ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN: CẦN THÊM CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ VÀ TÀI KHÓA CHO HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA DỊCH BỆNH

22/07/2020

Thảo luận hội trường về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác tại Kỳ họp thứ 9, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đề nghị có thêm hỗ trợ thông qua chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để doanh nghiệp đủ sức vượt qua khó khăn.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong thời gian vừa qua đã đã ban hành rất sớm những quy định như là Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước trong việc gia hạn nợ, giảm phí, giảm lãi; Nghị định 41 để giãn tiền thuế, tiền thuê đất; Nghị quyết 42 về hỗ trợ an sinh xã hội và nhiều văn bản khác.

Đại biểu chia sẻ, qua nắm thông tin từ các đơn vị tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, người dân đã có điều kiện tiếp cận được những hỗ trợ của nhà nước, trừ trường hợp người lao động không có hợp đồng lao động thì việc đối chiếu thông tin, chứng minh là rất khó khăn. Hiện nay có khoảng 20% số đó đã được hưởng trợ cấp, nhưng còn lại 80% thì chưa được.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh 

Riêng về phía doanh nghiệp, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết để có lãi trong năm 2020 là hết sức khó khăn. Do đó, đại biểu cho rằng khi Chính phủ trình Quốc hội để giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp mang tính chất động viên nhiều hơn còn những doanh nghiệp thật sự khó khăn hiện nay thì đang cần chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Đại biểu làm rõ: Điểm thứ nhất là đối với khoản vay hiện nay thì doanh nghiệp đang rất khó tiếp cận bởi vì hàng hóa thì đang tồn kho, chưa có thị trường hoặc chưa phù hợp với nhu cầu hiện tại nên cần phải vay món mới. Do đó, các bộ, ngành và Chính phủ nên có thêm gói hỗ trợ khác. Cụ thể có thể hỗ trợ cho Quỹ tín dụng bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng thêm vốn cho quỹ bảo lãnh này để có thể tăng liều lượng bảo lãnh cho các doanh nghiệp để tiếp cận vốn vay. Bởi vì các ngân hàng hiện nay, để đảm bảo những chuẩn trong cho vay thì các ngân hàng không dám cho các doanh nghiệp vay nên cần phải có sự bảo lãnh của Nhà nước.

Điểm thứ hai là thời gian vừa qua ở Nghị quyết 42 có hướng dẫn là các doanh nghiệp có thể vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%. Tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp cho rằng hầu như rất khó tiếp cận với khoản này. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, ở đây nên xem lại ở những điều kiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp đang hết sức khó khăn. Hơn nữa theo số liệu Chính phủ đã báo cáo 5 tháng đầu năm, số đăng ký thành lập mới là 48.323 doanh nghiệp, so với cùng kỳ giảm 10,5%. Số tạm ngừng hoạt động là 26.008 doanh nghiệp và số tạm ngừng này đã tăng là 36,4%. Tuy nhiên, số tạm ngừng thấy rằng doanh nghiệp chưa bỏ cuộc, vẫn muốn chờ cơ hội và đang kỳ vọng vào sự tiếp sức của Chính phủ. Vì vậy Chính phủ nên quan tâm nhiều hơn với doanh nghiệp chưa rời khỏi thị trường, vẫn muốn chờ cơ hội, vẫn muốn giữ thương hiệu, vẫn muốn giữ người lao động của mình. Nhấn mạnh, hỗ trợ làm sao để cho 26.000  doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động có sức vượt qua khó khăn hiện nay và với tình hình hiện tại nên tăng liều lượng hỗ trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp đủ sức vượt qua khó khăn trong vài tháng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ năm nay nếu kịch bản tăng trưởng 3,6% thì nguồn thu giảm tới 190.000 tỷ; nếu tăng trưởng 4,5 thì nguồn thu giảm 163.000 tỷ đồng. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân trong 4 năm vừa rồi chúng ta giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kéo giảm được bội chi ngân sách, làm tốt về chính sách tài khóa hết sức chặt chẽ và hiệu quả, cho nên nợ công giảm sâu xuống chỉ còn 54,7%. Như vậy, dư địa này cho phép Chính phủ trình ra Quốc hội thêm những gói hỗ trợ để giữ cho được doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đang có thương hiệu. Bởi vì, những doanh nghiệp này đang có thị trường tại các nước trên thế giới, chỉ vì một biến bất thường đó doanh nghiệp đang khó khăn thì chúng ta phải dùng nhiều giải pháp chứ không phải chỉ có hỗ trợ thuế.

Trong phần tranh luận thêm, đại biểu Trần Hoàng Ngân làm rõ, nếu nghị quyết này chỉ dừng lại ở điểm này thì nó không đi vào cuộc sống nhiều, mà nếu không đi vào cuộc sống nhiều thì rõ ràng là nó chỉ mang tính chất động viên. Do đó, trong trường hợp có thể cân nhắc được thì nên nới rộng khoản hỗ trợ, không tập trung nhiều vào thuế, về miễn thuế đối với thu nhập doanh nghiệp. Bởi vì đã có lãi là họ vượt qua được thách thức. Đại biểu nhấn mạnh nên quan tâm những doanh nghiệp hiện nay đang tạm ngừng hoạt động, đang hết sức khó khăn nên tìm gói hỗ trợ hơn.

Đại biểu đề nghị, trong trường hợp bất khả kháng này, trong trường hợp đang có đại dịch COVID này chúng ta có cơ hội để thực hiện nhiều hơn các gói giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Cho nên Chính phủ xem xét tính toán thêm nhiều gói hỗ trợ và có thể hỗ trợ lãi suất, bởi vì lãi suất Việt Nam hiện nay còn cao hơn rất nhiều so với lãi suất trong khu vực./.

Bảo Yến