ĐBQH PHẠM VĂN HÒA: CẦN CÓ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN TÁI ĐÀN LỢN

25/08/2020

Tại phiên họp Quốc hội về các vấn đề kinh tế - xã hội, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng nhà nước cần có các giải pháp để kích thích tái đàn lợn do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi.

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19, mức tăng trưởng GDP những tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 3,8%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây; xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn; du lịch, các dịch vụ khác sa sút nghiêm trọng; sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh, nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc chỉ cầm chừng; công nhân thất nghiệp; tín dụng tăng chậm; nguy cơ nợ xấu gia tăng; thu ngân sách năm 2020 khó có khả năng đạt chỉ tiêu; bội chi ngân sách nhà nước dự báo tăng nhiều. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, sạt lở, xâm nhập mặn ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long rất nghiêm trọng, xâm hại rừng tiếp tục, không giữ rừng, bảo kê, cho vay nặng lãi, tín dụng đen, bệnh thành tích trong xây dựng nông thôn mới, trục lợi chính sách trong dịch bệnh, ma túy, khiếu kiện đông người rất gay gắt, nhất là các kỳ họp của Trung ương, của Quốc hội. Mặc dù không phải phổ biến nhưng cũng rất đáng quan ngại, gây lo lắng trong nhân dân.

Từ những đánh giá kết quả thời gian qua và những thách thức trong thời gian tới, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng vấn đề quan trọng hàng đầu là phục hồi nền kinh tế, ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân, tạo công ăn việc làm, kích cầu tiêu dùng. Đại biểu nhất trí với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phương châm đặt ra là không lùi bước trước khó khăn. Mọi cấp, mọi ngành phải có tinh thần cương quyết, có giải pháp cụ thể để đưa nền kinh tế vượt lên, đạt mục tiêu cao nhất của năm 2020. Đồng ý với những giải pháp cụ thể của Chính phủ như trong báo cáo, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất thêm một số vấn đề như sau:

Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu trước Quốc hội.

Đại biểu cho biết, vấn đề hạ tầng giao thông ở đồng bằng sông Cửu Long còn gặp nhiều khó khăn đã được các đại biểu Quốc hội đề cập nhiều lần. Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã cầu thị, tập trung đầu tư, nhân dân trong vùng rất trân trọng, mơ ước vùng sớm có những đoạn đường cao tốc để kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, phát triển kinh tế - xã hội. Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang đẩy nhanh tiến độ, đến cuối năm có khả năng sẽ được thông tuyến là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23km đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2016 đến nay có nguy cơ chậm lại, như vậy sẽ khó kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh. Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án được liên thông toàn tuyến bằng phương thức đầu tư công, bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát và quản lý có hiệu quả.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nguy cơ thiếu nước trong sinh hoạt sẽ xảy ra trong thời gian tới, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của gần 20 triệu dân trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ nghiên cứu tổ chức quy hoạch vùng hồ trữ nước để khi hạn hán xâm nhập mặn xảy ra có lượng nước ngọt cần thiết để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Quy hoạch xây dựng hồ trữ nước sẽ bị mất không nhỏ diện tích đất nông nghiệp cho sản xuất, do vậy đại biểu đề nghị Chính phủ có hỗ trợ cần thiết. “Đầu tư công tốn kém ngân sách nhưng Chính phủ cũng phải nghiên cứu trong vấn đề này”, đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị.

Ngoài ra, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn lợn trong nước, vì sau khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, nhiều địa phương mất trắng đàn lợn, đến nay muốn đi tái đàn nhưng vẫn thiếu vốn, không có giống chất lượng. Các doanh nghiệp lớn không muốn cung cấp giống cho thị trường, nếu có thì giá lợn cao ngất ngưởng, không thể đến tay người chăn nuôi. “Nếu có sự hỗ trợ của nhà nước, tôi tin rằng cuối năm đến đầu năm 2021, đàn lợn trong nước sẽ được phục hồi trở lại như trước khi có dịch và sẽ không bị áp lực. Giá lợn tăng cao không bị các doanh nghiệp găm hàng để khống chế giá thị trường, mặc dù Chính phủ có nhiều giải pháp kéo giá xuống”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, trong báo cáo của Chính phủ, quyết tâm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các lĩnh vực công là rất cần thiết, tuy nhiên chưa đề cập đến lĩnh vực chống lãng phí ở khu vực xã hội, người dân. Ví dụ, mỗi năm nước ta tổ chức nhiều lễ hội, mỗi địa phương thi nhau tổ chức, mặc dù Thủ tướng có chỉ đạo nghiêm không được dùng ngân sách nhà nước vào việc tổ chức lễ hội, các địa phương chấp hành rất nghiêm, nhưng thực tế dường như đã trở thành phong trào, nhiều địa phương đã tích cực huy động nguồn lực, tiền của xã hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tổ chức lễ hội, có nơi tổ chức hoành tráng. “Nếu như số tiền huy động để tổ chức lễ hội giảm đi mà tài trợ cho làm cầu, đường nông thôn, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, cho an sinh xã hội thì sẽ giảm tải cho ngân sách nhà nước trong lĩnh vực này”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định.

Hồ Hương