ĐBQH LÊ THU HÀ: CẦN XÂY DỰNG CƠ CHẾ QUẢN LÝ PHÙ HỢP VỚI MÔI TRƯỜNG KINH DOANH SỐ

22/07/2020

Theo ĐBQH Lê Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, việc đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học, công nghệ được coi là giải pháp quan trọng để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau COVID-19. Do đó, cần sớm hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số để tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.

 

Phát biểu góp ý tại phiên thảo luận về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020 tại Kỳ họp thứ 9, ĐBQH Lê Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho rằng, có lẽ chưa có cuộc khủng hoảng nào trong gần 100 năm qua gây ra thiệt hại lớn cả về y tế và kinh tế như đại dịch COVID-19. Không chỉ thế, dịch COVID-19 đã phá vỡ chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi cung ứng logistics. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã thích ứng rất nhanh, bằng cách tham gia mạnh hơn vào nền kinh tế số. Đại dịch COVID-19 cũng đặt ra yêu cầu đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi mô hình phát triển, nhất là chuyển đổi số của kinh tế thế giới, đặt ra cả thời cơ và thách thức cho các nước đang phát triển. Quá trình số hóa diễn ra cả về khía cạnh kinh tế và chính trị.

ĐBQH Lê Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai 

Đối với Việt Nam, theo ĐBQH Lê Thu Hà, xu hướng trên mang lại cả cơ hội và thách thức, mà tích cực là điều kiện để rút ngắn khoảng cách phát triển, nếu chuyển đổi mô hình phát triển thành công và biết tranh thủ lợi thế của Cách mạng công nghiệp 4.0 và thời kỳ kinh tế số bùng nổ, hậu COVID-19, bởi triển vọng kinh tế số của Việt Nam được đánh giá rất tích cực trong khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất với tỷ lệ là 38% so với mức trung bình chung là 33%. Mặt tiêu cực là quá trình này đồng thời cũng làm trầm trọng thêm nguy cơ gia tăng khoảng cách phát triển và khoảng cách số cùng nguy cơ an ninh mạng, ảnh hưởng chủ quyền quốc gia trong không gian số. Công nghệ số và chuyển đổi số cũng có những giới hạn nhất định chỉ bổ trợ chứ không thể thay thế được các phương thức sản xuất tiêu dùng, giao tiếp trực tuyến truyền thống. Bên cạnh đó thì xu hướng dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng về công ty mẹ và chính quốc vì lý do an ninh kinh tế cộng thêm ứng dụng công nghệ robot tự động hóa và in 3D có thể khiến chúng ta mất đi lợi thế cạnh tranh là lao động rẻ, từ đó có thể bị gạt ra khỏi cuộc chuyển đổi số hậu dịch COVID-19.

ĐBQH Lê Thu Hà nhấn mạnh, thời gian qua các hoạt động kinh tế số ở nước ta đã có sự tăng trưởng tích cực và được Chính phủ quan tâm ưu tiên phát triển. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 năm 2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đề ra mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số sẽ chiếm tỷ lệ 20% và gần đây nhất tháng 5/2020 đã ban hành Kết luận số 77 về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19, trong đó, đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học, công nghệ được coi là giải pháp quan trọng để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau COVID-19. Đây là những định hướng đúng đắn, kịp thời.

Và để thực hiện được điều đó, ĐBQH Lê Thu Hà đề nghị trong thời gian tới Chính phủ nên tập trung vào một số trọng tâm sau:

Thứ nhất, cần hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, các chính sách và quy định xuyên suốt để định hình nền kinh tế số cần bao gồm các chính sách và quy định liên quan đến các luồng dữ liệu xuyên quốc gia, bảo mật dữ liệu, an ninh mạng, bảo vệ khách hàng, giao dịch điện tử và pháp luật về thương mại điện tử và thuế. Việt Nam cần chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số, có chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới, chú trọng tới các chính sách để tiếp cận với dịch vụ thanh toán an toàn và bảo đảm mang lại cơ hội thực hiện thanh toán điện tử cho cả khách hàng, doanh nghiệp trong và nước ngoài.

Thứ hai, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu, bao gồm triển khai băng thông rộng chất lượng cao trên phạm vi toàn quốc; xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia; đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng; nâng cấp hạ tầng các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu một cách đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng của toàn bộ nền kinh tế. Tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như công nghiệp, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, an toàn, an ninh mạng, công nghiệp chế tạo thông minh, tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, nông nghiệp số, du lịch số, công nghiệp văn hóa số, y tế, giáo dục và đào tạo.

Thứ ba, các doanh nghiệp cần tích hợp công nghệ số hóa, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, tối ưu hóa mô hình kinh doanh, phát triển kỹ năng mới cho từng cá nhân và tổ chức sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh, có giải pháp quản lý tài sản trí tuệ trong thời đại số phù hợp với những mô hình kinh doanh và các mô hình hợp tác mới, phát triển nguồn nhân lực theo hướng tăng cường năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển./.

Trọng Quỳnh