ĐBQH BÙI THANH TÙNG: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT VỀ GIẢI PHÁP THÁO GỠ NÚT THẮT KHÓ KHĂN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

30/06/2020

Sau 10 năm triển khai chương trình xây dựng NTM đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo chuyển biến lớn ở nhiều địa phương. Nhưng có một thực tế là việc xây dựng NTM đối với xã vùng sâu, vùng xa, miền núi còn nhiều khó khăn. Tại phiên chất vấn trực tiếp kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, ĐBQH Bùi Thanh Tùng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về những giải pháp tháo gỡ nút thắt khó khăn cho các xã vùng sâu, vùng xa cùng giải pháp duy trì những kết quả đạt được

 

Chuyển biến tích cực cơ cấu cây trồng từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Vườn cây hoa giấy hơn 10 năm của hộ gia đình anh  Dương Trọng Hải, tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội chuẩn bị cho thu hoạch và đang được hoàn thiện những khâu cuối cùng trước khi thương lái tới thu mua đem đi tiêu thụ. Nhờ có sự hỗ trợ của chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao và cải thiện cuộc sống cho gia đình. 

Vườn hoa giấy chuẩn bị cho thu hoạch

Anh Dương Trọng Hải, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội vui mừng chia sẻ: Nhân dân rất phấn khởi bởi thời gian gần đây được các cấp xã quan tâm. Trước làm ruộng, trồng cây lúa, một năm hai vụ rất khó khăn, khi bà con chuyển đổi sang cây hoa giấy như thế này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương. Cuộc sống của hai vợ chồng nếu chỉ cấy lúa thì một năm không để được ra, từ khi chuyển đổi sang mô hình này, cuộc sống của gia đình khá giả hơn nhiều.

Thực hiện Nghị quyết số 80-NQ/ĐU ngày 27/02/2019 về công tác chuyển đổi sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Phù Đổng giai đoạn 2019-2020, tới nay toàn xã đã chuyển đổi được 11,5 ha ( đạt 38,3%) từ đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh tại 4 thôn (Phù Dực 2, Phù Đổng 1, Phù Đổng 2 và Đổng Viên); tổng diện tích gieo trồng các loại cây ước đạt 463,6 ha.Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1.192 triệu đồng , bằng 119,74% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Nguyễn Thị Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Từ những năm 2009, kinh tế người dân xã Phù Đổng chủ yếu là trồng lúa. Sau năm 2009, xã chúng tôi chuyển đổi sang mô hình trồng hoa cây cảnh, chủ yếu là cây hoa giấy cho hiệu quả kinh tế rõ rệt và nâng cao đời sống vật chất của người dân.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội nông dân xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội bày tỏ: Với vai trò của Hội nông dân, chúng tôi phối hợp với hợp tác xã thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, các hội nghị tuyên truyền vận động nhân dân về những vùng đã được chuyển đổi theo quy hoạch, vùng đã được chuyển đổi của UBND huyện Gia Lâm. Với những xứ đồng với diện tích đất trũng, ô nhiễm, không thể sản xuất cấy lúa được thì chúng tôi vận động bà con nhân dân chuyển đổi sang trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả mang giá trị kinh tế cao.

"Thời gian tới, Phù Đổng tiếp tục tập trung mọi nguồn lực giữ vững những tiêu chí nông thôn mới nâng cao đã đạt được, phấn đấu từng bước hoàn thành các tiêu chí còn lại. Trong đó, tập trung nguồn lực cho xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi nội đồng, đẩy mạnh phát triển kinh tế trên địa bàn xã, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, trồng hoa cây cảnh, thực hiện có hiệu quả đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh giai đoạn 2016-2020. Qua đó, phấn đấu đến hết năm 2019 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 54 triệu đồng/người/năm" - ông Nguyễn Văn Quyền chia sẻ.

Không chỉ tại Hà Nội, diện mạo nông thôn đang dần khởi sắc tại nhiều nơi trên cả nước. Sau đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định tiếp tục vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển. Thời gian qua, toàn huyện đã huy động hơn 100 tỷ đồng tu sửa, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở vật chất, kiến thiết đồng ruộng, làm vệ sinh môi trường, trồng hoa trên các tuyến đường… để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Kinh tế - xã hội ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 7,32%, tăng 0,04% so với kế hoạch.   

Đường giao thông ở xã nông thôn mới Hải Quang, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định 

Ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định khẳng định: Trong các gỉải pháp tập trung để phát triển kinh tế xã hội, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong đó mũi nhọn là chương trình mỗi xã một sản phẩm, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, đảm bảo môi trường trong phát triển kinh tế xã hội.

Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ được đánh giá là nơi hội tụ những điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của cả nước, nơi khởi nguồn cho đề xuất của Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách như: Chương trình mỗi xã một sản phẩm; xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu hướng tới phát triển bền vững cũng là tiền đề cho xây dựng nông thôn Việt Nam giai đoạn sau năm 2020, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn liền với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo Nghị quyết 32/2016 của Quốc hội.

Nghị quyết 26 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua đã đạt được kết quả đột phát và bao trùm được mục tiêu lớn đề ra. Sau 10 năm triển khai, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã giúp người dân ở nông thôn thực sự phát huy được tính chủ động, sáng tạo, vừa sản xuất nông nghiệp, vừa cung ứng dịch vụ để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thu nhập, đời sống của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần năm 2008 còn 1,8 lần năm 2017. Tỷ lệ nghèo giảm nhanh. Đặc biệt, kết quả đạt được đã tạo nền tảng cho nông nghiệp nông thôn nước ta trong xu thế hội nhập.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng: Tham gia hội nhập sâu hơn vào chuỗi nông sản toàn cầu cũng phải đòi hỏi tổ chức lại nền sản xuất Việt Nam trên cơ sở kết quả những thành quả của giai đoạn vừa qua. Bước tới hội nhập sâu hơn đòi hỏi những chuẩn mực cao hơn, tính chất sản xuất hàng hoá rõ hơn, tính liên kết chặt chẽ giữa các thành tố từ hợp tác xã, bà con nông dân phải chặt chẽ hơn. Do đó, quay trở lại là tiếp tục đòi hỏi hoàn thiện về mặt thể chế, tổ chức, cơ chế chính sách, hoàn thiện về mặt chỉ đạo như thế nào để  đảm bảo cho mục tiêu nông nghiệp - nông dân - nông thôn Việt Nam tiếp tục phát triển trong tiến trình chủ động hội nhập thế giới với nhiều biến động của xu thế toàn cầu mà chúng ta thích ứng được.

Có thể nói 10 năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cả nước đã huy động được hơn 2,4 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 110 tỷ USD) xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là gần 320.000 tỷ đồng (bình quân khoảng 35,9 tỷ đồng/xã trong 9 năm), chiếm 13,2%. Diện mạo nông thôn sau gần 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới đã được đổi mới, khang trang, sạch, đẹp hơn; các công trình hạ tầng cơ sở được các địa phương tập trung đầu tư, nâng cấp, đã và đang hỗ trợ tốt cho việc tổ chức sản xuất và sinh hoạt cho người dân ở nông thôn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia nhấn mạnh: Đến nay, cả nước có 4.665 xã (chiếm 52,4%) số xã trong toàn quốc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 8 tỉnh, thành phố có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ. 109 đơn vị cấp huyện thuộc 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, hai tỉnh Đồng Nai, Nam Định có 100% số xã và 100% đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Những bất cập trong thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở vùng sâu, vùng xa

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới được thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) những năm gần đây đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập trong thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở vùng sâu, vùng xa.

Theo báo cáo của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, hiện nay vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn có 1.957 xã đặc biệt khó khăn ở khu vực miền núi, vùng cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa và 20.176 thôn đặc biệt khó khăn. Đây là khu vực vẫn còn tồn tại 5 nhất so với cả nước, đó là: Vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; tỷ lệ người nghèo cao nhất.

Để hoàn thành xây dựng nông thôn mới, vùng DTTS và miền núi cần huy động nguồn lực tổng thể

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội mong muốn: Đảng, Chính phủ quan tâm thường xuyên hơn tới nông nghiệp, nông dân vì trong quá trình chuyển đổi cũng gặp những khó khăn về tích tụ ruộng đất, đầu tư giao thông nội đồng, đường điện để nhân dân thuận tiện trong quá trình chuyển đổi nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thuỷ, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Phù Đổng. Huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội cho biết: Các tuyến đường của chúng tôi xây dựng từ những năm trước đây xuống cấp, trong thời gian tới cũng được tu sửa và được làm đường nội đồng trong vùng chuyển đổi.

Trong giai đoạn tới, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cần đảm bảo xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển đô thị; giữ vững được tiêu chí nông thôn mới các địa phương; vẫn còn địa phương nặng về hình thức, mới quan tâm đến việc đạt được các mục tiêu, chưa quan tâm đến chất lượng đạt chuẩn; nhiều tiêu chí, kết quả thực hiện còn kém bền vững; vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực của Trung ương; vẫn còn sự chệnh lệch, chưa hài hoà giữa các địa phương, nhất là các địa bàn miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Nói cách khác, khoảng cách phát triển nông thôn tại các vùng miền trên cả nước còn cao, vẫn có nơi còn huy động quá sức dân trong xây dựng nông thôn mới.

