ĐBQH NGUYỄN THANH THỦY: CHÍNH PHỦ CẦN CÓ GIẢI PHÁP KIỂM SOÁT GIÁ CÁC MẶT HÀNG THIẾT YẾU

26/08/2020

Nêu kiến nghị tới Nghị trường Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) cho biết cử tri và nhân dân rất bức xúc việc kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, đồng thời kiến nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những hạn chế trên hiệu quả hơn trong thời gian tới.

 

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu góp ý về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020 tại Kỳ họp thứ 9.

Phát biểu góp ý về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020 tại Kỳ họp thứ 9, ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy cho biết, từ sự phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực, đa số cử tri và nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Quốc hội, của Chính phủ trong thời gian qua đã kịp thời điều chỉnh các hoạt động xã hội và phát triển kinh tế - xã hội phù hợp. Thành công của Việt Nam trong nhiệm kỳ qua đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, khẳng định sự đổi mới và hoạt động hiệu quả của Quốc hội và khẳng định một Chính phủ hành động liêm chính, phục vụ vì nhân dân đã và đang được chứng minh rõ nét trên nhiều lĩnh vực; được nhân dân tin tưởng, chung sức, chung lòng, vượt qua mọi khó khăn và cộng đồng quốc tế luôn ủng hộ tín nhiệm cao.

Góp ý vào nhiệm vụ và phát triển thực hiện trong thời gian tới, ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy phản ánh một số bức xúc, kiến nghị của cử tri:

Thứ nhất, về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy đánh giá cao trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trong việc tham mưu cho Chính phủ có nhiều chính sách và giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu lĩnh vực, ngành, tạo mọi điều kiện để các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nâng cao giá trị sản phẩm và xuất khẩu được nhiều thị trường các nước trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều năm qua cử tri và nhân dân vẫn còn rất bức xúc việc kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân chưa tốt. Thực tế, không chỉ giá thịt heo nhảy múa bất thường theo nhịp tăng liên tục trong thời gian gần đây, mà còn nhiều mặt hàng khác Chính phủ chưa kiểm soát được giá, chưa có biện pháp xử lý nghiêm những hành vi gom hàng, thao túng giá, trốn thuế,..

Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy, vẫn biết chúng ta phải tuân thủ quy luật thị trường, trong đó có quy luật cung cầu, song, cử tri và nhân dân rất cần vai trò chi phối, điều tiết, quản lý kịp thời, thông suốt và hiệu quả hơn nữa của Chính phủ và chính quyền các cấp, các ngành. Nhiều câu hỏi đặt ra vẫn chưa có lời giải đáp như vì sao khâu lưu thông hàng hóa, nhất là khâu tổ chức đầu mối thu mua, bảo quản, trung chuyển và hệ thống bán lẻ vẫn ì ạch và bị tư thương thao túng, ép giá làm khổ bao người dân sản xuất nông nghiệp? Vì sao miếng thịt đến tay người tiêu dùng bị đội giá lên nhiều lần? Bởi qua rất nhiều khâu trung gian. Vì sao người tiêu dùng luôn hoài nghi, bất an vì sợ mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng? Cử tri kiến nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những hạn chế trên hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Thứ hai, về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy cho rằng, điểm nổi bật là Chính phủ đã kiểm soát tốt nguồn chi, trong đó giảm dự toán chi thường xuyên, tăng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2018. Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy còn băn khoăn việc kiểm soát bội chi ngân sách địa phương chưa tốt, chưa nghiêm theo Luật Ngân sách nhà nước. Tại Phụ lục số 5 của dự thảo nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 cho thấy vẫn còn 8/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bội chi ngân sách địa phương có tỷ lệ % lên đến 2 con số tức là từ khoảng 14% đến 28%, cá biệt tỉnh Bình Dương bội chi 100% dẫn đến nợ tỷ lệ nợ vay ngân sách chiếm tới 228,2%. Câu hỏi đặt ra là vì sao 55/63 tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm theo Luật Ngân sách? Còn 8 tỉnh, thành phố khác, đặc biệt là có một số tỉnh, thành phố lớn thì không thực hiện nghiêm. Vậy trách nhiệm người đứng đầu các tỉnh, thành này như thế nào? Có phải vẫn tồn tại cơ chế xin cho không? Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính có giải trình làm rõ thêm.

Thứ ba, về thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hiện các kết luận của Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước theo Chỉ thị số 33 của Thủ tướng Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy cho biết, tính đến thời điểm 31/12/2019 báo cáo Chính phủ cho thấy số tổ chức đã xử lý theo kết luận chiếm 93,71%, các trường hợp cá nhân bị xử lý đạt 98,95%. Số liệu này cho thấy công tác kiểm tra, giám sát, thực thi công vụ và kiểm soát đầu tư công luôn được chú trọng, đạt nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên mức độ xử lý vi phạm chủ yếu là kiểm điểm, rút kinh nghiệm, thu hồi tiền ngân sách chiếm trên 90%. Tỷ lệ trên là chưa thuyết phục, chưa bảo đảm tính răn đe, ngăn ngừa vi phạm.

Đáng lưu ý là Bộ Xây dựng có tới 27 đơn vị trực thuộc bị Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lý vi phạm và kết quả là hiện có 26/27 đơn vị cũng đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm, thu hồi đủ kinh phí về ngân sách nhà nước. Vấn đề đặt ra có phải do phần lớn chỉ là kiểm điểm, rút kinh nghiệm nên tiếp tục dẫn tới vụ việc 9 người của Thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt quả tang nhận hối lộ khi đang thi hành công vụ, gây xôn xao dư luận trong thời gian qua hay không? Đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng có giải trình làm rõ để cử tri và nhân dân được biết./.

Thế Hà