ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

09/07/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đã đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu

Đại biểu chỉ rõ, qua đại dịch COVID-19 vừa qua cho chúng ta nhận ra rằng sự an toàn về sinh mạng của con người là quá mong manh và sẽ có những vụ đại dịch xảy ra nếu chúng ta không tôn trọng tự nhiên, nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường, không chủ động làm sạch môi trường. Vậy, việc sửa đổi Luật lần này Quốc hội góp ý thật sâu sắc để chúng ta ngăn chặn được các đại dịch nguy hiểm sẽ xảy ra và nếu có xảy ra thì chúng ta có cơ sở pháp lý để giải quyết, để xử lý và để ứng phó với các đại dịch đó.

Đại biểu cho rằng, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ chung của mỗi cá nhân, mỗi tập thể, mỗi làng xã và của toàn xã hội. Luật sửa đổi lần này để động viên, để khuyến khích, để tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người chung tay bảo vệ môi trường. Cần đẩy mạnh hơn nữa việc xã hội hóa bảo vệ môi trường, phải kêu gọi được đầu tư theo phương thức PPP tham gia vào hoạt động này.

Đại biểu cũng quan tâm cho ý kiến về vấn đề mai táng người đã khuất với công cuộc bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 75 trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng điều luật còn thiết kế khá đơn giản.  

Đại biểu phân tích, trên thực tế, vấn đề mai táng người đã khuất ở Việt Nam rất đáng báo động. Cụ thể, việc sử dụng cách địa táng là phổ biến, dẫn đến gây ô nhiễm môi trường rất nặng nề, ô nhiễm ngay sau khi vừa chôn cất tử thi, ô nhiễm trong suốt quá trình tồn tại của mồ mả, ô nhiễm trong một lần cất bốc mồ mả. Bởi vậy đã có những vùng dân cư đông đúc bị nhiễm virus viêm gan, vì do còn tục địa táng trên vùng rừng núi cao mà sống ở vùng đồng bằng thấp và uống nước sông. Đại dịch COVID-19 là một chủng mới của virus Corona, loại virus đã tồn tại hàng 100 năm trên trái đất. Không ai có thể nói được loại virus này sẽ còn ấp ủ, lây lan trong đất, trong nước sau bao nhiêu năm nữa. Những trận dịch khác trong tương lai với những chủng virus khác nữa chắc chắn sẽ có, sẽ còn. Tất cả những câu hỏi lớn đó chưa có lời đáp và không bao giờ trả lời hết được, thế mà chúng ta vẫn để cho hình thức địa táng như một cách mai táng chính thức của Việt Nam.

Đại biểu chỉ rõ, theo thống kê hàng năm, ở nước ta phải dùng đến vài chục nghìn hecta đất để làm mồ mả cho người đã khuất. Ở mỗi miền quê, mỗi khu phố sẽ ra sao nếu cứ thấy san sát những thành phố ma với những bia mộ, những lăng tẩm chất ngất, ngổn ngang, không thẳng lối. Chúng ta sẽ suy nghĩ sao nếu sau khi hỏa táng người ta vẫn tiếp tục xây dựng lăng mộ khổng lồ để lưu trữ tro cốt, lý do vì họ có nhiều tiền, lý do họ là người quan trọng.

Trên thế giới đã có rất nhiều cách mai táng như địa táng, thiên táng, hỏa táng hay thủy táng. Hiện nay ở Mỹ và Canada, người ta đang áp dụng kỹ thuật mới gọi là mai táng xanh, đó là công nghệ thủy phân xác chết, tức là thủy phân bằng kiềm. Đại biểu đã quan sát vấn đề này khi đến Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hawaii, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Argentina, Úc, Anh, Áo, Pháp, Ai Cập, Hy Lạp, v.v.. Cụ thể sau khi hỏa táng, người ta có rất nhiều cách để xử lý tro cốt, như để vào trong những hộp nhỏ cất vào nơi trang trọng, đặt lên bàn thờ, cất vào những khu mộ của cả dòng họ, chôn xuống một khu đất nhỏ xinh hoặc rải xuống biển, rải xuống sông, hồ, xuống những luống cày, xuống gốc cây trong những khu rừng. Quan trọng là tất cả đều phải đảm bảo trang trọng, thành kính, bảo đảm vệ sinh, vĩnh viễn không làm ô nhiễm môi trường, không lấy nhiều đất đai của xã hội. Tại sao chúng ta không tham khảo cách làm của họ. Đại biểu hi vọng Luật lần này quyết tâm tạo cho được sửa đổi mới trong vấn đề này.

Đi vào cụ thể, đại biểu đề nghị:

Một là, chúng ta cần sửa Luật lần này để hạn chế đến mức thấp nhất hình thức địa táng và khuyến khích hình thức hỏa táng để nhanh chóng trở thành hình thức mai táng chính, chủ đạo trong cả nước. Ở Việt Nam hiện nay nhiều nơi đã tổ chức được hỏa táng và đã có địa phương làm rất tốt như huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội hỏa táng đạt trên 90%.

Hai là, Luật cần quy định để tạo được những cách xử lý tro cốt sau khi hỏa táng một cách trang trọng, hợp với đạo lý, đảm bảo vệ sinh và văn minh.

Ba là, cần sửa lại Điều 75 như sau: ở mục 4 viết lại quy định “Nhà nước khuyến khích việc hỏa táng và các hình thức xử lý tro cốt sau hỏa táng phù hợp với đạo lý, đảm bảo vệ sinh, văn minh và không tốn phí nhiều đất, hạn chế đến mức thấp nhất hình thức địa táng”. Cần đưa mệnh đề “xóa bỏ hủ tục gây ô nhiễm môi trường” thành một mục riêng để đầu tiên thành mục 1 và viết lại như sau: “Kiên quyết xóa bỏ mọi hủ tục trong việc xử lý thi thể, mai táng, cất bốc mồ mả gây ô nhiễm môi trường”./.

Hồ Hương