Kiến nghị giải pháp cập trong thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở vùng sâu, vùng xa

Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng, hướng tới mục tiêu: Đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới). Sau 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo chuyển biến lớn ở nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, có thể nhìn nhận một thực tế là việc xây dựng nông thôn mới đối với xã vùng sâu, vùng xa, miền núi còn nhiều khó khăn và thách thức.

Trước thực tế đó, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn về những giải pháp tháo gỡ nút thắt khó khăn cho các xã vùng sâu, vùng xa, giải pháp duy trì những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện chủ trương xây dựng Nông thôn mới. Nội dung chất vấn của đại biểu nêu rõ: “Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả rất tự hào 10 năm xây dựng chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới thì những khó khăn, thách thức lớn hiện nay của chương trình này là gì? Bộ có giải pháp nào để tham mưu giúp Chính phủ tháo gỡ vấn đề này? Đặc biệt là những xã vùng sâu, vùng xa, xã đã về đích nông thôn mới để duy trì kết quả đạt được? ”

Ngay sau khi đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có phần giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng khẳng định: Những xã vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, biên giới hải đảo,  khó khăn cho chương trình xây dựng nông thôn mới có rất nhiều cái khó. Nguồn lực đã khó, sự chỉ đạo, phương thức chỉ đạo, tổ chức sản xuất, duy trì văn hoá cũng khó khăn. Do đó, Bộ xác định riêng khu vực này là điểm lõm của cả nước. Ví dụ như Tây Bắc là 28% đến cuối năm nay. Như vậy tỷ lệ còn rất nhiều, thứ hai còn rất khó, thứ ba nguồn lực nhà nước chỉ có hơn 10%, do đó câu chuyện tới đây tính toán là cả do cái mới. Làm sao để dồn vào 50% còn lại là khó. Như vậy là những phần thuận lợi làm được rồi thì những phần khó khăn phải chỉ đạo dồn phương thức. Ở đây cũng không có phương thức nào khác là xác định rõ vai trò chủ thể, người dân phải được khuyến khích, phải được nâng vai trò lên. Người dân tự vươn lên thì đó mới là sức mạnh. Sức dân rất lớn, làm thế nào khơi dậy được nội lực của dân. Cùng với đó là chính sách của nhà nước, cùng với đó là sự chỉ đạo của cả hệ thống chính trị của chúng ta đồng lòng thì tin tưởng sẽ thực hiện được. Như vậy, bằng chùm giải pháp tổng thể, kể cả về sự chỉ đạo, Bộ tin tưởng trong thời gian tới sẽ khắc phục được những khó khăn này.

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Bộ trưởng cho biết: Kết quả chung đã hoàn thành số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có nhược điểm là tỷ lệ chung nhưng vùng miền khác nhau, đang có khoảng giãn nếu không có biện pháp chỉ đạo thì khoảng giãn càng nhiều. Cùng với đó là thiết chế hạ tầng kém hơn. Đây là nội dung trong chủ trương, biện pháp chỉ đạo. Cách mạng 4.0 mở ra cơ hội nhưng cũng là thách thức làm sao để tận dụng tốt nhất cơ hội, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền và đất nước.

Qua phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có thể nhìn nhận Chính phủ và Quốc hội đã có những nỗ lực để thực hiện mục tiêu nông thôn mới bền vững. Chính phủ, Bộ đã nhìn nhận được vấn đề và có những giải trình cụ thể liên quan tới giải pháp giảm sự chênh lệch giữa các vùng miền, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trong xây dựng nông thôn mới, thông qua giải pháp dồn phương thức, xác định vai trò chủ thể của người dân, khơi dậy nội lực trong dân. Cùng với chính sách của nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân để khắc phục những khó khăn, đảm bảo mục tiêu của chương trình quốc gia.

Vậy giải pháp cụ thể, sự vào cuộc của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chính phủ, Quốc hội sẽ được thực hiện như thế nào? Đại biểu kỳ vọng gì vào những giải pháp thực tế của ngành nông nghiệp đưa ra trong thời gian tới? Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng về vấn đề này.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, Đại biểu đã có ý kiến chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đại biểu có thể cho biết cụ thể nội dung chất vấn?

Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: Liên quan tới việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân được xác định là một trong những mục tiêu cốt lõi trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhìn nhận những cơ hội và thách thức cho giai đoạn 2021-2030, giai đoạn với nhiều biến đổi của cuộc cách mạng 4.0, tôi kiến nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quan tâm kịp thời và có giải pháp căn cơ để thực hiện mục tiêu, vì còn rất nhiều vấn đề đặt ra cho chương trình xây dựng nông thôn mới từ nay tới năm 2020. Điển hình như: Bộ tiêu chí phải đánh giá lại, nhất là những tiêu chí mang tính chất bản chất là sự phát triển nông nghiệp, đề cao kinh tế nông thôn; tiêu chí môi trường; duy trì bản sắc dân tộc trong hội nhập, công nghiệp hóa; tiêu chí nông thôn mới tại địa bàn khó khăn hay vai trò, vị thế của người nông dân trong công cuộc này cũng là những vấn đề mới, đòi hỏi xem xét nghiêm túc và có hướng triển khai hiệu quả. Cụ thể tôi hỏi Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những khó khăn, thách thức lớn nhất trong chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Nhất là những xã vùng sâu, vùng xa, miền núi khó khăn, đặc biệt là việc duy trì kết quả của những xã nông thôn mới đã về đích.

Phóng viên: Từ thực tế như thế nào, Đại biểu có nội dung chất vấn như vậy đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn?

Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: Đối với nội dung liên quan tới chương trình xây dựng nông thôn mới, có thể thấy sau 10 năm triển khai chương trình, chương trình cũng đạt được rất nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó thì có thể nhìn nhận một thực tế là việc xây dựng chương trình nông thôn mới đối với xã vùng sâu, vùng xa, miền núi có rất nhiều khó khăn và thách thức. Kể cả về mặt tiếp cận, về điều kiện sản xuất và đặc biệt là vấn đề liên quan tới nguồn lực đầu tư cho khu vực này. Một thách thức thứ hai nữa là rất nhiều xã về đích. Làm thế nào để duy trì được kết quả đó vì cái ban đầu chỉ là đầu tư ban đầu. Nhưng để duy trì được không chỉ là đầu tư kết cấu hạ tầng mà đầu tư cho sản xuất, thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi nhận thức của người dân trong nếp sống đến công tác chăm lo cho đời sống văn hoá, nâng cao thu nhập của người dân và tập trung cho những vấn đề mà hiện nay đang rất thách thức, đó là vấn đề môi trường.

Phóng viên: Ngay sau khi chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trả lời trực tiếp tại Nghị trường đối với Đại biểu. Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: Về mặt tổng thể, tôi đánh giá Bộ trưởng đã nhìn rất rõ những vấn đề, những khúc mắc, khó khăn trong việc xây dựng nông thôn mới, nhấn mạnh rõ những yếu tố cốt lõi, vấn đề mà hiện nay chúng ta đang cần phải quan tâm. Bộ trưởng chỉ rõ có 3 khó khăn lớn nhất, một là vấn đề nguồn lực. Hiện nay, chúng ta có phương thức chỉ đạo từ Trung ương xuống địa phương nhưng không phải chỗ nào phương thức chỉ đạo cũng đồng bộ và không phải chỗ nào cấp uỷ chính quyền địa phương cũng nhận thức rõ vai trò của xây dựng nông thôn mới, tổ chức sản xuất và duy trì văn hoá vùng miền. Đặc biệt là đối với vùng dân tộc thiểu số, đồng bào miền núi thì yếu tố vùng miền là rất quan trọng. Ở vùng đồng bằng và các khu vực ven biển thì khác rất nhiều so với khu vực miền núi là nơi chia cắt, địa hình phức tạp. Tiếp cận về giao thông rất khó khăn, sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Tổ chức lại sản xuất như thế nào ở khu vực này là cả một vấn đề lớn cần có sự quan tâm.

Phóng viên: Trong nội dung trả lời chất vấn, Đại biểu có suy nghĩ gì về các giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang triển khai để góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới?

Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: Tôi có thể tóm tắt ở 3 thành tựu quan trọng, thành tựu thứ nhất đó là kết cấu hạ tầng về kinh tế - xã hội ở nông thôn. Đã có một sự đổi thay vượt bậc, hơn 26 nghìn km2 đường giao thông ở nông thôn đã được xây dựng trong thời gian qua, chiếm tỷ lệ 68,7%, đường giao thông ở khu vực nông thôn đã được nâng cấp. Khoảng 80% cấp xã có đường giao thông được giải thảm, hoặc được kiên cố hoá từ trụ sở uỷ ban nhân dân xuống thôn xóm. Kinh tế nông thôn cũng đã tăng trưởng ở mức khá và phát triển mạnh theo hướng nông nghiệp, dịch vụ, hướng nông nghiệp theo hướng tăng cường giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp. Có thể nói rằng khoảng cách giữa vùng nông thôn và vùng đô thị đã được thu hẹp lớn.

