ĐBQH TRIỆU THỊ THU PHƯƠNG GÓP Ý VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2021, ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2020

23/07/2020

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, tham gia đóng góp ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, việc lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế từ nhiều năm qua, chậm được khắc phục.

Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Phát biểu về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết công tác xây dựng pháp luật từ khâu chuẩn bị đề xuất đưa dự án vào chương trình đến xem xét, thông qua tiếp tục có những cải tiến, đổi mới. Công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra được tăng cường. Trong tất cả các giai đoạn, quy trình, việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến của đại biểu được làm kỹ lượng và bài bản hơn.

Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương cũng chỉ rõ bên cạnh những kết quả đạt được, việc lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế từ nhiều năm qua, chậm được khắc phục. Đặc biệt là trong việc lập Chương trình thì tính dự báo của Chương trình không cao. Việc đề nghị điều chỉnh Chương trình để bổ sung dự án vẫn còn nhiều, trong đó có không ít dự án được đề nghị bổ sung vào thời điểm gần sát kỳ họp Quốc hội, gây khó khăn, bị động cho các cơ quan của Quốc hội. Tình trạng xin lùi thời gian trình hoặc rút dự án ra khỏi Chương trình do chưa chuẩn bị kịp vẫn diễn ra.

Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương cho biết, năm 2019, Chính phủ bổ sung 09 dự án, dự thảo, lùi thời gian trình 04 dự án, rút khỏi Chương trình 01 dự án, lùi thời gian thông qua 01 dự án. Năm 2020, Chính phủ đề nghị bổ sung 10 dự án, dự thảo, rút khỏi Chương trình 01 dự án; đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung 01 dự án. Cùng với đó, việc gửi hồ sơ dự án luật đến đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội còn chậm so với quy định như tại Kỳ họp thứ 9 này sát phiên thảo luận, đại biểu mới nhận được dự thảo luật./.

Thu Phương

Các bài viết khác