ĐBQH NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG GÓP Ý VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

30/07/2020

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đóng góp ý kiến vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, bởi lẽ chính là phên dậu của quốc gia. Hiện nay phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đang cư trú tại những nơi trọng yếu, vùng xa xôi hẻo lánh, biên giới, hải đảo và nếu không đảm bảo đời sống no ấm, bền vững cho bà con, nếu không chúng ta sẽ mất đi phên giậu sống, mà còn mất đi những giá trị văn hóa không thể đong đếm được. Những khó khăn của Ban soạn thảo khi phải lượng hóa những chỉ tiêu bằng những con số như xóa được bao nhiêu nhà tạm, xây dựng được bao nhiêu trường học, soạn thảo được bao nhiêu bộ tài liệu... Tuy nhiên, quan trọng nhất là những ngôi nhà đó trông như thế nào, có phù hợp với bà con sinh sống ở địa bàn đó hay không? Bối cảnh biến đổi khí hậu hay không, những trường học đó có đảm bảo dạy được chữ dân tộc thiểu số, dạy được tiếng nói dân tộc, dạy được nghề truyền thống của dân tộc đó khi thạo nghề phổ thông hay không thì lại chưa thoát ra được trong dự thảo.


Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương bày tỏ sự băn khoăn khi đọc đến các mục tiêu của dự án 1 bởi cụm từ “đạt tiêu chuẩn ba cứng” chung chung có thể là những mái nhà cấp bốn, mái tôn, mái bằng, vách bê tông thay dần cho những mái nhà rông, những căn nhà sàn, nhà đất trên lưng dốc, trên đồi. Không biết những ngôi nhà truyền thống dân tộc còn có hay không và có thể mất hẳn kiến trúc đặc thù của dân tộc. Ngoài ra, trong dự án 5 chưa thấy nói đến việc bắt buộc dạy trẻ dân tộc thiểu số, tiếng nói và chữ viết dân tộc liệu đã đúng hay chưa khi chúng ta cho trẻ người dân tộc thiểu số cắp sách đến trường để học tiếng Kinh qua những câu chuyện cũ của người Kinh do cô giáo người Kinh dạy. Ước tính trên thế giới có 40% ngôn ngữ đang có nguy cơ biến mất dưới tác động của toàn cầu hóa và điều đó đồng nghĩa với việc biến mất của nhiều dạng văn hóa phi vật thể. Nếu chúng ta can thiệp không dựa trên nền tảng và quan điểm văn hóa thì quá trình sẽ trở thành Kinh hóa người dân tộc thiểu số, miền núi. Hệ quả là bảo tồn gen của người dân tộc thiểu số nhưng không bảo tồn được nguồn văn hóa của cha ông.

Khi nói đến phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi là nói đến cơ hội để phát triển bình đẳng giới, thúc đẩy bình đẳng giới phụ nữ dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng dân số, bộ phận dân cư này. Nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số là tạo điều kiện để cải thiện giống nòi của thế hệ dân tộc thiểu số tương lai. Bên cạnh đó, người mẹ là người trao quyền những giá trị văn hóa cho con. Khi những người mẹ được giáo dục, được chăm lo tốt, có cơ hội để nâng cao vị thế xã hội, họ sẽ kiến tạo nên những thế hệ tương lai dân tộc thiểu số đầy triển vọng. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị bổ sung vào chương trình mục tiêu quốc gia quy định rõ tỷ lệ phần trăm người dân tộc thiểu số và miền núi được ưu tiên vào chế độ đào tạo, bồi dưỡng, tham gia vào các hoạt động hướng nghiệp là phụ nữ. Đảm bảo tỷ lệ phụ nữ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, đặc biệt là trong quá trình mang thai và sinh nở. Bổ sung tiêu chí tỷ lệ phần trăm tối thiểu phụ nữ tham gia các cuộc họp cấp thôn, lựa chọn công trình chính sách hỗ trợ và tỷ lệ phần trăm tối thiểu phụ nữ đồng ý lựa chọn cho các công trình ưu tiên đầu tư để đảm bảo yếu tố cân bằng giới trong các chương trình hưởng lợi từ các công trình phúc lợi xã hội. Ngoài ra cần chú trọng đến vai trò của phụ nữ thiểu số trong quá trình khởi nghiệp từ ngành nghề truyền thống, bởi họ chính là những nghệ nhân dân gian, nắm bắt ý kiến, biểu quyết thủ công những giá trị văn hóa phi vật thể.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, thực tế kiến nghị ngân sách đầu tư là đúng nhưng hàm chứa rất nhiều yếu tố bất khả thi, vì ngân sách không phải tỉnh nào cũng có để bố trí đạt yêu cầu. Ngân sách quốc gia thường có những biến động đột biến nên thiếu hụt nguồn thu, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 xảy ra. Trong lúc chương trình, đề án, nhiệm vụ nào cũng quan trọng như hiện nay. Vì vậy, muốn có giải pháp bền vững cần có chế độ xã hội hóa, dựa vào nguồn lực của cộng đồng để thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, hệ thống ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng chính sách đang tiếp cận lòng dân, đóng góp vai trò quan trọng trong xóa đói giảm nghèo với bước đi chủ động, vững chắc. Do đó, cần bổ sung nguồn vốn và tạo cơ hội, phát huy vai trò của ngân hàng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hạn chế sự ỷ lại do nguồn lực xã hội hóa đổ về đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, chỉ mang tính thụ hưởng, khắc phục tình trạng các nhóm thiện nguyện đều tự phát để đến cho đồng bào những món quà vật chất, rồi đi mà không quan tâm rằng, chính họ đang góp phần làm mất bản sắc của người dân tộc.

Người dân tộc thiểu số đang thưa vắng dần những bộ quần áo truyền thống, với văn hóa, họa tiết thể hiện bản sắc từ ngàn đời. Họ xuất hiện tâm lý ỷ lại bởi cách cho chưa đúng. Vì vậy, bên cạnh huy động nguồn lực từ ngân sách, Ban soạn thảo cần nghiên cứu và quy định rõ Chương trình mục tiêu quốc gia, cơ chế để lập ra những tổ chức, những nguồn quỹ từ các Tổ chức phi Chính phủ để huy động nguồn lực từ cộng đồng. Chúng ta cần phải xác định nguồn lực cộng đồng không phải chỉ là vài bộ quần áo, vài giếng khoan hay ngôi nhà chống lũ. Nguồn lực cộng đồng phải là những dự án văn hóa, dự án khởi nghiệp, giáo dục để trẻ em dân tộc thiểu số có khát khao vươn lên, thoát nghèo, có khả năng kết hợp được tài nguyên, nguồn lực của họ với xu thế toàn cầu hóa để nhằm tạo ra sản phẩm có thương hiệu toàn cầu.

Câu chuyện về chàng trai người Mông Khang A Tủa, từ một cậu bé dân tộc nghèo đã được học bổng của Đại học Fulbright và quay trở lại giúp nhiều trẻ em bằng những dự án giáo dục, giúp những người phụ nữ Mông bán hàng thủ công để hoàn thành những ước mơ nuôi con đi học. Từ câu chuyện trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương tâm đắc với câu nói của chàng trai: “Em nghĩ vùng cao chưa cần xây dựng thêm trường nữa, vì trường học ở vùng cao có lẽ đã tương đối đầy đủ, chúng ta cần xây dựng người dạy và xây dựng cách dạy nhiều hơn". Vì vậy, chương trình mục tiêu quốc gia phải tích hợp về một đầu mối, tránh chia rẽ và hạn chế những vấn đề gì xảy ra trong thời gian qua./.

Bích Lan