ĐBQH BÙI VĂN CƯỜNG ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG CAO TỐC ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TÂY NGUYÊN

25/08/2020

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, đại biểu Bùi Văn Cường – đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra nhiều giải pháp để phục hồi nền kinh tế đất nước sau đại dịch, cũng như để thúc đẩy kinh tế vùng Tây Nguyên.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Bùi Văn Cường cho biết, vừa qua do đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới suy giảm âm 5,2%, các đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nặng nề như EU tăng trưởng âm 9,1%, Mỹ tăng trưởng âm 6,1%, Trung Quốc tăng trưởng dương 1%. Các nước đều tung ra những gói cứu trợ rất lớn để đối phó với tình hình suy giảm kinh tế do dịch bệnh. Theo đại biểu, trong bối cảnh đó, nước ta cần phải có sự điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho phù hợp, trong đó có bội chi, nợ công, tạo cầu, kích thích nền kinh tế. Đồng thời, đưa ra các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế. Cần phân cấp, ủy quyền mạnh hơn để có những quyết sách linh hoạt, kịp thời trong bối cảnh mới. Đi liền với đó là trách nhiệm giải trình cụ thể, rõ ràng.

Để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn vừa qua, Chính phủ đã sớm thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp, chính sách, trong đó bao gồm cả tài khóa và tiền tệ như gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng. Đặc biệt, gói hỗ trợ kinh tế 62.000 tỷ đồng đang hỗ trợ kịp thời cho người lao động, người yếu thế và doanh nghiệp. Đại biểu đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế những tháng đầu năm 2020, đặc biệt mức tăng trưởng quý I của nước ta là 3,82%, cao nhất trong khu vực, trong khi nhiều nước trên thế giới tăng trưởng âm. Đại biểu Bùi Văn Cường bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao 5 mũi giáp công mà Chính phủ đưa ra để thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa. "Tôi đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp cụ thể hóa hơn nữa để thúc đẩy mạnh mẽ 5 mũi giáp công đó", đại biểu Bùi Văn Cường nói.

Về động lực để thúc đẩy tăng trưởng, đại biểu cho rằng có 2 vấn đề cần tập trung chỉ đạo triển khai.

Đầu tiên là nhanh chóng sửa đổi, hoàn thiện những bất cập, vướng mắc về thể chế pháp luật, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, hướng tới những chuẩn mực của OECD.

Tiếp đó là phát triển những cơ sở hạ tầng chiến lược, đầu tư những yếu tố nền tảng để phát huy tiềm năng, lợi thế vượt trội của các vùng kinh tế. Đại biểu Bùi Văn Cường cho rằng, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội vô cùng lớn để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư và chuỗi giá trị toàn cầu vào Việt Nam.

Đại biểu Bùi Văn Cường - đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu trước Quốc hội.

"Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft, Google đang thực hiện kế hoạch tìm đến các địa điểm tiềm năng ở Việt Nam, Quốc hội cần đồng hành cùng Chính phủ có hành động sớm để chớp lấy thời cơ hiếm hoi này", đại biểu Bùi Văn Cường khẳng định..

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, Chính phủ cần dành nguồn lực cho phát triển hạ tầng kết nối, bởi nhu cầu tập trung nguồn lực cộng hưởng, lan tỏa các lợi thế phát huy tối đa các tiềm năng để nâng cao lợi thế cạnh tranh, cho thấy rõ tầm quan trọng của việc liên kết vùng.

“Tôi xin lấy Tây Nguyên để minh họa cho đề xuất này. Tây Nguyên có đến 2 triệu hecta đất bazan màu mỡ, tương đương với 60% diện tích đất bazan cả nước, rất phù hợp với những cây công nghiệp như cao su, cà phê, ca cao, hồ tiêu, v.v..

Đây đều là những cây công nghiệp quan trọng của Việt Nam, đã xuất khẩu và giữ được thị phần lớn về kim ngạch trên thế giới. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là xuất thô, giá trị gia tăng thấp do thiếu vắng các nhà đầu tư vào công nghiệp chế biến, trong khi vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là trung tâm công nghiệp.

Đặc biệt nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, nơi có sẵn các hạ tầng chiến lược như sân bay, cảng biển quốc tế kết nối vào mạng lưới sản xuất và tiêu thụ toàn cầu. Điều quan trọng là cần một chất keo dính để kết dính các lợi thế này với nhau, đó chính là các cơ chế, chính sách khuyến khích và cơ sở hạ tầng liên kết vùng”, đại biểu Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Theo đại biểu, sự kết nối này không chỉ mang lại cơ hội lớn hơn cho các tỉnh Tây Nguyên mà còn làm gia tăng giá trị cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của vùng kinh tế động lực phía Nam, đóng góp lớn hơn và phát triển kinh tế của đất nước.

Bên cạnh đó, Tây Nguyên còn là kho tàng văn hóa phi vật thể khổng lồ, đặc sắc và huyền bí, rất ít các cao nguyên trên thế giới có được. Du lịch Tây Nguyên rất giàu tiềm năng với các tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa độc đáo, khí hậu mát mẻ, nhưng hiện nay du khách đến với Tây Nguyên còn rất khiêm tốn. Những hạn chế nêu trên trong phát triển phần lớn do khó khăn trong kết nối của Tây Nguyên với phần còn lại của đất nước. Đặc biệt, Tây Nguyên cần đóng vai trò lớn hơn đối với đất nước về phát triển kinh tế, văn hóa và môi trường sinh thái. Theo đại biểu, cách thức quan trọng nhất để đảm bảo an ninh cho Tây Nguyên là phải phát triển kinh tế Tây Nguyên bền vững. Mong muốn của Đảng, Nhà nước là quan tâm nhiều hơn nữa đến sinh kế của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Từ thực tế đó, đại biểu đề xuất hai vấn đề:

Một là cần dành nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt quan trọng là cơ sở hạ tầng giao thông và viễn thông. Đây sẽ là những đại lộ để đưa Tây Nguyên đóng vai trò lớn hơn về kinh tế với đất nước, để rút ngắn thời gian giao thương giữa các địa phương trong vùng Tây Nguyên với các vùng lân cận. Nếu có 3 tuyến cao tốc Đắk Lắk - Khánh Hòa, Đắk Nông - Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai - Bình Định thì Tây Nguyên sẽ phát triển mạnh mẽ.

Hai là, đầu tư để phục hồi, tái tạo và giữ gìn màu xanh của đại ngàn Tây Nguyên. Bảo vệ môi trường sinh thái, làm giàu thêm tài nguyên du lịch, tăng tính cạnh tranh, tạo sự hấp dẫn của Tây Nguyên với du khách, các nhà đầu tư. Đại biểu Bùi Văn Cường đề nghị Quốc hội, Chính phủ có cơ chế, chính sách phục hồi và bảo vệ phát triển rừng gắn với sinh kế của người dân. "Làm tốt hai việc này cùng với việc tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn mới chắc chắn sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế của Tây Nguyên, đưa vùng đất này phát triển nhanh cùng cả nước trong giai đoạn mới", đại biểu Bùi Văn Cường nói. 

Hồ Hương