ĐBQH LƯU BÌNH NHƯỠNG CHO Ý KIẾN VÀO DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

24/07/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đã đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

 

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu

Đại biểu bày tỏ sự tán thành ý kiến của một số đại biểu cho rằng đây là một luật khó, đồ sộ nhưng hồ sơ rất tốt.

Đi vào cụ thể, đại biểu đóng góp một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về việc tích hợp 7 giấy phép trong 1. Quan điểm của đại biểu cho rằng đây là một chính sách mang tính cách mạng. Tuy nhiên, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đánh giá các nội dung thực hiện cấp một giấy phép môi trường duy nhất này được bao quát đầy đủ, không bỏ sót các hành vi mà theo chính sách này phải được đánh giá, kiểm tra và xử lý nếu có vi phạm, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho quá trình cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý để đảm bảo hiệu quả của chính sách.

Thứ hai, vấn đề bảo vệ môi trường không khí. Đây là một vấn đề chung cho tất cả các lĩnh vực. Đại biểu quan tâm đặc biệt ở 2 lĩnh vực:

Một là, môi trường không khí ở đô thị. Có thể nói đây là khu vực chịu áp lực rất lớn của sinh hoạt cũng như sản xuất, đông dân cư. Về ô nhiễm, vừa qua đại biểu theo dõi trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn luôn giữ vị trí quán quân về chỉ số tím và chỉ số đỏ trong toàn quốc, do ô nhiễm rất nặng về không khí. Đại biểu đề nghị cần phải quy định rõ chính sách bảo vệ môi trường ở các thành phố lớn, khu dân cư, nhất là các khu vực thường xuyên chịu áp lực của ô nhiễm do khói bụi, trong đó cần quy định rõ tỷ lệ trồng rừng, tỷ lệ xây dựng công viên ở các thành phố lớn theo quy hoạch xây dựng. Đề nghị bổ sung vào Điều 13 vấn đề về giải pháp xây dựng và bảo vệ môi trường không khí ở đô thị.

Hai là, khu vực nông thôn và sản xuất nông nghiệp. Hai vấn đề từ trước đến nay cử tri cả nước rất lo ngại và nhiều đại biểu đã phát biểu tại hội trường này, đó là việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu làm ô nhiễm đất và ô nhiễm nguồn nước mặt, các nguồn nước này lại tiếp tục chảy xuống những vùng chúng ta đã sử dụng làm nước sinh hoạt. Đại biểu đề nghị phải có một chính sách riêng về bảo vệ môi trường ở các khu vực đầu nguồn, tiếp tục đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiên trì và tăng cường vấn đề sản xuất và sử dụng các loại phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ để bảo vệ khu vực này.

Ba là, vấn đề trả tiền cho mức độ phát thải, đại biểu tán thành quan điểm này. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần phải nghiên cứu cơ chế giám sát, kiểm tra và thực hiện nhằm đảm bảo công bằng, chính xác. Cần nâng cao ý thức tự giác của người dân, xây dựng văn hóa về môi trường, tăng cường vai trò kiểm soát của các trưởng thôn, trưởng bản, trưởng xóm, khu phố dân cư, làng nghề để thực hiện nghiêm và hiệu quả quy định này. Đại biểu cho rằng điều quan trọng nhất là xây dựng văn hóa, xây dựng đạo đức về môi trường. Con người ta phải biết quý trọng môi trường, phải biết bảo vệ chính bản thân mình, gia đình mình, nòi giống của mình, đất nước của mình, Tổ quốc của mình. Nếu chúng ta không làm được điều này thì dù có Luật môi trường ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quan tâm bổ sung làm rõ hơn chính sách này để báo cáo với Quốc hội./.

Hồ Hương

Các bài viết khác