ĐBQH NGUYỄN TẠO CHẤT VẤN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN CHO VAY ONLINE BIẾN TƯỚNG TÍN DỤNG ĐEN

20/07/2020

Thời gian qua “tín dụng đen” online hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau, gây bức xúc trong nhân dân và gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Trước thực trạng này, Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho biết giải pháp ngăn chặn vấn nạn này.

Nở rộ hoạt động “tín dụng đen” online.

Chỉ cần vào trang tìm kiếm Google gõ từ khóa “cho vay nóng, lãi suất thấp”; “cho vay tiền online” hoặc “cho vay không cần thế chấp”, trong vài giây sẽ tìm thấy hàng triệu kết quả, nổi bật với những lời mời chào hỗ trợ tín dụng hấp dẫn.

Hay khi gõ từ khóa vay tiền trên CH Play hoặc qua App Store trên điện thoại, cũng thấy xuất hiện rất nhiều ứng dụng vay tiền với các cam kết hấp dẫn như: vay nhanh, vay nhiều, lãi suất thấp, chỉ cần xác minh thông tin online…

Những lời mời chào hấp dẫn, thời gian xét duyệt hồ sơ nhanh, nhưng thực tế đây chỉ là chiêu trò bẫy người vay tiền và lách luật của những kẻ kinh doanh cho vay nặng lãi. Theo quy định, lãi suất cho vay tối đa không vượt quá 20%/năm, vì vậy các đối tượng này thường thông báo mức thấp hơn. Tuy nhiên, đến khi duyệt xong, lãi suất sẽ được tính theo một cách khác, số tiền thực nhận cũng thấp hơn so với khoản vay ban đầu với đủ lý do như: phí bổ sung hồ sơ, phí bảo hiểm, phí quản lý…, tổng cộng lãi suất vì thế có thể lên tới trên 1.000%/năm.

Các quảng cáo về dịch vụ vay tiền nhanh qua app đều nhấn mạnh rằng đây là dịch vụ cho vay mở. Bất cứ ai có điện thoại cũng có thể tự vay và không cần bất cứ tài sản thế chấp nào.

Trong khi các hoạt động cho vay online đang nở rộ, thì hiện vẫn chưa có hành lang pháp lý cho hình thức vay tiền qua các ứng dụng di động. Do đó, về cơ bản người đi vay tiền thông qua app chính là tham gia tín dụng đen.

Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Việc cho vay tiền thông qua các ứng dụng online chỉ là phương tiện để thực hiện các giao dịch. Hiện hoạt động vay và cho vay phải được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng. Ngoài ra, hoạt động cho vay này cũng cần xem xét có phải là hoạt động cho vay dân sự hay không, tức là không chịu sự điều chỉnh của Luật Tổ chức tín dụng. Vấn đề là có biến tướng tín dụng đen thông qua các ứng dụng cho vay tiền, và khi quản lý các hoạt động cho vay thông qua các ứng dụng này rất khó khăn vì khó quản lý chủ thể cho vay, người vay, hồ sơ quản lý. Các văn bản hiện tại chưa nhiều, chưa cụ thể để xử lý, kiểm soát hoạt động cho vay nặng lãi thông qua các ứng dụng điện tử thông minh.

Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Mới đây, Bộ Công an đã cảnh báo đến người dân về thủ đoạn cho vay lãi nặng mới xuất hiện trên các ứng dụng điện thoại. Đồng thời, khuyến cáo người dân cảnh giác với hình thức vay tiền qua các ứng dụng (app, web) trên mạng Internet. Bởi thực chất đây là hoạt động "tín dụng đen" sử dụng công nghệ cao, ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến, với lãi suất rất cao.

