ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG GÓP Ý VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI HÀ NỘI

22/07/2020

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tham gia phát biểu, đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Tại phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết, đại biểu Hoàng Văn Cường thể hiện sự đồng tình với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Trong Nghị quyết đề xuất đến 9 cơ chế, trong đó có 7 cơ chế được Quốc hội đã thông qua tại Nghị quyết số 54 cho Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ còn có 2 nội dung khác biệt hơn so với Nghị quyết số 54. Thứ nhất là Hà Nội xin sử dụng kinh phí chi thường xuyên còn dư dôi để đầu tư cho những công trình cấp bách. Như vậy, thực chất ở đây tức là tiết kiệm chi thường xuyên cho việc chi đầu tư, vì chúng ta đang khuyến khích việc này, không lý do gì lại không đồng tình để Hà Nội được thực hiện đi đầu trong việc này.

Thứ hai, Hà Nội cũng xin đề xuất sử dụng ngân sách của thành phố để hỗ trợ cho những địa phương khác trong điều kiện gặp khó khăn. Tinh thần này rất rõ, đây là một tinh thần cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước. Còn lại 7 nội dung cũng tương đồng như Nghị quyết 54 mà Quốc hội đã thông qua cho Thành phố Hồ Chí Minh, được thành phố đang áp dụng cũng rất hiệu quả thì không lý do gì chúng ta băn khoăn khi áp dụng những cơ chế này đối với Hà Nội.


Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội.

Về việc Hà Nội xin được điều chỉnh các mức phí, lệ phí hoặc thêm những loại phí mới mà chưa có trong Luật Phí và lệ phí, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng: Việc xác định phí, lệ phí phụ thuộc vào nhu cầu về phát triển các dịch vụ công ở đó và khả năng chi trả ở những thành phố lớn hoặc những khu đô thị hiện đại. Ngay ở Việt Nam, phí dành cho những khu đô thị đó cao hơn. Các đại biểu có thể thấy những khu đô thị như Phú Mỹ Hưng hay Ciputra, Ecopark thì phí dành cho các hoạt động về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường cao hơn, mới tạo cảnh quan đó. Nếu như Hà Nội mà có được các phí này, phù hợp với các khu vực thì chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một dịch vụ tốt hơn ở một số những khu vực phù hợp, hoặc cơ chế xin Hà Nội được hưởng 50% giống như Thành phố Hồ Chí Minh.

Về phần tiền sử dụng đất đối với việc chuyển đổi tài sản trên đất, như Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chỉ ra thực chất tiền này phải dành khoảng 70% để trang trải cho việc di dời, đầu tư xây dựng, thực hiện chuyển đổi đó. Cho nên phần còn lại thực chất chỉ khoảng 30%, trong đó dành cho địa phương 15% thì không phải là nhiều. Việc này vừa có tác động thúc đẩy việc chuyển dịch những cơ sở sử dụng các tài sản đất đai không hiệu quả hoặc cần phải chuyển dịch ra bên ngoài; hoặc những đơn vị mà sử dụng các vị trí đắc địa thì người ta có thể tích cực hơn trong việc chuyển đổi này để tạo thành các hoạt động sử dụng có hiệu quả. Hoặc cơ chế cho phép thành phố được hưởng tiền thực hiện quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp của các doanh nghiệp thuộc thành phố quản lý.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, tại Điều 37 Luật Ngân sách nhà nước cũng đã quy định: “Nguồn thu về vốn và các nguồn thu khác từ các doanh nghiệp này thuộc ngân sách địa phương”. Ở đây chỉ khác là khi chúng ta cổ phần hóa thì có những phần về giá trị tài sản, đất đai không thuộc nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào, ví dụ như thương hiệu hay các giá trị đất đai khác. Do vậy, việc đưa Nghị quyết vào đây là hoàn toàn phù hợp và việc này cũng sẽ thúc đẩy việc thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý. Đồng thời, cũng khuyến khích chính địa phương sẽ làm thế nào để những doanh nghiệp đó quản trị tốt hơn, năng lực cao hơn và khi cổ phần hóa được giá trị cao hơn.

