ĐBQH KNHIỄU: CẦN PHÂN CẤP CỤ THỂ TRÁCH NHIỆM CỦA HĐND TRONG VIỆC THỰC THI NHIỆM VỤ BIÊN PHÒNG

21/06/2020

Góp ý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH K’Nhiễu – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị dự thảo cần nêu cụ thể trách nhiệm của Hội đồng nhân dân từng cấp trong việc thực thi nhiệm vụ biên phòng, qua đó giúp Hội đồng nhân dân từng cấp thấy rõ trách nhiệm của mình.

Cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, ĐBQH K’Nhiễu góp ý một số vấn đề:

Về phạm vi điều chỉnh, ĐBQH K’Nhiễu đề nghị làm rõ phạm vi điều chỉnh của luật là hoạt động biên phòng, bổ sung vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức hoạt động, chế độ chính sách đối với bộ đội biên phòng được quy định tại Chương IV và Chương V vào phạm vi điều chỉnh và chỉnh lý lại Điều 1 như sau: Luật này quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng phối hợp và hợp tác quốc tế trong hoạt động biên phòng, lực lượng bộ đội biên phòng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng.

ĐBQH K’Nhiễu – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng góp ý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam 

Khái niệm "biên phòng" được giải thích tại khoản 1 Điều 2 chưa thực sự thuyết phục. Thực tế, trên các đảo gần bờ có dân cư sinh sống thường có đồn biên phòng và dọc các tỉnh Duyên hải miền Trung nước ta cũng được bố trí các đồn biên phòng tại các cửa sông, cửa biển, nhưng đây không phải là khu vực biên giới. Do đó, dự thảo luật cần phải bổ sung các đảo trong vùng lãnh hải và các khu vực bờ biển cho đầy đủ. Có thể, thể hiện lại khoản 1 Điều 2 như sau: Biên phòng là tổng thể các biện pháp để bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội, khu vực ở biên giới vùng biển.

Đối với phương châm xây dựng nền biên phòng toàn dân của chúng ta là toàn dân toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường, chủ động và linh hoạt. Đây là một chủ trương lớn của Việt Nam, không thể thiếu trong hoạt động biên phòng. Bổ sung nội dung chủ động, linh hoạt vào phương châm xây dựng nền biên phòng toàn dân là thống nhất với nội dung quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9. Vì vậy, ĐBQH K’Nhiễu đề nghị bổ sung khoản 2 Điều 2 dự thảo luật như sau: Nền biên phòng toàn dân là sức mạnh biên phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần và các nguồn lực với phương châm toàn dân toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường, chủ động và linh hoạt.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, ĐBQH K’Nhiễu đề nghị bổ sung nội dung trong hoạt động biên phòng tại khoản 1 Điều 4 như sau: Xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, phá hoại, gây rối trật tự an ninh, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng trong hoạt động biên phòng.

Ngoài các hành vi bị cấm được quy định tại điều này, ĐBQH K’Nhiễu đề nghị bổ sung thêm các hành vi sau: Một là cung cấp, phân tán, chia sẻ dưới mọi hình thức những thông tin, hình ảnh sai lệch về chủ quyền lãnh thổ biên giới Quốc gia Việt Nam nhằm mục đích chống phá, gây mất ổn định chính trị của đất nước.

Hai là hình thành các đường mòn, lối mở, khu vực biên giới trái pháp luật để phục vụ việc vận chuyển, đi lại hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Tại khoản 3 Điều 4 dự thảo luật quy định chống lại, cản trở lực lượng thực hiện nhiệm vụ biên phòng. Đây là hành vi chống người thi hành công vụ. Hành vi chống người thi hành công vụ được ghi rõ tại Điều 330 Chương XX trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bỏ nội dung này.

Về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp quy định tại Điều 31, ĐBQH K’Nhiễu đề nghị chỉnh sửa, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 31 cho phù hợp với thẩm quyền của Hội đồng nhân dân quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương như sau: Quyết định chủ trương, biện pháp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ biên phòng phù hợp với chiến lược bảo vệ biên cương quốc gia, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền biên phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân vững mạnh. Tại điểm c khoản 1 Điều 31 dự thảo luật quy định Hội đồng nhân dân các cấp nơi có biên giới quốc gia có trách nhiệm kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp về biên phòng và ở địa phương. Đề nghị bỏ từ "kiểm tra" tại điểm này vì Hội đồng nhân dân chỉ thực hiện nhiệm vụ, chức năng giám sát. Tương tự đề nghị bỏ cụm từ “kiểm tra” tại điểm a khoản 3 Điều 31.

Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp được quy định tại khoản 1 điều này đối chiếu với thẩm quyền của Hội đồng nhân dân được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành chủ yếu là thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã là không rõ. Do đó, nếu thiết kế tên gọi điều này là trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp. ĐBQH K’Nhiễu đề nghị Ban soạn thảo nêu cụ thể trách nhiệm của Hội đồng nhân dân từng cấp trong việc thực thi nhiệm vụ biên phòng để Hội đồng nhân dân từng cấp thấy trách nhiệm cụ thể của mình và để Chính phủ quy định hướng dẫn điều này./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác