ĐBQH NGUYỄN THANH HẢI: CẦN BỔ SUNG ĐẦY ĐỦ CÁC NHIỆM VỤ CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG VÀO DỰ ÁN LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

23/06/2020

Góp ý dự án Luật Biên phòng Việt Nam tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải – Đoàn ĐBQH Tiền Giang cho rằng còn một số nhiệm vụ mà bộ đội biên phòng đã thực hiện trong thực tế nhưng chưa được quy định trong Luật.

 

Nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải cho rằng việc ban hành Luật sẽ cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33 ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia cũng như quy định của Hiến pháp về bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức hoạt động của bộ đội biên phòng nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bộ đội biên phòng, nâng cao hiệu quả hoạt động đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải – Đoàn ĐBQH Tiền Giang

Góp ý về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 của Dự án Luật Biên phòng Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định lại phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật theo hướng bao quát hơn để khi đọc phạm vi điều chỉnh của luật sẽ cơ bản nắm được một số nội dung chính của luật điều chỉnh. Cụ thể, Luật này quy định về công tác bộ đội biên phòng Việt Nam, nhiệm vụ và thực thi nhiệm vụ biên phòng, lực lượng bộ đội biên phòng, trách nhiệm quản lý nhà nước về biên phòng và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Về nhiệm vụ của bộ đội biên phòng tại Điều 14, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải thống nhất với quan điểm của Ban soạn thảo dự án luật về việc quy định cụ thể nhiệm vụ của lực lượng biên phòng với vai trò lực lượng chuyên trách, nòng cốt, thực thi nhiệm vụ biên phòng nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn để lực lượng này thực thi nhiệm vụ nhất là trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Tuy nhiên, qua rà soát một số nhiệm vụ thực tế của bộ đội biên phòng, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải cho biết vẫn còn một số nhiệm vụ mà bộ đội biên phòng trong thực tế đã thực hiện theo quy định của một số luật khác, của các văn bản dưới luật nhưng chưa được luật hóa vào trong luật này. Cụ thể như là Luật Biên giới quốc gia, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người Việt Nam tại nước ngoài, Luật Hải quan hay Thông tư số 44 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Do đó, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xem xét bổ sung các nhiệm vụ khác của bộ đội biên phòng vào trong luật này để quy định được cụ thể và đầy đủ hơn.

Về giải thích từ ngữ tại Điều 2, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung, giải thích từ ngữ đối với cụm từ “thực thi nhiệm vụ biên phòng và thế trận biên phòng toàn dân” để người đọc có cách hiểu sơ bộ và khái quát, về khái niệm này trước khi tiếp cận sâu hơn vào các quy định của điều luật, góp phần giúp người đọc dễ hiểu, dễ theo dõi vì dự án luật có nói về các vấn đề trên, song khái niệm thì chưa có giải thích.

Về các hành vi bị cấm ở Điều 4 tại khoản 7 điều này, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải đề nghị Ban soạn thảo tách quy định tại khoản này thành 2 khoản riêng biệt vì đây là 2 hành vi khác nhau. Do vậy, đề nghị thể hiện Điều 4 các hành vi bị cấm từ khoản 1 đến khoản 6 và thêm khoản 7 là giả danh lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng và trả thù, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Về vị trí, chức năng của bội đội biên phòng tại Điều 13. Tại khoản 2 điều này, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải đề nghị Ban soạn thảo xem xét tách chức năng của bộ đội biên phòng thành các chức năng rõ ràng, cụ thể, tương ứng với các nhiệm vụ khác nhau để bố cục của điều luật được rõ ràng và chặt chẽ hơn.

Về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải cho rằng nội hàm của quy định này quy định về trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ khác ngoài các bộ như Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đã được quy định cụ thể lần lượt tại các Điều 27, 28 và 29 của luật. Do vậy, để làm rõ quy định này, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung từ “khác” vào sau cụm từ “trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ” tại tên điều luật và sau cụm từ “các bộ, cơ quan ngang bộ” tại khoản 1 của điều này.

Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu bổ sung điều luật về quy định trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào điều này, vì khu vực biên giới của nước ta có nhiều nơi có rừng thuộc phạm vi quản lý của lực lượng kiểm lâm. Và theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 15 năm 2017 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về các lĩnh vực ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, phát triển nông thôn. Do vậy, cần bổ sung trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm rõ vai trò của bộ này trong công tác biên phòng ở những khu vực trong dự án luật quan trọng này./.

Trọng Quỳnh