ĐBQH NGÔ TRUNG THÀNH GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

23/07/2020

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đã tham gia phát biểu, đóng góp ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Phát biểu ý kiến của mình tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, cho biết mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 trước đây không có quy định trình kèm văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành, tuy nhiên đến năm 2013 sau khi xem xét báo cáo của các cơ quan, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 67/2013 về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành nêu rõ, trong Nghị quyết này, Quốc hội nhận thấy thời gian qua, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan đã có nhiều cố gắng tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều luật, pháp lệnh, nghị quyết triển khai thi hành chưa kịp thời; việc tuyên truyền, phổ biến còn hình thức; việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành còn chậm; có trường hợp ban hành văn bản quy định chi tiết cả nội dung không được giao trong luật.

Mặc dù Quốc hội đã ban hành một số nghị quyết để chấn chỉnh, thúc đẩy công tác triển khai thi hành và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết nhưng công tác này vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt, những hạn chế, bất cập vẫn chưa được khắc phục. Tình hình trên đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Việc này cần được đánh giá, kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm và có biện pháp khắc phục để tình trạng này không tái diễn trong thời gian tới.

Đại biểu cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên là do kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật không nghiêm; chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành với nhau và với các cơ quan của Quốc hội chưa tốt; một số luật, pháp lệnh còn quy định nguyên tắc, để lại nhiều nội dung giao quy định chi tiết; nguồn lực cho công tác triển khai thi hành và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa được bảo đảm đầy đủ.

Trong Nghị quyết này, Quốc hội đã yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Nghị quyết của Quốc hội về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hạn chế thấp nhất việc phải ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, chỉ giao quy định chi tiết đối với nội dung quy định về quy trình, quy chuẩn kỹ thuật hoặc vấn đề chưa có tính ổn định cao, nhưng phải trình kèm theo dự thảo văn bản quy định chi tiết; bảo đảm văn bản quy định chi tiết được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Trên cơ sở đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2018 đã có quy định về văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành trong hồ sơ dự án luật. Đại biểu Ngô Trung Thành cho rằng, chính nhờ quy định này mà thời gian qua theo đánh giá của Chính phủ tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành cơ bản được khắc phục./.

Thu Phương

Các bài viết khác