ĐBQH DƯƠNG TẤN QUÂN: CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

23/06/2020

Góp ý Dự án Luật Biên phòng Việt Nam tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, việc xây dựng Luật là hết sức cần thiết, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bộ đội biên phòng, nâng cao hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam, ĐBQH Dương Tấn Quân cho rằng, thực tiễn trong hoạt động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, có thể khẳng định, bộ đội biên phòng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là một thành phần của Bộ Quốc phòng, lực lượng nòng cốt chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới đất liền, vùng biển đảo. Bộ đội biên phòng đã chủ trì thực hiện hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý, trực tiếp quan hệ, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng xây dựng biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển, đáp ứng yêu cầu hội nhập, mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt trong đại dịch COVID-19 vừa qua, bộ đội biên phòng là một trong những lực lượng nòng cốt phối hợp chặt chẽ với các đơn vị địa phương ngăn chặn hiệu quả việc lây lan dịch bệnh qua biên giới. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng các đồng chí đã giữ vững tinh thần quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

ĐBQH Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực luôn có những diễn biến phức tạp, khó lường, chủ quyền quốc gia tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên đất liền trên biển, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai, bạo loạn, tình hình tội phạm ma túy, tội phạm xuyên biên giới và các tội phạm khác luôn diễn biến phức tạp, là một thách thức lớn đến thực hiện nhiệm vụ của bộ đội biên phòng, đòi hỏi bộ đội biên phòng phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Do vậy, ĐBQH Dương Tấn Quân khẳng định việc xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam là hết sức cần thiết nhằm xây dựng lực lượng bộ đội biên phòng vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bộ đội biên phòng, nâng cao hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Góp ý về bố cục của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, tại Chương IV, ĐBQH Dương Tấn Quân đề nghị sắp xếp lại vị trí các điều luật trong chương này theo thứ tự. Trước tiên là hệ thống tổ chức, vị trí, chức năng, trang bị quân phục,... ngoài ra trong chương này có 2 điều luật, theo tôi là chưa phù hợp với tên của chương. Đó là Điều 16, hình thức quản lý, bảo vệ biên giới và Điều 17 về biện pháp quản lý bảo vệ biên giới, trong khi Chương IV quy định về lực lượng Bộ đội Biên phòng, đề nghị Ban soạn thảo cũng xem xét, sắp xếp cho phù hợp.

Tại Chương VI về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng, ĐBQH Dương Tấn Quân cho rằng trong các điều luật còn lặp đi lặp lại những từ ngữ giống nhau trong cùng một điều luật, làm cho người đọc khó nhớ và dễ nhầm lẫn. Tôi ví dụ tại Điều 28 về trách nhiệm của Bộ Ngoại giao, cụm từ “chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng” lặp lại 2 lần tại khoản 1 và khoản 2 và cụm từ “phối hợp với Bộ Quốc phòng” lặp lại 3 lần tại khoản 3, khoản 4, khoản 5. Hay tại Điều 29 cụm từ “Về trách nhiệm của Bộ Công an”, cụm từ “chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao” để lặp lại 3 lần. Đề nghị nên thiết kế gọn hơn, tránh trùng lặp và có thể thiết kế thành các điểm nhỏ trong một khoản

Về các vấn đề cụ thể, thứ nhất tại Điều 3 chính sách của nhà nước về biên phòng có sự trùng lặp về nội hàm các điều luật với nhau. Như tại khoản 6 Điều 3 quy định nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ biên phòng. Nhưng tại khoản 2, Điều 25 lại tiếp tục quy định là “Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng và chính sách đặc thù công tác tại địa bàn hoạt động của khu vực biên giới”. Theo ĐBQH Dương Tấn Quân, nội hàm của 2 khoản này là giống nhau và đề nghị Ban soạn thảo xem lại thiết kế cho phù hợp hơn.

Tại Điều 3 khoản 4 quy định “Nhà nước có chính sách trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách”, ĐBQH Dương Tấn Quân đề nghị nên bỏ đoạn “nhân dân là chủ thể lực lượng vũ trang, nhân dân là nòng cốt, bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách” vì không cần thiết và sẽ trùng lặp với Điều 7 về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng đã có quy định rất rõ

Tại Điều 13 vị trí chức năng của bộ đội biên phòng, tại khoản 1 quy định “Bộ đội biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng chuyên trách nòng cốt thực thi nhiệm vụ biên phòng”, ĐBQH Dương Tấn Quân đề nghị bỏ cụm từ “làm nòng cốt” vì Điều 3 quy định về vị trí, chức năng của bộ đội biên phòng chứ không phải là nhiệm vụ và hơn nữa tại khoản 2 Điều 7 đã quy định là “các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt.

Khoản 3 quy định: “Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách trong thực thi nhiệm vụ biên phòng”, nếu quy định như vậy thì 2 điều luật này sẽ chồng chéo, không xác định rõ chủ thể nào là nòng cốt thực thi nhiệm vụ quốc phòng, biên phòng.

Tại khoản 2, đoạn đầu có quy định: “Bộ đội biên phòng có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ban hành theo thẩm quyền”. Tuy nhiên, cũng chưa thể hiện rõ ban hành về vấn đề gì và đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại cho phù hợp./.

Trọng Quỳnh