ĐBQH TẠ MINH TÂM GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

23/07/2020

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Quốc hội Tạ Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang bày tỏ nhất trí cao với việc bổ sung vào Điều 6 quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản; quy định rõ thời điểm phản biện xã hội được thực hiện trong giai đoạn tổ chức lấy ý kiến về dự thảo văn bản và văn bản phản biện xã hội (nếu có) phải được gửi kèm theo hồ sơ dự án gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền; các nội dung khác liên quan đến phản biện xã hội được thực hiện theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Tạ Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Đại biểu Quốc hội Tạ Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, cho rằng quy định này nhằm thể chế hóa thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc “xem xét đưa hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội vào quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Tạ Minh Tâm cũng kiến nghị nội dung quy định về phản biện xã hội không nên thể hiện tại Điều 6 như dự thảo mà tách riêng thành một quy định độc lập về thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đại biểu cho biết hiện nay quy trình phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội được thực hiện theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị, với một quy trình chặt chẽ, mang tính chính trị sâu sắc. Quy trình này có chủ thể, tính chất, mục đích, nguyên tắc, phạm vi, phương pháp thực thi được quy định cụ thể, trách nhiệm chủ thể được phản biện xã hội và cơ quan, tổ chức yêu cầu phản biện xã hội được nêu rõ, hoạt động tổ chức đối thoại được yêu cầu trong quy trình. Vì vậy, đại biểu kiến nghị bố trí một điều động độc lập, trong đó thể chế các vấn đề quan trọng có liên quan trong Quyết định số 217 về trách nhiệm của các chủ thể về quy trình, về nguyên tắc thực thi.

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội Tạ Minh Tâm cũng cho rằng, cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần bổ sung các đoàn thể chính trị, xã hội và quyết định của nội dung điều luật này, tên điều luật mới có thể hiện phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Theo đại biểu, quy định như trên sẽ bảo đảm thể hiện toàn diện chủ thể thực hiện phản biện xã hội, thể hiện theo quy định của Đảng là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh./.

Thu Phương

Các bài viết khác