ĐBQH ĐỖ THỊ LAN GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI)

03/07/2020

Góp ý vào dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị cần làm rõ sự cần thiết bổ sung đơn vị sự nghiệp làm nhiệm vụ đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài.

Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh 

Theo đại biểu Đỗ Thị Lan, việc bổ sung thêm đơn vị sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chưa được cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động và giải trình một cách cụ thể. Đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn sự cần thiết phải bổ sung đơn vị sự nghiệp làm nhiệm vụ đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần đánh giá tính hợp pháp, hiệu quả mang lại của đơn vị sự nghiệp làm nhiệm vụ này.

Đại biểu cho rằng, đối với các đơn vị sự nghiệp hiện nay đã thành lập đều thành lập theo các căn cứ pháp luật, đã được quy định tại các luật cụ thể, căn cứ quy định cả chức năng, nhiệm vụ cũng như việc tổ chức thành lập. Ví dụ như Trung tâm dịch vụ việc làm được thành lập và thực hiện các nhiệm vụ theo Luật Việc làm, đơn vị sự nghiệp sẽ sử dụng kinh phí để thực hiện đưa người lao động đi lao động ở nước ngoài như thế nào, vì đây được xác định là hoạt động phi lợi nhuận.

Hiện nay có khoảng gần 600.000 người lao động đang làm việc ở nước ngoài, tại khoảng 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, với khoảng 30 ngành nghề khác nhau, từ lao động giản đơn đến lao động kỹ thuật và chuyên môn cao, thông qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Số người lao động đi làm việc hợp pháp theo các hình thức khác thì không nhiều. Do vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc có nhất thiết phải bổ sung thêm đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không, trong khi doanh nghiệp có thể làm được để phù hợp với chủ trương của Trung ương và các quy định pháp luật về việc đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, nhất là các lĩnh vực khu vực ngoài công lập làm được.

Về các thủ tục hành chính, dự thảo luật quy định có 10 thủ tục hành chính, giữ nguyên 4 thủ tục hành chính của luật hiện hành, sửa đổi, bổ sung thêm 3 thủ tục hành chính và bổ sung mới 3 thủ tục hành chính, gồm: thủ tục gia hạn giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài; thủ tục thông báo doanh nghiệp về chuẩn bị nguồn lao động và thủ tục thông tin về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài sau xuất cảnh.

Đại biểu cho rằng, dự thảo luật đang quy định thêm các thủ tục hành chính nặng nề về quản lý, chưa thực sự cải cách thủ tục hành chính, tăng thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các thủ tục hành chính được quy định trong dự thảo luật, đánh giá tác động của từng thủ tục hành chính, sự cần thiết và tính hiệu quả để quy định cho phù hợp, theo hướng giảm các thủ tục hành chính không thực sự cần thiết.

Đại biểu dẫn chứng, ví dụ thủ tục hành chính gia hạn cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Tại Điều 13 của dự thảo luật đã quy định thời hạn của giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 5 năm, thay vì không có thời hạn như hiện nay. Như vậy, cứ 5 năm thì doanh nghiệp phải làm thủ tục gia hạn cấp giấy phép.

Theo đại biểu, không nên quy định thủ tục này, vừa phát sinh thủ tục hành chính không thực sự cần thiết, vừa không phù hợp. Vì doanh nghiệp đang hoạt động tốt, đủ điều kiện thì 5 năm hay 10 năm vẫn không cần phải làm thủ tục cấp lại giấy phép. Nhưng đối với doanh nghiệp không chấp hành đúng quy định pháp luật, vi phạm pháp luật, không đủ điều kiện thì dù chưa đủ 1 năm cũng nên quy định rút giấy phép.

Về một số quy định khác, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định khắc phục những bất cập về cơ sở pháp lý đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài có chung đường biên giới với Việt Nam. Đồng thời, quy định minh bạch, công khai thông tin về chỉ tiêu, về chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, giúp cho người lao động tiếp cận được với chính sách, khắc phục được tình trạng người lao động có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài phải qua môi giới, tăng chi phí không chính thức cho người lao động.

Ngoài ra, về quản lý nhà nước đối với việc đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, đại biểu đề nghị quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác