ĐBQH TRẦN ĐÌNH GIA: CỬ TRI ĐỒNG THUẬN VỚI CHỦ TRƯƠNG SẮP XẾP CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ

26/08/2020

Phát biểu thảo luận tại Hội trường Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Trần Đình Gia (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, qua tiếp xúc, cử tri đánh giá cao Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

 

ĐBQH Trần Đình Gia (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh).

Theo ĐBQH Trần Đình Gia, trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, chúng ta triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong điều kiện dịch bệnh nhưng đã đạt được những kết quả rất là quan trọng. Trong đó, việc thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một nhiệm vụ rất khó, nhưng được sự đồng lòng của nhân dân, sự vào cuộc của hệ thống chính trị cho nên đã thực hiện rất tốt, được cử tri đánh giá là một chủ trương đem lại hiệu quả thiết thực.

Qua sắp xếp, chúng ta đã giảm được 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 545 đơn vị hành chính cấp xã và đánh giá cao nhất là trong kỳ đại hội vừa qua, các đơn vị hành chính sáp nhập được đảng viên và cán bộ đồng tình rất cao. Có nhiều đồng chí sau sáp nhập ở những đơn vị sáp nhập 2-3 xã nhưng kết quả bầu cử nhiều đồng chí trúng cử với tỷ lệ 100%, điều đó thể hiện sự tin tưởng của cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, theo ĐBQH Trần Đình Gia, sau việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, vẫn còn một số việc phải quan tâm để chủ trương này hoàn thiện:

Thứ nhất là phải thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ dôi dư sau sáp nhập.

Thứ hai là cần có kế hoạch để là tăng cường cơ sở vật chất ở những trung tâm hành chính mới nhằm tạo thuận lợi hơn cho nhân dân trong giao dịch và có kế hoạch xử lý những tài sản dôi dư, dư thừa như trụ sở, trường học,...

Thứ ba, khi kết hợp sáp nhập xã là phải sáp nhập trường học, trạm xá và các tổ chức liên quan để cho đồng bộ.

Về chủ trương thực hiện Đề án số 106 của Bộ Công an về việc đưa công an chính quy về xã, ĐBQH Trần Đình Gia khẳng định, đây là một chủ trương rất đúng đắn. Khi có công an chính quy về xã, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các xã nông thôn được tăng cường rất đáng kể, cán bộ nhân dân rất tin tưởng lực lượng công an chính quy. Nhưng sau khi thực hiện nhiệm vụ công an chính quy về xã thì cũng nảy sinh một việc, đó là công an xã. Lực lượng công chức công an được đào tạo ít nhất là trung cấp công an, lại học trung cấp chính trị, ít nhất đã dành thời gian mất 4 năm học, sau sáp nhập thì sắp xếp công an chính quy vào vị trí nào là rất khó.

Theo ĐBQH Trần Đình Gia, nếu bố trí những người đã học công an mà làm công chức tư pháp cũng là điều kiện có thể thực hiện được. Do đó đề nghị các cấp, ngành sớm có chủ trương, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong bố trí cán bộ.

Liên quan đến việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê, ĐBQH Trần Đình Gia cho biết, qua nhiều kỳ họp Quốc hội đã có nhiều ý kiến của ĐBQH về khai thác mỏ sắt Thạch Khê. ĐBQH Trần Đình Gia mong rằng Chính phủ sớm có kết luận để nhân dân ổn định cuộc sống, xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đảm bảo có một sự thống nhất. Đây cũng là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền cũng như của nhân dân Hà Tĩnh./.

Thế Hà