ĐBQH NGUYỄN THANH XUÂN: CẦN LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM TRONG XUẤT ĐIỀU HÀNH XUẤT KHẨU GẠO

17/07/2020

Phát biểu góp ý tại phiên thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 9, ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân (Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ) đề nghị Chính phủ cần thẳng thắn đánh giá, trách nhiệm của cơ quan tham mưu, phương pháp điều hành trong việc dừng và mở lại xuất khẩu gạo để không lặp lại trong thời gian tới.

 

ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân - Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ.

Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân tại Kỳ họp cuối năm 2019, Quốc hội đã kỳ vọng một sự phát triển tích cực hơn trong năm 2020 và các năm tiếp theo, tuy nhiên dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi sự phát triển nền kinh tế và thời điểm hiện nay phát triển kinh tế không được đặt trọng tâm mà vấn đề ứng phó với dịch bệnh và sức khỏe cộng đồng đã trở nên trọng tâm hơn. ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao về quản lý, điều hành của Chính phủ, lòng tin của nhân dân đối với Chính phủ hành động và kiến tạo ngày càng thể hiện rõ nét trong công tác phòng chống dịch bệnh thời gian qua.

Trên cơ sở đó, ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân đề xuất một số kiến nghị cho nhiệm vụ sắp tới:

Thứ nhất, trong bối cảnh hiện nay đang xuất hiện làn sóng dịch chuyển của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư lớn để tìm đến nơi phù hợp hơn, ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân kiến nghị Chính phủ cần có chiến lược với tầm nhìn xa, hành động kịp thời cùng với chính sách thu hút hấp dẫn đặc thù hơn những đặc thù đã từng có, đủ sức cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực, nhất là phải điều hành, quản lý ở tầm quốc gia, tạo nên nền tảng cho các địa phương có cơ chế thu hút hiệu quả nhất các nhà đầu tư vào Việt Nam, khai thác được cơ hội cho đất nước phát triển.

Thứ hai, dự án luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu hay còn gọi là dự án kênh Quan Chánh Bố là dự án trọng điểm quốc gia với mục tiêu thu hút, nâng cao năng lực thông quan hàng hóa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ở cả nước. Dự án được Chính phủ đồng ý, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt năm 2007 và đã thông luồng kỹ thuật từ giữa năm 2016, là dự án được kỳ vọng với góp phần quan trọng cho lưu thông hàng hóa, giảm chi phí vận chuyển, góp phần quan trọng vào phát triển vùng. Nhưng đến nay đã 13 năm và vẫn chưa hoàn chỉnh tất cả các hạng mục để khai thác hiệu quả nên nhiều lần tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đề xuất Chính phủ cho tiếp tục đầu tư để hoàn thiện dự án. Theo Tờ trình số 50 ngày 18/2/2020 của Chính phủ gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án được bố trí là 7.029 tỷ đồng. Hiện vốn dư kế hoạch đã được bố trí cho dự án là 1.515 tỷ đồng. Chính phủ xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho sử dụng số vốn còn lại. Vì vậy, ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sử dụng nguồn vốn 1.515 tỷ đồng này bố trí cho kế hoạch để tiếp tục các phần còn lại của dự án và cho các dự án kết nối đã sẵn sàng như cảng Cái Cui - Tân Cảng, kể cả các dự án sẽ tiếp tục hoàn thành trong thời gian tới như đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Thứ ba, về vấn đề tạm dừng và khôi phục xuất khẩu gạo. Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân, việc tạm dừng xuất khẩu gạo vào tháng 3 được quyết định quá nhanh và khi cho xuất khẩu lại càng nhanh hơn, khi phải bắt đầu từ lúc giờ mà không phải từ giờ hành chính. ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân cho rằng sự việc này đã thể hiện sự nóng vội, vai trò tham mưu của bộ, ngành, của Chính phủ có nhiều bất cập, thậm chí cho thấy không nắm bắt đầy đủ thông tin về thực trạng tình hình xuất khẩu gạo cả nước, nhất là ở vựa lúa lớn nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Quyết định này đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với các đối tác, do không xuất hàng đi được và phải tốn thêm chi phí. Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng nhất định đến cơ hội xuất khẩu giá cao, có lợi cho người sản xuất. Do đó, ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân đề nghị Chính phủ cần thẳng thắn đánh giá, trách nhiệm và cơ quan tham mưu, phương pháp điều hành, về việc dừng và mở lại xuất khẩu gạo để không lặp lại trong thời gian tới. Mỗi quyết định của Chính phủ khi tổ chức thực hiện phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và đừng để sự nóng vội và thiếu tính toán mà gây thiệt hại không đáng có./.

Trọng Quỳnh