ĐBQH ĐINH CÔNG SỸ: CẦN ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG MỨC HỖ TRỢ TRONG BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG

24/07/2020

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Đinh Công Sỹ - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La đã đóng góp một số ý kiến vào Báo cáo đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020 và thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Đinh Công Sỹ cơ bản thống nhất với các nội dung trong Báo cáo bổ sung về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch năm 2020 của Chính phủ. Năm 2019, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh trên gia súc xảy ra khắp cả nước, thiên tai và thời tiết cực đoan diễn ra ở cả 3 miền, Chính phủ đã điều hành và đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên nhiều mặt phát triển kinh tế - xã hội. Các chỉ tiêu đánh giá đều đạt và vượt số báo cáo trước Quốc hội và vào phiên họp cuối năm 2019.

Bên cạnh đó, những thành quả trong công tác chống dịch của Việt Nam có được là do sự điều hành có hiệu quả của Chính phủ và sự đồng lòng của toàn thể nhân dân. Thế giới ghi nhận và coi Việt Nam là 1 điển hình cho sự thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Công tác hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực và mới đây nhất, Chính phủ đã trình Quốc hội phê chuẩn với tỷ lệ tán thành rất cao Hiệp định EVFTA và EVIPA và Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Ngoại giao văn hóa trong năm 2019 được tăng cường thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân nhất là trong những ngày dịch bệnh vừa qua, hàng ngàn lượt đồng bào của chúng ta đã được trở về nước một cách kịp thời. Tuy vậy còn nhiều việc chưa làm được, làm chưa tốt và còn những thách thức trong thời gian tới cũng đã được nhận diện thể hiện trong báo cáo của Chính phủ.

Những năm qua đại biểu nhận thấy các thiết chế cơ bản cho vùng miền núi đã được quan tâm như hạ tầng giao thông, trường học, trạm xá, phủ sóng điện thoại được tiếp cận với thông tin đã có những chuyển biến nhiều. Một số địa phương đã bắt đầu hình thành sản xuất nông sản hàng hóa sạch theo chuỗi, được người tiêu dùng trong nước đánh giá tốt và bước đầu tiếp cận với thị trường nước ngoài, cả thị trường đòi hỏi các sản phẩm chất lượng cao như Mỹ, Châu Âu và Úc. Nhưng so với mặt bằng chung của cả nước, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi còn rất nhiều khó khăn. Sự chuyển biến có phần chậm so với các vùng khác về mức sống, về tiếp cận y tế, về giáo dục toàn diện, về dinh dưỡng cho trẻ em.

Đại biểu Đinh Công Sỹ - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La

Đại biểu Đinh Công Sỹ vui mừng vì ngay tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 chương trình này sẽ được Quốc hội thông qua với 10 dự án thành phần. Đại biểu tin rằng những dự án này sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực cho đời sống của người dân. Mục tiêu lớn nhất và quan trọng nhất của chương trình là phải tạo ra được việc làm cho người dân một cách bền vững, thay đổi tư duy canh tác có thu nhập ổn định cho người dân. Rút kinh nghiệm từ cách thức triển khai vận hành các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án đã thực hiện thời gian qua, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục các hạn chế của các chương trình trước đây như dàn trải, phân bổ ngân sách chưa hợp lý giữa chi đầu tư phát triển và chi cho quản lý vận hành dự án, vấn đề giải ngân chậm. Vì thế đại biểu kiến nghị Chính phủ, nhất là Ban soạn thảo chương trình cần cầu thị lắng nghe và tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, tiếng nói từ địa phương và đặc biệt là các chuyên gia để hoàn thiện chương trình này.

