ĐBQH VĂN THỊ BẠCH TUYẾT GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

23/07/2020

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh, kiến nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá toàn diện các biện pháp, hình thức cai nghiện ma túy cho người dưới 18 tuổi theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy để có các giải pháp xử lý phù hợp hơn.

 

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh, phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết bày tỏ thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về việc sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án luật, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề cập tới 03 vấn đề, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Chính phủ và Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát tăng mức tiền tối đa xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Theo đại biểu, thực hiện như vậy sẽ đảm bảo yêu cầu xử lý kịp thời, ngăn chặn ngay các hành vi vi phạm hành chính trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nhiều hành vi vi phạm đã được Chính phủ điều chỉnh hoặc đưa vào dự thảo luật nâng mức xử phạt để tăng tính răn đe và phù hợp với tình hình mới nhưng chưa điều chỉnh thẩm quyền xử phạt cho phù hợp, nên nhiều hành vi vi phạm trước đây thuộc thẩm quyền của Chủ tịch xã thì nay sẽ thuộc thẩm quyền Chủ tịch huyện, một số hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch huyện thì nay thuộc thẩm quyền của Chủ tịch thành phố, dẫn đến số lượng hồ sơ hành chính phải xử lý ở cấp thành phố và cấp huyện tăng cao, khó đảm bảo thời gian xử lý theo luật định.

Thứ hai, đại biểu bày tỏ ủng hộ việc bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo điểm d khoản 2 Điều 86 dự thảo luật, đó là ngưng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ vi phạm. Trong thực tế, nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính không được các cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành việc dừng hành vi vi phạm hành chính, nộp phạt và khắc phục hậu quả. Nhiều đối tượng lựa chọn các giải pháp khác như chuyển đổi tên doanh nghiệp để trốn tránh việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Theo đại biểu, việc bổ sung 2 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ làm cho các chủ thể vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định, để đảm bảo các hành vi vi phạm hành chính phải dừng và không gây hậu quả nghiêm trọng hơn hoặc khó khắc phục hơn. Trong thực tế có nhiều doanh nghiệp, hộ cá thể có hành vi gây ô nhiễm môi trường, không chấp hành quy định xử phạt vi phạm hành chính, không dừng hành vi vi phạm hành chính theo quy định. Nếu không có biện pháp cưỡng chế thực hiện quyết định thì việc xả thải gây ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra, làm trầm trọng thêm tình hình ô nhiễm.

Trong khi các biện pháp cưỡng chế đã được quy định trong luật hiện nay khó thực hiện, do hành vi gây ô nhiễm môi trường không được dừng ngay nên không đảm bảo hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính, gây bất bình trong nhân dân và tạo mối nghi ngờ cán bộ ở địa phương bao che không xử lý. Một ví dụ khác, hành vi vi phạm hành chính về xây dựng, nếu người vi phạm không chấp hành ngay để công trình hoàn thành thì sẽ khó khắc phục hậu quả, khó cưỡng chế khôi phục hiện trạng, gây tốn kém.

Thứ ba, về việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, đại biểu cho rằng, theo quy định của pháp luật, trẻ em là đối tượng cần được quan tâm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ đặc biệt như nhiều đại biểu đã nêu. Vì thế, khi ban hành các quy định liên quan đến trẻ em, trong đó có người chưa thành niên thì cần xem xét quy định theo hướng có lợi nhất cho các em.

Đại biểu chia sẻ, người nghiện ma túy cần được cai nghiện và trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy cũng cần được cai nghiện kịp thời, để tạo cơ hội cho các em hòa nhập cộng đồng, có cơ hội để trở lại cuộc sống bình thường như các trẻ em khác và cũng nhằm giảm nguy cơ vi phạm pháp luật của người chưa thành niên nghiện ma túy. Tuy nhiên, qua phản ánh của các địa phương và các ngành chức năng, việc tổ chức cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng thời gian vừa qua hiệu quả thấp, không đạt được mục tiêu cai nghiện và giáo dục do nhiều nguyên nhân. Theo quy định của dự thảo luật, đại biểu cho rằng trường giáo dưỡng không có chức năng chữa bệnh và cai nghiện ma túy nên việc dự thảo luật quy định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng là không phù hợp.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá toàn diện các biện pháp, hình thức cai nghiện ma túy cho người dưới 18 tuổi theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy thời gian vừa qua để chúng ta có các giải pháp xử lý phù hợp hơn./.

Bùi Hùng

Các bài viết khác