ĐỂ THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH EVFTA HIỆU QUẢ: CẦN ĐỔI MỚI THỂ CHẾ KINH TẾ, HOÀN THIỆN HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT

23/06/2020

Để nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế của Hiệp định EVFTA, các đại biểu Quốc hội đề xuất Việt Nam cần tiếp tục cải cách, đổi mới thể chế kinh tế, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế.

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội là Việt Nam cần tiếp tục cải cách, đổi mới thể chế kinh tế, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm vào thị trường Châu Âu.

Đề cập thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu rõ: Việt Nam và Liên minh Châu Âu khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do từ tháng 6/2012, sau gần 3 năm với 14 vòng đàm phán, tháng 12/2015 hai bên đã kết thúc đàm phán. Ngày 30/6/2019, tại Hà Nội, đại diện Chính phủ Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã ký Hiệp định EVFTA. Hiệp định EVFTA gồm 17 chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung. So với WTO và các FTA khác mà Việt Nam ký kết, Hiệp định EVFTA được coi là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, ngoài những cam kết về thương mại hàng hóa và dịch vụ với mức độ cắt giảm thuế cao còn phải cam kết các lĩnh vực được coi là phi truyền thống như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm Chính phủ, minh bạch hóa.


Các đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Theo Chính phủ, Hiệp định sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó). EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua Hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD chiếm 22% GDP toàn cầu.

Về trao đổi thương mại, Việt Nam và EU chủ yếu mang tính bổ trợ thay vì cạnh tranh lẫn nhau. Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, EVFTA dự kiến sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, tập trung vào một số ngành như nhóm hàng nông sản (gạo, đường, thịt lợn, thịt gia súc gia cầm, lâm sản, đồ uống và thuốc lá), nhóm ngành chế biến, chế tạo (dệt, may mặc, da giày), nhóm ngành dịch vụ (vận tải thủy, vận tải hàng không, tài chính và bảo hiểm, các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác).

Về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm. EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường nước ta để không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường, đồng thời có sự tác dụng là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam. Về đầu tư, EVFTA là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ.

Về lao động, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm. Về thu ngân sách, dự kiến tổng mức giảm thu từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tăng thu từ thu nội địa dưới tác động của đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế khoảng 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030.

Cũng theo Chính phủ, đi cùng với những lợi ích, Hiệp định EVFTA cũng có một số thách thức. Đó là Hiệp định EVFTA tạo ra sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ từ EU cho doanh nghiệp, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Hiệp định EVFTA bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi thương mại, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp kiểm dịch động thực vật, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả chủ trương cải cách thủ tục hành chính. Các cam kết về lao động trong Hiệp định cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hay việc thành lập Nhóm tư vấn trong nước với sự tham gia của đại diện người lao động, các doanh nghiệp, nhà khoa học và các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam có thể làm gia tăng sức ép xã hội, xảy ra tranh chấp lao động quốc tế và tác động tiêu cực ảnh hưởng đến an ninh, trật tự quốc gia trong quá trình thực thi Hiệp định.

Việc Quốc hội thông qua phê chuẩn Hiệp định EVFTA sẽ tạo cơ hội lớn cho Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với việc cải cách thể chế, thủ tục hành chính; yêu cầu ngày càng cao đối với doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh...


Đại biểu Nguyễn Minh Sơn – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang đánh giá cao việc Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế của Hiệp định, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các giải pháp căn bản. Đó là cải cách, đổi mới thể chế kinh tế, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế; tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu lực của hệ thống chính sách, pháp luật kinh tế. Điều này cũng là tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực về đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan phù hợp với các cam kết Hiệp định EVFTA.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn Đại biểu TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Việc sớm thông qua Hiệp định EVFTA  sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích về kinh tế nên đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện lại các văn bản luật pháp trước đây. Cho nên, việc Chính phủ cũng như Quốc hội cần xây dựng một lộ trình làm sao đồng bộ nhất là trong việc hoàn thiện sửa chữa hệ thống luật pháp để cho các doanh nghiệp triển khai, thực hiện các Hiệp định được thuận lợi hơn.


Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn Đại biểu TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm.

Còn đại biểu Trần Thị Quốc Khánh – Đoàn Đại biểu Thành phố Hà Nội đề nghị Quốc hội xem xét để thay đổi cách xây dựng pháp luật. Theo đó, Luật Dịch vụ công không phải chỉ đề cập vấn đề pháp luật về kinh doanh, đầu tư mà rất thích hợp cho vấn đề đổi mới thể chế, cải cách thủ tục hành chính. Việc Quốc hội phê chuẩn thông qua Hiệp định EVFTA có ý nghĩa rất quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế và đây cũng là cơ hội để cải cách thể chế.

Phát biểu kết luận về những vấn đề trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết: Tất cả ý kiến của các đại biểu góp ý về việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA có ý nghĩa rất quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường đối ngoại, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong chương trình của Chính phủ cần luật hóa, thể chế hóa các quy định pháp luật để doanh nghiệp Việt Nam tham gia thực hiện tốt các Hiệp định. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có sự đầu tư, nghiên cứu thị trường, tác động giữa thị trường Việt Nam với các thị trường khác, tránh sự lệ thuộc. Đặc biệt, các Bộ ngành cần quan tâm hơn nữa đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo nền kinh tế hội nhập tự lực, tự cường, hội nhập sâu; quan tâm hơn tới các chính sách cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khai thác lợi thế, môi trường đầu tư vào EU nhưng vẫn đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, để thực hiện Hiệp định hiệu quả thì phải có Nghị quyết riêng về vấn đề giải quyết tranh chấp nếu xảy ra kiện tụng về kinh doanh, đầu tư dựa trên căn cứ vào Luật Văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết những vấn đề thực tiễn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.Vì vậy, đề nghị các cơ quan cần nghiên cứu thêm về việc này./.

Bích Lan