Trước đó, cơ quan công an đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý khoảng 60.000 giao dịch "tín dụng đen" qua 3 ứng dụng "Vaytocdo", "Moreloan", "VD online" với tổng số tiền các đối tượng cho vay khoảng 100 tỉ đồng. Đáng chú ý trong vụ án này là các đối tượng đã cho người dân vay với lãi suất 4,4 %/ngày, tương đương 1.600%/năm. Nếu người vay không trả nợ đúng hạn, các nhân viên thu hồi nợ sẽ điện thoại "khủng bố" tất cả những người trong danh bạ điện thoại của người vay (gồm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp...) nhằm đe dọa, chửi bới và yêu cầu trả nợ cho chúng.

Câu chuyện một người phụ nữ trẻ ở Tiền Giang đã phải nhập viện vì tự tử bất thành, mà nguyên nhân chỉ là do vay khoản vay tiền online khiến dư luận “choáng váng” về hậu quả của cái được gọi là “tín dụng đen” thời công nghệ hiện nay.

Theo Luật sư Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, các tranh chấp trong quá trình cho vay qua ứng dụng điện tử thông minh diễn ra khá phổ biến. Khi bị mắc bẫy tín dụng đen, người dân cần giữ lại các chứng cứ cần thiết làm căn cứ khởi kiện như hồ sơ vay, chứng từ chuyển tiền… Từ đó giúp cơ quan chức năng đối chiếu với lãi suất của Ngân hàng nhà nước, xem lãi vay có vượt quá mức quy định hay không để ra quyết định xử phạt.

Giải pháp nào ngăn chặn hiệu quả “tín dụng đen” online?

Như thường lệ, tháng nào những chiếc xe giao dịch lưu động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cũng lăn bánh đến 6 cụm điểm giao dịch tại các xã vùng sâu vùng xa để giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, tránh tình trạng vay ngoài, với lãi suất cao. Chị Lò Thị Tuân, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: “Tôi vay tiền 100 triệu của ngân hàng để mua trâu bò và mua thêm phân giống để bón cho cây cà phê. Hiện bò đã đẻ nhiều con và cà phê cho nhiều trái”.

Nà Ớt là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao trong khi giao thông đi lại thường bị chia cắt trong mùa bão lũ. Quãng đường di chuyển từ thôn bản lên trung tâm huyện lên tới hàng trăm kilomet. Trước khi bà con nhân dân rất khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng nên thường phát sinh vấn đề vay nóng với lãi suất cao, thậm chí các hoat động tín dụng đen online cũng bắt đầu len lỏi xâm nhập vào nơi đây. Việc tổ chức những buổi giao dịch lưu động như thế này đã giúp người dân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng và đặc biệt là tránh xa những hệ lụy của “tín dụng đen”.

Điểm giao dịch lưu động của Ngân hàng Agribank, Chi nhánh Mai Sơn, Sơn La giúp người dân dễ dàng tiếp cận với vốn vay.

Tổ chức các buổi giao dịch lưu động chỉ là một trong nhiều giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai nhằm ngăn chặn các hệ lụy từ hoạt động “tín dụng đen”.

Tuy nhiên, phần lớn các mô hình cho vay qua App đang bùng nổ hiện nay không hề được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mà chủ yếu đăng ký là công tư vấn đầu tư, môi giới cho vay tiền. Chính điều này dẫn đến hiện tượng biến tướng cho vay nặng lãi, do không chịu quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi các ứng dụng cho vay chính thống sẽ cần phải có những thủ tục chặt chẽ hơn để giảm thiểu rủi ro cho cả người vay lẫn người cho vay và mạng lưới của các tổ chức tín dụng đã được phủ rộng khắp, thủ tục cho vay cũng được đơn giản hóa, nhưng tín dụng đen vẫn “sống như cỏ dại”.

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho rằng, ai cũng biết những hậu quả nếu vay tín dụng đen, nhưng do thủ tục vay đơn giản, chỉ cần một cú điện thoại là có tiền, với thủ tục dễ dàng như vậy, trong khi đó không có ngân hàng nào có thể đáp ứng được những yêu cầu này. Vì vậy, người dân là nạn nhân của hoạt động này cần hết sức tỉnh táo, bởi đây là quyền dân sự đi vay và mượn tiền, không lực lượng chức năng nào có thể can thiệp.