Về đề xuất cơ chế nâng trần nợ từ 70% lên 90%, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất và đã được phê duyệt từ 60% lên 90%. Thực chất chúng ta nâng trần này trên so với ngân sách được điều tiết để lại, mà để lại ở các thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh rất thấp. Chẳng hạn Thành phố Hồ Chí Minh 18%, Hà Nội 35% và chúng ta có nâng lên đến 90% thì thực chất so với tổng thu ngân sách trên địa bàn chỉ chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, việc nâng số này lên cũng không phải tạo thêm gánh nặng về nợ công hay rủi ro. Đặc biệt những thành phố lớn như thế này thì nhu cầu đầu tư rất lớn. Đặc biệt hiện nay cơ chế vốn ODA đối với những thành phố này không còn chuyện cấp nữa mà 100% chuyển vốn vay. Như vậy, đương nhiên nó sẽ đòi hỏi phải tăng mức về nợ của các khu vực này lên. Thành phố Hà Nội cũng đề nghị là được tạm ứng không quá 50% quỹ dự trữ tài chính để thanh toán cho các dự án đang đầu tư công đã được phê duyệt. Thực chất Thành phố Hồ Chí Minh đã được đề xuất cơ chế là được vay ở nhiều nguồn khác nhau để thanh toán cho các dự án đang được triển khai trên địa bàn thành phố.

Thành phố Hà Nội đề xuất là chỉ sử dụng ở Quỹ dự trữ tài chính. Thực chất trong luật hiện hành đã cho phép sử dụng quỹ tài chính này để đầu tư. Tuy nhiên, thời hạn thanh toán trong vòng 12 tháng, ở Hà Nội đề xuất là trên 36 tháng. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, những quỹ này ở những thành phố lớn có nguồn thu lớn và dự trữ rất lớn thì việc chúng ta dành 50% thôi cũng đã có một nguồn rất lớn rồi, cho nên thời gian chúng ta thanh toán kéo dài ra, nó sẽ đảm bảo hiệu quả hơn trong việc sử dụng các nguồn quỹ này. Do vậy, đề xuất đó là hợp lý hoặc là đề xuất thành phố được quyền quyết định về dự toán được phân bổ ngân sách theo hạn mức mà Quốc hội và Chính phủ đã phê duyệt. Đây thực chất chỉ là phân quyền chủ động hơn cho thành phố. Việc đề xuất là sử dụng nguồn dư dôi tiền lương để chuyển vào đầu tư các hạ tầng. Thực chất chúng ta đã tiết kiệm việc chi cho con người để chuyển sang chi đầu tư. Thành phố Hồ Chí Minh có đề xuất là tăng thêm thu nhập lên mức 1,8 lần nhưng Hà Nội chỉ là đề xuất để tăng đầu tư. Đây là một việc hết sức phù hợp với chủ trương của chúng ta là cần phải giảm chi cho con người và chuyển thành chi đầu tư.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng bày tỏ sự băn khoăn, là so với Nghị quyết số 54 thì thành phố Hà Nội xin cơ chế còn hẹp hơn. Ví dụ, Thành phố Hồ Chí Minh còn đề xuất sử dụng cả những quyền được chuyển đổi quỹ đất nông nghiệp từ 10 hecta trở lên hay một số cơ chế khác. Thế nhưng, vì Hà Nội còn có thêm Luật Thủ đô và trong khi chưa đánh giá, chưa có các điều chỉnh của Luật Thủ đô thì những cơ chế, chính sách cần phải giải quyết cấp bách và đồng thời cũng là một giai đoạn thử nghiệm để sau này khi đánh giá, điều chỉnh, sửa đổi Luật Thủ đô thì việc đưa vào hay bổ sung cơ chế sẽ có cơ sở hơn./.

Bích Lan