ĐBQH Phan Ngọc Thọ - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế.
ĐBQH Phan Ngọc Thọ thống nhất nhận định về đánh giá tình hình triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020 của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Quốc hội. Theo đại biểu, để đạt được mục tiêu đề ra, ngoại trừ yếu tố kiểm soát tốt dịch bệnh Chính phủ cũng đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, kinh doanh.
Những kết quả đạt được trong kiểm soát dịch bệnh được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao với thông điệp y tế cộng đồng rõ ràng, hành động nhanh, truy vết tích cực, Việt Nam đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo nên nền tảng quan trọng trong kiểm soát và giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây nên.
Thời điểm hiện nay phục hồi, đón đầu cơ hội nền kinh tế là nhiệm vụ cấp bách của đất nước. Đây là cơ hội để chúng ta đánh giá sự thích nghi, chủ động của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh có thể xuất hiện mọi lúc, mọi nơi và quy mô toàn cầu. Đặc biệt, tác động đến chuỗi sản xuất trong bối cảnh hòa nhập ngày càng sâu rộng.
Do đó, ĐBQH Phan Ngọc Thọ đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ để có lộ trình chuyển đổi, hình thành chuỗi sản xuất tin cậy, đa dạng, chủ động, tạo nền tảng cho phát triển nền kinh tế, có năng lực phản ứng nhanh, linh hoạt, thích ứng với biến động của nền kinh tế. Đây là thời điểm cho Việt Nam tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cuộc chiến kinh tế thương mại toàn cầu do dịch bệnh gây nên, xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất nhằm tận dụng cơ hội, hạn chế rủi ro. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương đánh giá chính sách thu hút đầu tư, hình thành chuỗi giá trị trong mối quan hệ kinh tế quốc phòng, kinh tế môi trường.
Bên cạnh đó, theo ĐBQH Phan Ngọc Thọ, thời gian qua, hệ thống pháp luật của Việt Nam từng bước cải thiện, môi trường đầu tư nâng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để đón đầu và đón được những nhà đầu tư có thương hiệu, năng lực tài chính, cam kết đầu tư lâu dài thì Chính phủ cần có những quyết sách và cơ chế đặc thù cho thu hút đầu tư vượt trội so với các nước trong khu vực, trong một số địa bàn trọng điểm trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Cử tri cả nước mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, kịp thời giải quyết, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ cần sớm kịp thời rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục sự chồng chéo, bỏ sót, chưa rõ ràng, thậm chí không phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật cao hơn nhằm tránh cho các cấp chính quyền cũng như nhà đầu tư gặp nhiều rủi ro về pháp lý do thiếu sự đồng bộ của hệ thống văn bản. Tạo lòng tin cho các doanh nghiệp cũng như sự tự tin của cơ quan chính quyền trong quá trình cấp phép đầu tư và tiếp cận đất đai.
ĐBQH Phan Ngọc Thọ đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế tập, trung chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước nhằm phát huy hiệu quả vận hành Chính phủ điện tử, góp phần quan trọng trong thực hiện cải cách hành chính, hiện thực hóa lộ trình giảm giấy tờ, giảm thời gian, giảm chi phí trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan nhà nước hành chính cần phải đi đầu, là điều kiện quan trọng thúc đẩy và phát huy hiệu quả sự đồng bộ chuyển đổi số các lĩnh vực kinh tế. Phát huy hiệu quả các giải pháp công nghệ thông tin được áp dụng trong phục vụ công tác điều hành, giám sát dịch bệnh trong thời gian qua để hoàn thiện về mặt giải pháp và cơ sở pháp lý nhằm duy trì, nhân rộng, phục vụ tiến trình làm việc không giấy tờ, họp không tập trung, giải quyết thủ tục không gặp, thanh toán không dùng tiền mặt và quan trọng tạo lập cơ sở dữ liệu quốc gia về sức khỏe toàn dân gắn với hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Liên quan đến triển khai dự án di dời dân cư khu vực Kinh thành Huế, ĐBQH Phan Ngọc Thọ cho biết, cử tri Thừa Thiên Huế chân thành cảm ơn Chính phủ, Quốc hội đã quan tâm, chỉ đạo, theo dõi, động viên, hỗ trợ kịp thời cho nhân dân tỉnh nhà trong suốt quá trình thực hiện cuộc di dân lịch sử kinh thành Huế. Đến nay đã cơ bản hoàn thành đợt 1 với dân cư khu vực kinh thành với quy mô 576 hộ, từ nay đến cuối năm tập trung dân cho khoảng 2.362 hộ của giai đoạn 1 còn lại.
Một động lực mới cho Thừa Thiên Huế phát triển trong giai đoạn mới khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54 về định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương, nên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế. Thừa Thiên Huế đã tập trung mọi nỗ lực phù hợp với các bộ, ngành triển khai các nội dung nghị quyết để báo cáo Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Với mô hình và tiêu chí đặc thù cho đô thị di sản chưa có tiền lệ, Thừa Thiên Huế rất mong được sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của bộ, ngành, các Ủy ban của Quốc hội để hoàn thành việc mở rộng địa giới thành phố Huế cũng như các cơ sở pháp lý về tiêu chí phân loại đô thị, tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính đối với mô hình đô thị di sản trong năm 2020 để Thừa Thiên Huế vươn lên xứng tầm cố đô, phát triển nhanh trên nền tảng trí thức, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa, đảm bảo hài hòa trong bảo tồn và phát triển, tạo cơ hội để người dân có điều kiện sống và làm việc tốt nhất và quan trọng là thúc đẩy công cuộc giữ gìn, phục hồi, phát huy giá trị di sản cố đô, giá trị nhân văn bản sắc Huế nói riêng và văn hóa đậm đà bản sắc của Việt Nam nói chung./.