ĐBQH VŨ THỊ LƯU MAI THAM GIA Ý KIẾN VỀ VIỆC BỔ SUNG VỐN ĐIỀU LỆ CHO NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

22/06/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, bàn về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, kiến nghị cần khẳng định rõ việc bổ sung 3.500 tỷ từ nguồn tăng thu cho Agribank xét về thực chất là việc dùng NSNN để bổ sung vốn điều lệ cho một ngân hàng thương mại cụ thể, chứ không phải thay đổi chính sách đối với các ngân hàng thương mại nhà nước.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, phát biểu tại phiên họp

Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank tại thời điểm hiện nay từ nguồn ngân sách nhà nước là hoàn toàn hợp lý, đại biểu bày tỏ tán thành với đề xuất của Chính phủ. Về các vấn đề cụ thể hơn xung quanh việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đưa ra một số ý kiến trao đổi thêm như sau:

Vấn đề thứ nhất là về chủ trương dùng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại. Tờ trình Chính phủ đề xuất bổ sung 3.500 tỷ tăng thu cho Agribank. Theo đại biểu, đây là vấn đề có liên quan trực tiếp đến chính sách đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, đó là việc có dùng ngân sách nhà nước để bổ sung vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại hay không. Việc bổ sung 3.500 tỷ từ nguồn tăng thu cho Agribank xét về thực chất là việc dùng ngân sách nhà nước để bổ sung vốn điều lệ cho một ngân hàng thương mại cụ thể.

Hiện nay trong hệ thống các tổ chức tín dụng có 4 Ngân hàng Thương mại cổ phần Nhà nước được coi là giữ vai trò chủ đạo, được gọi là nhóm Big Four gồm có Vietcombank, Vietinbank, Agribank, và BIDV. Trong đó, chỉ riêng Agribank là 100% vốn nhà nước và hiện nay cả 4 ngân hàng đều đối mặt với một áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn CAR theo tiêu chuẩn Basel II, một số ngân hàng đã có hệ số an toàn vốn rất thấp theo Thông tư số 41 của Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay chỉ có duy nhất Agribank được xem xét bổ sung vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước, còn một số ngân hàng còn lại đang được xem xét theo hướng tăng tỷ lệ lợi nhuận để lại để tăng vốn hoặc huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư bên ngoài.

Theo đại biểu, để đảm bảo tính minh bạch, cụ thể của chính sách, cần khẳng định rõ tại thời điểm hiện nay chúng ta mới chỉ xem xét bổ sung vốn điều lệ cụ thể trong một ngân hàng thương mại cụ thể, đây không phải là việc thay đổi một chính sách. Theo đó, có thể áp dụng ổn định theo hướng là dùng ngân sách nhà nước để bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến định hướng trong thời gian tới. Hiện nay, việc bổ sung 3.500 tỷ từ nguồn tăng thu cho Ngân hàng Agribank có liên quan đến một số chính sách hiện hành. Mặc dù, theo Luật 69 thì Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp mà mình quyết định thành lập. Tuy nhiên, khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết số 25 về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia quy định rất rõ không sử dụng ngân sách nhà nước để bổ sung vốn điều lệ cho các tổ chức tín dụng, thương mại. Bốn năm về trước, vào tháng 10/2016, đây chính là đề xuất của Chính phủ khi xây dựng Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và tại thời điểm đó, quan điểm của Chính phủ nêu rất rõ, đó là đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Theo đó, với tính chất là các tổ chức tín dụng, thương mại nhà nước thì các ngân hàng có trách nhiệm phải tự cân đối nguồn vốn trong quá trình hoạt động kinh doanh. Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã đưa quy định này vào Nghị quyết số 25, tuy nhiên qua quá trình tổ chức thực hiện đã phát sinh những vướng mắc nhất định. Tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Chính phủ đã đề xuất để đưa vào Nghị quyết về kinh tế - xã hội một điều khoản. Chính phủ có thể dùng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho một số ngân hàng. Tuy nhiên, tại thời điểm đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa chấp thuận đề xuất của Chính phủ. Tới đây, sau 3 tháng nữa sẽ tổng kết toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 25 của Quốc hội, trong đó có quy định liên quan đến chính sách đối với các ngân hàng thương mại.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, cùng với việc tổng kết Nghị quyết số 25 của Quốc hội, Chính phủ cần tổng kết đánh giá toàn diện quy định không cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn đối với các ngân hàng thương mại. Trên cơ sở tổng kết, Chính phủ cũng cần nêu rõ quan điểm là có cần thiết hay không việc phải dùng ngân sách để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước và trong trường hợp cần phải sử dụng nguồn lực ngân sách để xử lý những vấn đề mà thực tiễn đặt ra thì cũng cần nêu rất rõ quan điểm. Trên cơ sở đó, Quốc hội mới có định hướng điều chỉnh chính sách cho phù hợp, theo hướng một mặt vẫn phải đảm bảo tính an toàn của các tổ chức tín dụng, nhưng mặt khác vẫn phải bảo đảm phù hợp với cơ chế thị trường và không tạo áp lực lớn cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, về việc dùng 3.500 tỷ từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi năm 2019, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ tán thành với đề xuất của Chính phủ. Hiện nay theo Nghị quyết số 936 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tăng thu thì đã giao cho Chính phủ 14.124 tỷ để bù hụt thu và xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh, đó là thẩm quyền của Chính phủ trong việc sử dụng nguồn 14.124 tỷ. Nếu đây là một nhiệm vụ cấp bách thì có thể sử dụng nguồn lực đó. Theo đại biểu, việc sử dụng như vậy là hoàn toàn phù hợp về thẩm quyền cũng như là tính cấp bách./.

Bùi Hùng