ĐBQH LÊ QUANG TRÍ ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XÂY DỰNG

25/06/2020

Trong phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng tại đợt 1 Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Lê Quang Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đã góp ý về một số nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo Luật này.

Đại biểu Lê Quang Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lê Quang Trí cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu tham gia ý kiến một số vấn đề sau:

Thứ nhất, về quyền trách nhiệm của cơ quan tổ chức thẩm định, thẩm tra, báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại Điều 71. Đại biểu thống nhất với quy định về việc các cơ quan tổ chức thẩm định, thẩm tra, báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với kết quả thẩm tra của mình. Quy định này buộc các cơ quan, tổ chức thẩm định, thẩm tra các dự án phải tổ chức thẩm định, thẩm tra các dự án đầu tư xây dựng một cách cẩn trọng, khách quan, khoa học để ngăn chặn các dự án không hiệu quả được triển khai cũng như cho phép các dự án hiệu quả được triển khai.

Tuy nhiên, theo đại biểu, các quy định trong điều này là chưa đầy đủ, chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm của người chủ trì và trách nhiệm của các cá nhân tham gia thẩm định, thẩm tra nên có thể vì lý do chủ quan, không cẩn trọng của các cá nhân tham gia thẩm định, thẩm tra dự án làm cho các kết quả thẩm tra, thẩm định dự án không khách quan, không chính xác. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một khoản vào điều này về quyền và trách nhiệm của người chủ trì, của các cá nhân tham gia thẩm định, thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, quy định người chủ trì và các cá nhân tham gia thẩm định, thẩm tra dự án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Đồng thời, điều chỉnh tên Điều 71 thành “quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thẩm định, thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng”.

Thứ hai, quy định chung về cấp phép xây dựng tại Điều 89. Tại khoản 2 điều này quy định các trường hợp không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng, trong đó: Tại điểm i quy định “công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị thì không cần phải có giấy phép xây dựng”. Đây là quy định để người dân dễ dàng xây dựng mới nhà ở trên mảnh đất ở lâu đời của gia đình mình.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua có rất nhiều công trình xây dựng không cần giấy phép đã được xây dựng tại khu vực ven biển, biên giới, địa điểm trọng yếu, ảnh hưởng lớn đến quốc phòng, an ninh quốc gia cũng như có nhiều khu dân cư tự phát được hình thành từ việc phân lô bán nền, xây dựng các nhà ở riêng lẻ gây quá tải cho hệ thống cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự tại địa phương. Tại điểm d quy định công trình sửa chữa, cải tạo không cần phải có giấy phép. Thực tế trong thời gian vừa qua có rất nhiều vụ cháy gây chết người do thi công sửa chữa công trình không đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Do đó, tại Điều 89, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một khoản giao Chính phủ quy định chi tiết điều này để khắc phục những hạn chế nêu trên.

Thứ ba, về an toàn trong thi công công trình xây dựng tại Điều 115. Theo đại biểu, an toàn trong thi công công trình xây dựng là hết sức quan trọng. Do đó, đại biểu thống nhất với quy định trách nhiệm của nhà thầu, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc bảo đảm an toàn cho con người, công trình, tài sản, thiết bị, phương tiện trong quá trình thi công xây dựng công trình.

Tuy nhiên, theo đại biểu các quy định trong điều này là chưa đầy đủ. Thực tế trong thời gian vừa qua có rất nhiều sự cố công trình xây dựng như là sập công trình đang thi công, cháy công trình đang sửa chữa, cải tạo gây hậu quả rất nghiêm trọng. Nguyên nhân là do thiết kế công trình không đảm bảo an toàn do thẩm định, thẩm tra thiết kế chưa đầy đủ, do người thi công không tuân thủ điều kiện an toàn lao động, an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân thiết kế, thẩm định thiết kế chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra sự cố công trình nghiêm trọng do lỗi thiết kế, thẩm định thiết kế. Cũng như nghiên cứu bổ sung quy định nghĩa vụ của người tham gia thi công tuân thủ an toàn lao động, tuân thủ an toàn phòng cháy, chữa cháy trong quá trình thi công trình xây dựng.

Nghĩa Đức - Bích Lan