Thứ hai, về bảo vệ và phát triển rừng theo Nghị định số 75 ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, theo đó các chính sách, cơ chế theo nghị định này sẽ kết thúc vào cuối năm nay và gia hạn thêm 7 năm, có nghĩa là đến năm 2027 với nhóm chính sách trợ cấp gạo, trồng rừng thay thế nương, rẫy. Qua thực tiễn thực hiện các chính sách theo Nghị định số 75 nhận thấy với 6 nhóm chính sách hỗ trợ qua gần 5 năm thực hiện đã đạt được những thành quả nhất định và đáng ghi nhận. Đại biểu Đinh Công Sỹ phản ánh, qua tiếp xúc cử tri, rất nhiều ý kiến cho rằng mức hỗ trợ còn thấp, chưa thực sự thu hút được các hộ dân và cộng đồng tham gia.

Để bảo đảm tính bền vững và tiếp nối các chính sách, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần sớm có đánh giá và điều chỉnh, bổ sung tăng mức hỗ trợ cũng như phương pháp triển khai. Nếu chính sách này tiếp tục được triển khai trong giai đoạn tới hoặc được lồng ghép vào tiểu dự án 1 của dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 mà Quốc hội đã thảo luận là phát triển kinh tế nông lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đại biểu, làm như vậy không chồng chéo về chính sách, tập trung ngân sách chi cho đầu tư phát triển, gắn kết được sinh kế của người dân với phát huy lợi thế từ rừng trồng, rừng khoanh nuôi. Đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát và nghiên cứu hợp nhất chính sách này. Cùng với sự hỗ trợ trực tiếp thì đồng thời cần có các chính sách thu hút, mời gọi các nhà đầu tư tâm huyết với nông nghiệp, với lâm nghiệp và tìm kiếm thị trường đầu ra cho các sản phẩm của người dân.

Thứ ba, về xây dựng thủy điện vừa và nhỏ. Tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã có Báo cáo số 485 ngày 14/10/2019 về triển khai thực hiện Nghị quyết 62 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác công trình thủy điện. Báo cáo đã chỉ ra rất nhiều lợi ích về mặt kinh tế, hiệu quả xã hội như góp phần vào chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng. Nguồn thu từ các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đã giúp các địa phương có thêm nguồn kinh phí chi cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, việc xây dựng thủy điện vừa và nhỏ từ các giai đoạn trước đây đã để lại những hệ lụy như thay đổi môi trường sinh thái, sự đa dạng sinh học, thay đổi dòng chảy tự nhiên, mất nguồn lợi thủy sản, v.v.. Để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, của người dân và bảo đảm sự quản lý của nhà nước, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong các vấn đề liên quan đến quản lý quy hoạch đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác công trình thủy điện, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát đối với các chủ đầu tư, chấp hành đúng các luật liên quan như bảo tồn đa dạng sinh học, về bảo vệ môi trường, thủy lợi. Đặc biệt là những cam kết của chủ đầu tư với người dân trước khi triển khai dự án.

Về chia sẻ nguồn nước, phát triển thủy điện và nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt ở vùng hạ du. Đồng thời, xem xét về chủ trương giao cho chủ đầu tư dự án thủy điện vừa và nhỏ, quản lý bảo vệ, khoanh nuôi và phát triển rừng ở lưu vực đầu nguồn. Các dự án được trích lại một phần từ nguồn kinh phí dịch vụ, môi trường rừng và tiền lãi phát sinh từ trồng rừng thay thế. Để thực hiện dự án nông, lâm kết hợp với khoanh nuôi, tái sinh và bảo vệ phát triển rừng, sử dụng kinh phí dự phòng được trích tối đa 5% từ tiền dịch vụ môi trường rừng để điều tiết cho các lưu vực có đơn giá thấp hơn lưu vực khác trên địa bàn của các địa phương. Đại biểu Đinh Công Sỹ nhận định, làm như vậy vừa gắn trách nhiệm của chủ đầu tư với các công trình thủy điện cùng với chính quyền địa phương trong việc đầu tư trở lại hạ tầng, an sinh xã hội, đồng thời lại bảo đảm sự công bằng giữa các lưu vực sông.

Bích Lan