ĐBQH DƯƠNG MINH ÁNH CHẤT VẤN THỦ TƯỚNG VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG BẢO TÀNG HÀ NỘI

21/07/2020

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội về quản lý, sử dụng Bảo tàng Hà Nội.

 

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XIV, Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đã có văn bản chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc quản lý, sử dụng công trình Bảo tàng Hà Nội, lý do điều chuyển Bảo tàng Hà Nội về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 156/2005/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2005 về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống Bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu phát triển hệ thống bảo tàng phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa, khoa học và hưởng thụ văn hóa của công chúng, theo đó tất cả các tỉnh, thành phố đều có bảo tàng tỉnh.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội 

Bảo tàng Hà Nội là một công trình văn hóa nổi bật của thành phố Hà Nội với kiến trúc độc đáo, hiện đại, vị trí thuận lợi, đã được khánh thành nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, là niềm tự hào sâu sắc của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô. Đây thực chất là Bảo tàng của 3 tỉnh (Hà Nội, Hà Đông và Sơn Tây). Hiện nay Thành phố đang chuẩn bị Đề án trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội với hàng vạn hiện vật gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội và hướng tới chuẩn bị Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (vào năm 2020).

Tuy nhiên, mới đây Thủ tướng có ý kiến giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng Đề án chuyển Bảo tàng Hà Nội về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đề nghị Thủ tướng cho biết lý do cần thực hiện việc điều chuyển này? Tại sao Hà Nội là Thủ đô với bề dày văn hiến, lịch sử cách mạng mà không có Bảo tàng của riêng mình? Vậy sau này Bảo tàng các tỉnh có chuyển hết về cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý không?

Trả lời chất vấn ĐBQH Dương Minh Ánh, Thủ tướng Chính phủ cho biết, tại Điều 47 Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29/6/20002 quy định cụ thể về phân loại hệ thống bảo tàng công lập ở Việt Nam, trong đó có bảo tàng cấp tỉnh. Căn cứ các điều kiện, thẩm quyền quyết định thành lập bảo tàng quy định tại Điều 49, Điều 50 Luật Di sản văn hóa, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập bảo tàng cấp tỉnh, là đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch của địa phương.

Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số  429/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 quy định: "Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cơ bản có 1 bảo tàng cấp tỉnh (giai đoạn đến năm 2021) và tiếp tục duy trì 1 bảo tàng cấp tỉnh cho giai đoạn đến năm 2030".

Bảo tàng Hà Nội 

Công trình Bảo tàng Hà Nội khánh thành từ năm 2010, nhưng phải bổ sung, điều chỉnh lớn, gần như cấu trúc lại hoàn toàn nội dung trưng bày, do việc mở rộng phạm vi hành chính của Thủ đô, nên đến nay vẫn chưa hoàn thành trưng bày nội thất để có thể chính thức mở cửa đón khách tham quan.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa (trong đó có hệ thống bảo tàng) chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả công trình Bảo tàng Hà Nội./.

Trọng Quỳnh