ĐBQH VŨ THỊ LƯU MAI: CẦN THIẾT PHẢI CÓ CƠ CHẾ ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN TP. ĐÀ NẴNG

29/07/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH tp. Hà Nội băn khoăn về tính hợp lý, khả thi của một số quy định trong dự thảo nghị quyết.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH tp. Hà Nội

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ sự tán thành về sự cần thiết phải có cơ chế đặc thù đối với phát triển thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo nghị quyết, đại biểu băn khoăn với một số điểm như sau:

Thứ nhất, về thứ bậc pháp lý và hình thức văn bản. Hiện nay trên phạm vi toàn quốc có 5 thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù, đó là Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh tổng thể của các quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này, đại biểu nhận thấy có điểm bất hợp lý, đó là đa dạng về chủng loại, nhiều về số lượng và được ban hành rải rác tại các thời điểm khác nhau. Cùng là một vấn đề, tuy nhiên đối với Hà Nội thì vừa có luật, vừa có nghị định, tới đây sẽ có nghị quyết. Đối với Thành phố Hồ Chí Minh đang áp dụng nghị quyết thí điểm. Đối với Hải Phòng, Cần Thơ thì có nghị định. Đối với Đà Nẵng hiện đang có nghị định, tới đây sẽ có nghị quyết. Điều này cho thấy sự thiếu thống nhất về thể thức văn bản và sẽ gây vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Đại biểu cho rằng tình trạng này không nên kéo dài. Tại thời điểm trước mắt, có thể ban hành một vài nghị quyết để áp dụng thí điểm. Tuy nhiên, xét về lâu dài cần rà soát, tổng kết, đánh giá, pháp điển hóa và quy định tại một đạo luật chung. Tất nhiên, sẽ có những chương, mục tương thích với từng thành phố nhưng cần có cơ sở pháp lý ổn định để áp dụng, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Vấn đề thứ hai, hiện nay, các quy định riêng rẽ về các thành phố được áp dụng đều có tên gọi là cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, theo đại biểu, đó không phải là đặc thù khi cả năm thành phố đều căn bản có những chính sách tương tự giống nhau. Đặc thù, đó là phải dựa trên những sự khác biệt về vai trò, vị trí, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và vị trí địa lý để có những chính sách tương thích, phù hợp. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh tổng thể, đại biểu nhận thấy trong lĩnh vực tài chính ngân sách chỉ xoay quanh một số vấn đề cơ bản sau đây:

Thứ nhất, mức huy động vốn vay nước ngoài.

Thứ hai, tỷ lệ điều tiết ngân sách.

Thứ ba, tỷ lệ bổ sung có mục tiêu.

Thứ tư, phí, lệ phí.

Thứ năm, điều chỉnh quy hoạch và một số chính sách khác. Vì vậy, trong thời gian tới, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng cần có sự rà soát để dựa trên những thế mạnh của từng thành phố, đưa ra những quy định đặc thù, tránh áp dụng theo lối mòn, công thức. Như vậy sẽ mất đi ý nghĩa của cái gọi là đặc thù.

Vấn đề thứ ba, về tính hợp lý, khả thi của một số quy định trong dự thảo nghị quyết. Hiện nay tại Chương III có 2 điều và 4 vấn đề liên quan đến chính sách đặc thù cho Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong 4 vấn đề thì đại biểu nhận thấy có 2 vấn đề cần phải cân nhắc lại.

Thứ nhất, về tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố. Nội dung này đã có trong Nghị định số 144 và đã được áp dụng từ năm 2016, Luật Ngân sách nhà nước cũng đã quy định vấn đề này. Nay lại đưa vào áp dụng thí điểm, do vậy đại biểu cho rằng như vậy sẽ ngược về quy trình và hoàn toàn không hợp lý.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến chính sách phí, lệ phí. Hiện nay dự thảo nghị quyết giao cho Đà Nẵng có thẩm quyền ban hành mới các loại phí, lệ phí và điều chỉnh tăng thêm mức phí, lệ phí. Theo đại biểu, quy định này là hoàn toàn phù hợp, nếu như áp dụng tại một thời điểm khác. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, khi xã hội chưa đi qua những tháng ngày dịch bệnh và tới đây người dân thành phố sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để khắc phục hậu quả dịch bệnh COVID-19 thì việc áp dụng chính sách này thực sự rất nhạy cảm và khó khả thi, trong khi đó, thời hạn có hiệu lực của nghị quyết áp dụng thí điểm chỉ có 3 năm, đại biểu lo ngại rằng đến khi hết thời hạn có hiệu lực chưa chắc đã áp dụng được quy định này. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần cân nhắc để xem có đưa vào nghị quyết hay không.

Vấn đề cuối cùng là tính đột phá của các quy định trong dự thảo nghị quyết. Ngoài phần thí điểm về chính quyền đô thị, hiện nay về cơ chế, chính sách đặc thù chỉ có với 2 điều và 4 vấn đề, trong đó các vấn đề hoàn toàn không có gì mới, không có tính đột phá. Đà Nẵng là thành phố có rất nhiều điều đáng tự hào. Năm 2018, Đà Nẵng đã được bình chọn là 1 trong 10 thành phố đáng sống nhất trên thế giới. Tiếp đó, năm 2019 được bình chọn đứng xếp hạng thứ 15 trong 52 điểm con người cần phải đến trên thế giới do tạp chí New York Times bình chọn. Với những lợi thế như vậy, đại biểu cho rằng Đà Nẵng xứng đáng có những bước đột phá. Tuy nhiên, trong dự thảo mới quy định theo hướng lối mòn, theo đó Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có gì thì Đà Nẵng cũng sẽ có những chính sách tương tự. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng mở ra một hướng đi, đó là phát triển kinh tế ban đêm. Đại biểu hoàn toàn tán đồng với hướng đi này. Trên thế giới, kinh tế ban đêm đem lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhiều nước, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều người lao động. Trên thế giới những thành phố được gọi tên là những thành phố không bao giờ ngủ và đối với một thành phố có lợi thế như Đà Nẵng, đại biểu cho rằng đó cũng là một định hướng có thể vận dụng.

Bích Lan