Phóng viên: Đánh giá của đại biểu về hiệu quả thực tế sau thời gian thực hiện triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là taị các vùng miền núi, hải đảo, vùng biên giới là những vùng nút thắt khó khăn trong vấn đề xây dựng nông thôn mới?

Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: Qua đánh giá lại 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, với những kết quả có thể nói là rất phấn khởi. Theo đánh giá chung các chỉ tiêu của chúng ta đạt được đã vượt quá chỉ tiêu 10 năm và trong kế hoạch ban đầu đặt ra. Và ở đây, tôi cho rằng, cách chúng ta triển khai xây dựng nông thôn mới được lồng ghép với phát triển tổng thể nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Trong đó có mấy nội dung tôi muốn chia sẻ thêm: Bộ cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế chính sách một cách đồng bộ liên quan tới xây dựng nông thôn mới, trong đó có cả nội dung gắn giữa chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Nếu chúng ta không cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp thì rõ ràng là kết quả xây dựng nông thôn mới sẽ có những hạn chế.

Phóng viên: Đối với giải pháp như Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh là cần chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng các địa bàn khó khăn tham gia xây dựng nông thôn mới, đại biểu có đồng tình với luận điểm này không? Đại biểu có ý kiến như thế nào?

Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: Tôi hoàn toàn đồng tình với trao đổi của Bộ trưởng liên quan tới vai trò chủ thể của người nông dân ở các cái địa bàn xây dựng nông thôn mới. Chúng ta cũng biết rằng, nhà nước có hỗ trợ đến đâu, hệ thống chính trị có tập trung đến đâu nhưng người nông dân chưa thấy được đó là nhu cầu tự thân của mình thì chương trình sẽ không thành công. Nhất là chúng ta cũng biết rằng ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi đặc biệt khó khăn thì hiện nay một phần của người dân cũng vẫn có tư tưởng chờ sự bao cấp của nhà nước. Không có ý thức tự mình vươn lên, tự mình thoát nghèo, tự mình phải tìm ra được một giải pháp mới để nâng cao đời sống cũng như tạo được mô hình sản xuất, đem lại thu nhập cao. Việc phát huy vai trò chủ thể của người nông dân là nội lực quan trọng, cần được đặt lên ở vị trí đầu tiên.

Phóng viên: Theo đại biểu, để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì có cần thiết phải thay đổi các tiêu chí đối với khu vực trên cho phù hợp thực tế hay không?

Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: Quan trọng đó là hoàn thiện những khuôn khổ pháp lý cũng như các chính sách hỗ trợ, vừa phải đồng bộ, vừa phải linh hoạt. Linh hoạt với các cấp khác nhau, từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, tới cấp thôn bản. Và thứ hai là phù hợp với từng địa phương, từng nhóm địa phương khác nhau. Vì không thể có một chính sách chung mà áp dụng cả mọi miền, mọi vùng. Mà phải được phân cấp theo từng cấp độ và ở đây có một vấn đề nữa là cần phải quan tâm, rà soát, xem xét lại bộ tiêu chí nông thôn mới có phải áp dụng cho tất cả mọi vùng, mọi miền, mọi địa phương, địa bàn như nhau hay không? Phải làm sao phù hợp với tính đặc thù cho từng địa bàn. Nếu chúng ta vẫn áp dụng những tiêu chí như tiêu chí hiện nay chung cho xây dựng nông thôn mới thì sẽ khó khăn, cần phải có điều chỉnh cho phù hợp.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình toàn diện và bền vững trên các mặt phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống cho người nông dân. Đó là một cuộc vận động lớn, một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước và đạt được nhiều kết quả đáng kể tạo nên bước ngoặt lớn trong phát triển nông thôn nước ta. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao ngành nông nghiệp cùng một số ngành liên quan tham mưu để giai đoạn 2021-2025 sẽ định dạng rõ ràng các mục tiêu lớn, tập trung nguồn lực, sự chỉ đạo và các nhóm giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm những nút thắt tại các vùng khó khăn, bài toán giữ vững kết quả nông thôn mới và vấn đề còn tồn tại trong thúc đẩy sản xuất, đảm bảo môi trường, tổ chức sản xuất lớn trong xây dựng nông thôn mới./.

Kim Yến