chiến lược phát triển kinh tế nhanh, sớm trở thành nước công nghiệp hiện đại trong 5 năm tới theo dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta.

Do đó, đại biểu mong muốn Quốc hội suy nghĩ kỹ lưỡng hơn về vai trò đặc biệt quan trọng của dự án này để lựa chọn phương án đầu tư phù hợp hơn với khả năng chấp nhận rủi ro tham gia đầu tư có giới hạn nhất định của các nhà đầu tư nhân và khả năng phát huy vai trò chủ đạo đầu tư của ngân sách trung ương trong việc thực hiện nhiệm vụ chi của quốc gia.

Vấn đề thứ hai, với nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng có ý nghĩa đột phá đầu tư cơ sở hạ tầng đường bộ, theo định hướng chiến lược trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh phương án đầu tư cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 và cả giai đoạn 2 từ phương thức công tư (PPP) là chính sang phương thức đầu tư công là chủ yếu. Khu vực tư nhân chỉ đầu tư vốn tham gia một số đoạn với sự cam kết chấp nhận mọi rủi ro, lời ăn lỗ chịu theo cơ chế thị trường. Phương án này có nhiều ưu điểm lớn so với phương án đã lựa chọn. Toàn tuyến sẽ được xây dựng đồng bộ thông suốt từ Bắc đến Nam. Tiến độ thực hiện có thể nhanh, hiệu quả, sớm phát huy tác dụng với mọi vùng miền dọc chiều dài đất nước, sẽ là một đại công trình quy mô lớn tạo ra nhiều việc làm, thực sự tạo động lực phục hồi kinh tế sau đại dịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh theo định hướng chiến lược của Đảng ta trong 5 năm tới.

Đồng thời, phương án này sẽ giảm áp lực, nhiều lúc buộc phải tham gia đầu tư vốn dài hạn của các tổ chức tín dụng cho xây dựng hạ tầng theo mệnh lệnh hành chính với nhiều rủi ro, tạo cơ hội nhiều hơn cho khu vực doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh. Vấn đề khó khăn nhất theo phương án này cần phải giải quyết, đó là nguồn vốn ngân sách nhà nước có thể bố trí cân đối bằng cách nào? Theo đại biểu, khó khăn này trong vài năm tới ta có điều kiện thị trường và cơ chế thuận lợi hơn so với 5, 10 năm trước, có cơ sở bảo đảm nguồn vốn ngân sách nhà nước để bố trí tập trung đầu tư dự án trọng điểm này.

Đại biểu phân tích vốn đầu tư phát triển của ngân sách trung ương 5 năm tới sẽ được điều chỉnh lại hướng sử dụng, thể hiện ở chỗ nếu như năm 15 năm trước, khi phân bổ vốn đầu tư phát triển của ngân sách trung ương, chúng ta đã giành 65% đến 70% để hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương, chỉ giữ lại 30%-35% dự toán chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương để bố trí cho các dự án quan trọng do các bộ ngành quản lý. Theo cơ chế mới, việc phân bổ sử dụng vốn đầu tư phát triển của ngân sách trung ương sẽ cơ bản được điều chỉnh, ngược lại sẽ dành không quá 30% vốn đầu tư phát triển của ngân sách trung ương theo kế hoạch đầu tư công 5 năm dự toán hàng năm để bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. Phần còn lại 70% sẽ bố trí tập trung đầu tư các dự án quan trọng của quốc gia, chương trình mục tiêu quốc giao các dự án liên vùng có tác dụng là động lực phát triển vùng. Với cơ chế mới này, nếu chúng ta coi dự án cao tốc Bắc - Nam có vị trí đặc biệt quan trọng thì sẽ bố trí ưu tiên số một, như vậy có thể cân đối được nguồn từ ngân sách nhà nước

Bên cạnh đó, với điều kiện thị trường tại thời điểm này, dự báo đến cuối năm 2020 và một, hai năm tới, việc huy động vốn đầu tư phát triển của ngân sách trung ương thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ khá thuận lợi. Có thể nói đây là thời điểm vàng. Theo đại biểu, với tư duy kiến tạo, dám làm, dám quyết cần đồng tâm, thống nhất tận dụng cơ hội này để làm một việc lớn cho quốc gia dân tộc đó là xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam chủ yếu bằng vốn ngân sách, trong đó phần lớn là vốn trái phiếu Chính phủ.

Đại biểu nêu rõ, trên cơ sở phân tích, việc quyết định đầu tư cao tốc Bắc - Nam theo phương án trên sẽ có lợi ích kinh tế - xã hội tổng hợp tối ưu so với chi phí đầu tư dự án có giá vốn đầu tư tương đối thấp, ngân sách có thể chấp nhận đầu tư là chính với sự tham gia đóng góp một phần của khu vực tư nhân./.

Hồ Hương