Trước thực trạng các hoạt động của công ty cung ứng giải pháp cho vay ngang hàng (P2P lending) ngày càng tăng nhưng vẫn chưa có qui định pháp lý cụ thể để điều chỉnh. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang đề xuất xây dựng Nghị định nhằm kiểm soát hiệu quả hoạt động công nghệ tài chính trong hoạt động ngân hàng.

Tại Hội nghị tổng kết kế hoạch 231 về phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tại thành phố Hà Nội, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an tiếp tục yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tiếp tấn công, trấn áp mạnh tội phạm có tổ chức; các băng nhóm hoạt động tín dụng đen”, các băng nhóm núp bóng doanh nghiệp cho vay nặng lãi với các hình thức trực tiếp hoặc thông qua các ứng dụng điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, muốn dẹp bỏ các app tín dụng đen nói riêng, tình trạng tín dụng đen nói chung, cần phải có sự hợp lực của nhiều bộ, ngành, địa phương, chứ không riêng Ngân hàng Nhà nước cũng như lực lượng công an. Quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền để nâng cao nhận thức và sự cảnh giác của người dân

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang nhấn mạnh: Tín dụng đen là vấn đề nhức nhối trong xã hội, tuy nhiên để xử lý thì phải áp dụng luật. Thời gian qua, lực lượng công an ra quân dẹp bỏ những tờ rơi quảng cáo cho vay tín dụng đen được dán dày đặc trên các tuyến đường. Đây cũng là biện pháp nhưng có biện pháp hiệu quả và đơn giản hơn đó là xem xét lại yếu tố pháp lý, xử lý các số điện thoại đăng tin, rao bán, quảng cáo cho vay lãi suất cao. Tôi nghĩ các cơ quan thông tin truyền thông cần vào cuộc cùng với ngành công an giải quyết vấn đề này.

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Trước thực trạng cho vay tiền online qua các ứng dụng thiết bị thông minh phát triển khó kiểm soát, biến tướng của “tín dụng đen”, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chất vấn Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này như thế nào và biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm trong lĩnh vực này.

Sau khi đại biểu chất vấn, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã có Công văn số 1577 trả lời đại biểu. Nội dung công văn cho biết: Thời gian qua, tình hình tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” diễn ra phức tạp, đặc biệt hoạt động biến tướng của “tín dụng đen” qua mạng internet, các đối tượng triệt để lợi dụng các trang mạng, các ứng dụng điện thoại để nhắn tin quảng cáo tiếp thị với những nội dung thông tin không đầy đủ, che đậy mức lãi xuất và các hình thức đòi nợ, siết nợ của các đối tượng cho vay. Khi quảng cáo, các đối tượng đưa ra thông tin cho vay với lãi suất thấp nhưng thực tế lại thu nhiều tiền phí, lệ phí vô lý khác của người đi vay.

Thông qua nền tảng công nghệ, các đối tượng có thể tiếp cận tới hàng ngàn người sử dụng internet, điện thoại di động để quảng cáo cho vay, thu thập các thông tin cá nhân như tài khoản mạng xã hội, giấy tờ tùy thân, số điện thoại cá nhân của người thân. Thậm chí thâm nhập, sử dụng thông tin cá nhân, bạn bè của người đi vay trên các tài khoản internet, mạng xã hội làm công cụ để khống chế, đe dọa, bêu xấu con nợ nếu như không trả đúng hẹn. Điển hình như hoạt động của các công ty cho vay ngang hàng (P2P Lending) được đánh giá là phát triển rất nhanh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho nền kinh tế, gây thiệt hại cho người dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình

Để xử lý các tổ chức, cá nhân hoạt động biến tướng của “tín dụng đen” qua mạng internet, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

-Triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

-Chỉ đạo các bộ ngành địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cho vay trong các hoạt động dân sự. Tuyên truyền, thông báo những phương thức thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của “tín dụng đen” và các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến vỡ hụi, vỡ phường… để người dân nâng cao ý thức cảnh giác.

-Chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chính sách mở rộng, đa dạng hóa các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; phát triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện.

-Chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc và trên không gian mạng để đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng công nghệ cao.

-Rà soát, nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện quy định của pháp luật, quy định hướng dẫn của bộ, ngành địa phương trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đặc biệt là các quy định có liên quan đến vay tiền, cầm cố tài sản trên không gian mạng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật An ninh mạng, góp phần phòng ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến tín dụng đen online.

Như vậy, trong Công văn trả lời chất vấn đại biểu cũng khẳng định tình hình “tín dụng đen” online hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau, gây bức xúc trong nhân dân và gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Bản chất việc vay tiền qua các ứng dụng trực tuyến là hình thức cho vay tín chấp giữa các cá nhân, không chịu sự điều chỉnh của luật pháp, các tổ chức tín dụng và Bộ luật Dân sự. Chính việc không phải chịu bất cứ sự điều chỉnh nào khiến hình thức cho vay này ngày càng biến tướng, trở thành một dạng của tín dụng đen, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường đối với người vay, thậm chí kinh khủng hơn tín dụng đen… Vậy giải pháp nào để ngăn chặn những hệ lụy và biến tướng từ hoạt động cho vay online? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã phỏng vấn Đại biểu Nguyễn Tạo về vấn đề này:

Phóng viên: Xuất phát từ thực trạng nào đại biểu lại chất vấn Thủ tướng Chính phủ về vấn đề cho vay online trên các thiết bị điện tử thông minh?

Ông Nguyễn Tạo, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, cả hệ thống chính trị bước đầu đấu tranh có hiệu quả với tình trạng vay tín dụng đen ở địa bàn nông thôn, vùng có kinh tế còn khó khăn. Qua các kỳ họp trước, các đại biểu cũng đã chất vấn, kiến nghị các giải pháp để khắc phục tình trạng tín dụng đen. Xuất phát từ tình hình là lực lượng công an đã vào cuộc tích cực hơn, đấu tranh với ổ nhóm mang tính chất địa bàn liên huyện, liên tỉnh cho vay nặng lãi bằng lời mời chào hấp dẫn. Sau đó, các nhóm tổ chức hoạt động này chuyển sang hình thức cho vay mới, thông qua qua mạng internet, thông qua tin nhắn. Trong điều kiện số hóa hiện nay, đặc biệt trong đợt dịch bệnh Covid thì hệ thống số hóa trong mua bán, giao dịch điện tử tăng cao là điều kiện để tín dụng đen có điều kiện hoạt động và đưa ra mức vay hấp dẫn. Các đối tượng này đã lợi dụng lòng ham muốn của một số người có nhu cầu vay vốn, người nhẹ dạ cả tin bằng các chiêu trò như lãi suất hấp dẫn, cho vay dễ dàng qua mạng mà không cần gặp trực tiếp. Từ đó hệ thống vay online được thiết lập ở mức độ tương đối phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan điều tra đấu tranh phòng chống tội phạm qua mạng. Các hoạt động này bắt đầu lan tỏa ra và thu hút các đối tượng như sinh viên, học sinh, công nhân, một số đối tượng hư hỏng… tham gia vay tín dụng online. Bẫy tín dụng online rơi vào rất nhiều gia đình, kể cả ở vùng sâu, vùng xa.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng

Phóng viên: Ngay sau khi nhận được văn bản chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản trả lời chất vấn. Vậy, đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời tại văn bản?

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Công văn trả lời của Thủ tướng là một trong những văn bản trả lời mà tôi đồng tình nhất, trong đó đã nêu các thành tựu trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên mạng trong thời gian vừa qua. Tuy chúng ta mới có Luật An ninh mạng nhưng chúng ta đã vào cuộc rất tích cực, cho thấy vai trò rất tốt của lực lượng công an, Ngân hàng Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Tôi nghĩ những giải pháp trong thời gian tới của Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan và phát động cả xã hội đấu tranh, tôi tin tưởng sẽ ngăn chặn được nạn tín dụng đen qua mạng trong thời gian tới.

