ĐBQH NGUYỄN SỸ CƯƠNG ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VIỆC BỔ SUNG VỐN ĐIỀU LỆ CHO NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

22/06/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, bàn về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, kiến nghị Quốc hội cần có một sự cân nhắc về Nghị quyết số 25 và tổng kết Nghị quyết này trong thời gian sắp tới.

 

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương khẳng định Tờ trình của Chính phủ do Thống đốc Lê Minh Hưng trình bày đã chỉ rất rõ về tính cần thiết cũng như vấn đề liên quan đến bổ sung vốn điều lệ của Agribank, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét rất kỹ nội dung này và đạt được một sự đồng thuận rất cao.

Trước hết, Agribank là Ngân hàng thương mại nhà nước, 100% vốn điều lệ với một vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng để phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là vai trò trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương khẳng định thành tựu vừa qua trong việc xây dựng nông thôn mới có phần đóng góp từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đại biểu cho biết nhiều năm qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ và tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, khiến tỷ lệ an toàn về vốn đã có những suy giảm. Mặc dù, ngân hàng cũng đã có những giải pháp tăng từ lợi nhuận hằng năm và phát hành trái phiếu, nhưng việc tăng vốn vẫn là một nhu cầu rất cấp thiết. Nếu không tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là trong năm nay, đại biểu cho rằng sẽ không đáp ứng được nhu cầu về vốn phát triển kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Các chỉ tiêu tăng trưởng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng bị ảnh hưởng, đồng thời cũng ảnh hưởng đến an toàn trong hoạt động của ngân hàng, cũng như có nguy cơ giảm vị thế, vai trò trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước do sử dụng sở hữu 100% vốn điều lệ và vốn điều lệ nên chỉ có thể được bổ sung từ ngân sách nhà nước. Theo quy định hiện hành, Thủ tướng Chính phủ có quyền đầu tư, quyết định việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến Nghị quyết số 25, tại khoản 7 Điều 4 có quy định Kế hoạch tài chính 5 năm Quốc gia, năm 2016 - 2020 không được dùng ngân sách nhà nước để cấp vốn điều lệ cho tổ chức thương mại.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương kiến nghị Quốc hội cần có một sự cân nhắc về Nghị quyết số 25 và tổng kết Nghị quyết này trong thời gian sắp tới.

Chính phủ đã có thống nhất phương án trình Quốc hội xem xét, bố trí nguồn vốn ngân sách để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nếu được Quốc hội chấp thuận, nếu nghị quyết được ban hành trong kỳ họp này thì Chính phủ cũng sẽ triển khai các công việc cần thiết theo đúng quy định của pháp luật để đầu tư vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cùng với các ngân hàng thương mại Nhà nước như Vietcombank, ViettinBank và BIDV thì Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đáp ứng vốn của nền kinh tế, huy động vốn và dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Trong nhiều năm qua, ngân hàng này luôn luôn chiếm trên dưới 50% toàn hệ thống ngân hàng, cung ứng vốn cho dự các dự án trọng điểm quốc gia. Đồng thời, Ngân hàng thương mại nhà nước còn là công cụ hỗ trợ, dẫn dắt thị trường về tiền tệ, hoạt động hiệu quả, nộp nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước. Trường hợp không có biện pháp tăng vốn để đảm bảo an toàn theo quy định của các ngân hàng phải hạn chế tăng trưởng tín dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cung ứng vốn cho phát triển kinh tế.

Riêng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank thì việc tăng vốn rất quan trọng, bởi vì Agribank là ngân hàng phục vụ chủ yếu trong lĩnh vực tam nông, khu vực trọng yếu của nền kinh tế hiện tại. Với việc tăng vốn điều lệ thì trong năm 2021 và các năm tiếp theo, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank có điều kiện để bổ sung trái phiếu tăng vốn, tạo điều kiện dư nợ cho vay tương ứng và doanh thu sẽ được tăng thêm. Mặt khác, điều kiện để Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank hoàn thành các mục tiêu Đề án tái cơ cấu từ năm 2016 đến năm 2020 đã được Ngân hàng nhà nước phê duyệt và tạo đà tăng trưởng phát triển, gia tăng giá trị doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cổ phần hóa và gia tăng giá trị thặng dư của cổ phần hóa.

Thực tế cho thấy việc đầu tư vào các Ngân hàng thương mại nói chung, trong đó có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank đều đặn sinh lời, hàng năm đóng góp rất nhiều tiền thuế cho ngân sách. Con số thống kê của năm 2019 đã chỉ ra điều đó. Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank được tăng vốn đồng nghĩa với việc hàng triệu hộ nông dân, doanh nghiệp sẽ có nguồn vốn hợp lý để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, tăng lợi nhuận và nộp thuế cho nhà nước, đóng góp tích cực vào phát triển nền kinh tế. Đại biểu bày tỏ hoàn toàn ủng hộ chủ trương này./.

Bùi Hùng