ĐBQH PHẠM VĂN HÒA GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

22/07/2020

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng với các đối tượng lứa tuổi từ đủ 12 đến 16 tuổi, không nên đưa vào trại giáo dưỡng hay giáo dục cộng đồng, mà nên khuyến khích gia đình quản lý và buộc gia đình phải làm cam kết.

 

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, phát biểu tại phiên họp.

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa khẳng định ngừng cung cấp điện là biện pháp cưỡng chế không hay, vi phạm quyền của công dân, không nên thực hiện. Đại biểu cho rằng chúng ta có rất nhiều biện pháp cụ thể khác để xử lý, nếu sử dụng biện pháp này thì vợ, con, người trong gia đình người vi phạm cũng phải gánh chịu trách nhiệm. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu lại điểm này và nhấn mạnh, biện pháp cắt điện, nước là không thực tế và không khả thi.

Về việc đưa các đối tượng đặc biệt vào trại giáo dưỡng, trong thời gian qua, việc giáo dục cộng đồng và giáo dục của gia đình đều gặp nhiều khó khăn. Mặt trận, các đoàn thể và lực lượng công an quản lý, đại biểu cho rằng cần phải có sự đánh giá tác động hết sức khách quan vấn đề này để giáo dục cộng đồng cho phù hợp.

Riêng với lứa tuổi từ đủ 12 đến 16 tuổi, đại biểu cho rằng không nên đưa vào trại giáo dưỡng hay giáo dục cộng đồng, mà nên để gia đình quản lý và bắt buộc gia đình phải làm cam kết. Nếu gia đình cảm thấy không quản lý được các em, các cháu thì lúc đó mới đưa vào trường giáo dưỡng. Vì môi trường trong trại giáo dưỡng có nhiều đối tượng phức tạp, hơn nữa các em này còn trong độ tuổi học, đại biểu đề nghị nên quan tâm hơn nữa tới các em.

Đối với quy định những đối tượng từ 18 tuổi trở lên vi phạm tới lần thứ 03 thì phải đưa vào trại giáo dưỡng, trại cải tạo, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ quan điểm rằng vi phạm đến lần thứ 02 là đủ để đưa đối tượng vào trại giáo dưỡng, trại cải tạo. Lấy ví dụ về những vi phạm đạo đức như tội xâm hại thân thể cha mẹ, ông bà, bỏ mặc ông bà không nuôi dưỡng, đại biểu khẳng định đây là tội rất lớn, cần phải có biện pháp giáo dục thích đáng cho những đối tượng này ngay từ lần vi phạm thứ nhất, thứ hai thay vì đợi đến lần thứ ba mới xử lý. Theo đại biểu, xử lý muộn như vậy là không phù hợp, không thuyết phục, dẫn đến nguy hiểm cho xã hội và gia đình nếu những đối tượng này nghiện chất ma túy./.

Bùi Hùng