Phóng viên: Hệ lụy từ hoạt động biến tướng của “tín dụng đen” này là gì, thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Cũng giống như hoạt động “tín dụng đen” trước kia, hệ lụy của tín dụng đen online là đẩy người vay vào sự khó khăn về kinh tế trầm trọng, tuy nhiên giao kết của hoạt động tín dụng đen qua mạng thì nhanh hơn và nhanh để lại hậu quả hơn. Chỉ cần người vay không hoàn vốn và trả lãi đúng hạn thì sẽ bị gánh chịu hậu quả tức thời. Đối tượng bị sập bẫy tín dụng đen online cũng nhiều hơn và rộng rãi hơn, bởi chỉ cần một vài thao thác đăng ký trên mạng là có thể vay tiền online. Tôi cho rằng hoặt động này nguy hiểm hơn và hậu quả pháp lý khôn lường. Qua đây, tôi cũng muốn nhắc nhở người dân khi thấy các trang web, ứng dụng vay tiền online thì không nên tham gia mà nếu có nhu cầu vay vốn thì nên đến các cơ quan, tổ chức tín dụng xác lập quan hệ tín dụng thì sẽ an toàn hơn và giảm các hệ lụy từ vay tín dụng đen online.

Phóng viên: Những giải pháp Thủ tướng Chính phủ nêu lên đã được triển khai như thế nào trên thực tế, thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Bằng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của Bộ Công an, ngành ngân hàng đã phần nào mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó, ngành công an đã tích cực đấu tranh với các băng nhóm, tổ chức cho vay nặng lãi trên địa bàn cả nước. Hệ thống ngân hàng đã đẩy mạnh hơn hệ thống tiếp cận vốn của ngân hàng chính sách, các ngân hàng thương mại, đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gắn bó với bà con nông dân cho vay kịp thời hơn. Các hệ thống chính trị ở địa phương cũng được phát huy, đi sát dân, gần dân hơn để tìm hiểu khó khăn của người dân, giúp họ tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn. Ví dụ nâng mức vay cao hơn, cho vay tiêu dùng, sửa chữa nhà ở… Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng tự đổi mới hoạt động linh hoạt, hiệu quả và nhiều gói vay hỗ trợ kịp thời cho người dân tiếp cận nguồn vốn để bảo đảm hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong đời sống hàng ngày.

Phóng viên: Để khắc phục tình trạng này thì đâu là giải pháp trọng tâm cần quyết liệt triển khai?

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Tôi muốn kiến nghị Chính phủ nên chỉ đạo các cơ quan chức năng, Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan công an, Ngân hàng Nhà nước đấu tranh nhanh, kịp thời ngăn chặn các hành vi cho vay nặng lãi qua các thiết bị điện tử thông minh. Khi thấy những số máy lạ, trang web lạ chào mời người dân tham gia vay tín dụng, người dân cũng cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, hạn chế thấp nhất thiệt hại của người dân, đặc biệt người dân khu vực khó khăn. Đồng thời, Chính phủ cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, đưa ra các giải pháp ngăn chặn hữu hiệu hơn để ngăn chặn ngay từ đầu, trước khi hình thức cho vay qua mạng phát tán và biến tướng.

Đồng tình với những giải pháp Chính phủ nhằm ngăn chặn những biến tướng của hoạt động cho vay online, đại biểu Nguyễn Tạo đánh giá cao những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan đã triển khai trong thời gian qua. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng Chính phủ cần sớm hoàn thiện khung pháp lý quản lý lĩnh vực này; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục mở rộng chi nhánh hoạt động, tổ chức nhiều gói cho vay hỗ trợ linh hoạt hơn để người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn an toàn, lãi suất thấp. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, tránh mắc phải các cạm bẫy do loại hình “tín dụng đen” mang lại./.

Lan Hương