GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: XỬ PHẠT VI PHẠM GIAO THÔNG BẰNG HÌNH ẢNH TỪ MẠNG XÃ HỘI

27/08/2020

Bộ Công an đã ban hành Thông tư 65/2020 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT. Theo đó tại điều 24 thông tư 65 quy định, từ ngày 5-8, CSGT sẽ tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

Thực tế, thông tư 65 không phải thông tư đầu tiên quy định việc CSGT được dùng hình ảnh do người dân cung cáp để xử phạt. Mà trước đó tại Nghị Định 100/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019 cũng có quy định Hình thức xử phạt này được quy định cụ thể tại khoản 11 Điều 80 như sau:

Người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng các thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông quy định tại Nghị định này.

Những kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị (không phải là phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ) do cá nhân, tổ chức cung cấp sẽ được chuyển hóa thành các chứng cứ để xác định vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

So với quy định trước đây, Thông tư 65 đã bổ sung thêm nguồn tin từ phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội làm căn cứ. Việc xây dựng các trang tương tác của người dân đối với lực lượng CSGT đã giúp lực lượng chức năng nhận được nhiều hình ảnh, clip đồng thời triển khai thí điểm xử lý một số hành vi gây nguy cơ cao dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông như: Lạng lách, đánh võng; đi vào làn đường, phần đường sai quy định…

Thiếu tá Đào Việt Long - Phó Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội

Thiếu tá Đào Việt Long - Phó Trưởng phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội đánh giá “Thông tư 65/2020 ra đời là hành lang pháp lý để lực lượng CSGT có thể sử dụng những hình ảnh trên mạng xã hội, được người dân cung cấp làm cơ sở để xác minh, xử lý vi phạm. Qua đó sẽ tăng cường sự phối hợp và tương tác của người dân đối với lực lượng CSGT. Điều này được nhân dân rất ủng hộ”

Thực tế, thời gian qua đã có nhiều trường hợp gây tai nạn rồi bỏ chạy, và khi người dân cung cấp thông tin từ camera gia đình hay camera hành trình đã giúp ích rất nhiều cho lực lượng CSGT trong việc xác minh làm rõ phương tiện và người điều khiển. Thông tư 65 có hiêu lực  sẽ tạo hành lang pháp lý giúp lực lượng chức năng xử lý những người cố tình vi phạm pháp luật.

Thông tư cũng quy định rõ, để tránh tình trạng thông tin không chính xác, bị làm giả, CSGT sẽ trưng cầu giám định thông tin, hình ảnh và các tài liệu liên quan. Tổ chức, cá nhân khi ghi nhận, đăng tải thông tin, hình ảnh sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin đã cung cấp. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ làm việc trực tiếp với tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời gửi văn bản đến cơ quan báo chí, cá nhân đã đăng tải đề nghị cung cấp thông tin sự việc. Tổ chức, cá nhân khi ghi nhận, đăng tải hoặc cung cấp thông tin, hình ảnh cho cơ quan công an sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin đã cung cấp. Trường hợp thông tin, hình ảnh có dấu hiệu làm giả, vụ việc sẽ được chuyển sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Xử lý người vi phạm

Tiến sĩ Phan Lê Bình – Chuyên gia JICA cho rằng người dân khi gửi những clip đến cho các cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm về những điều mình cung cấp. Và khi tiếp nhận thông tin các cơ quan chức năng cần xem xét xem clip đó có bị cắt gọt chỉnh sửa hay không? Ngày tháng địa điểm có khớp hay không? Cần phải kiểm tra kỹ càng để tránh các trường hợp oan sai.

Có thể nói, sự ra đời của thông tư 65 là cần thiết, nhưng đa số các quy định pháp luật mới, người dân vẫn còn nhiều băn khoăn và lo lắng. Vậy thông tư 65 có hiệu lực sẽ tạo thêm những thuận lợi gì cho người dân cũng như lực lượng CSGT? Nếu người dân cung cấp hình ảnh, phản ánh không đúng thì chế tài xử phạt sẽ được thực hiện như thế nào? Phóng viên Cổng thông tin Điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Chiến – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

ĐBQH Nguyễn Chiến – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Phóng viên: Việc xử phạt lỗi của người tham gia giao thông qua hình ảnh không phải là mới, được biết lực lượng CSGT cũng đã áp dụng hình thức này trước đây và đã xử lý được rất nhiều trường hợp vi phạm. Việc thông tư 65 có hiệu lực sẽ tạo thêm những thuận lợi gì cho người dân cũng như lực lượng CSGT thưa đại biểu?

ĐBQH Nguyễn Chiến – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Thực hiện quy định của Pháp luật liên quan đến trật tự an toàn giao thông thì chính phủ đã ban hành nghị định 100/2019 trong thời gian qua đã có kết quả rất tốt và được người dân đồng tình ủng hộ. Theo đó để thực hiện chức năng quản lý về vấn đề trật tự an toàn giao thông cũng như xử phạt về vi phạm hành chính có liên quan thì Bộ Công an có ban hành thông tư 65/2020 và thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/8. Khi thông tư này ra đời đã 1 bước nữa cụ thể hóa để xử lý triệt để các hành vi vi phạm mà bắt đầu từ sự phát hiện của người dân, thông qua những video clip, những hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội. Vấn đề ở đây đặt ra là cơ sở pháp lý để xác định được tính xác thực của những thông tin này. Để từ đó cung cấp cho các cơ quan chức năng có căn cứ có cơ sở để xử lý các vi phạm thông qua hình ảnh này. Tôi cho rằng đây cũng là cách làm mới và cụ thể hóa để xử lý những mối quan hệ pháp luật và mối quan hệ xã hội phát sinh mà trong đó phản ánh những vi phạm gây mất trật tự an toàn giao thông. Tôi cho rằng thông tư 65 là bước tiến và phát huy được trách nhiệm của mỗi người dân trước sự vi phạm của một số chủ thể tham gia giao thông có hành vi vi phạm

Phóng viên: Nếu người sử dụng phương tiện khi vi phạm lại không phải là chủ phương tiện, khi mua xe cũ, nhưng hành vi vi phạm luật giao thông lại xảy ra trước khi họ mua xe, sang tên, đổi biển số xe đó, đặc biệt khi đó là một doanh nghiệp vận tải có hàng trăm ô tô và thuê hàng trăm người lái thì phải xử lý thế nào thưa ông?

ĐBQH Nguyễn Chiến – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Theo quan điểm của các chuyên gia luật và theo thực tiễn hoạt động nghề cũng như về nguyên tắc của pháp luật thì rõ rang là nếu như nhũng xe chính chủ thì việc xử lý vi phạm sẽ dễ hơn một chút. Nhưng đối với xe đã chuyển nhượng nhưng không có việc sang tên đổi chủ hoặc cơ quan xử lý vi phạm không có xác đinh được ngay xe chính chủ hay không chính chủ thì việc này cần căn cứ vào quy trình về xử lý vi phạm hành chính. Để từ đó có bước xác định xe có hành vi vi phạm chủ sỡ hữu là ai để từ đó có thể xử phạt hành vi vi phạm đúng đối tượng, như vật thông tư 65 có mang tính khả thi. Còn nếu như 1 chủ sỡ hữu khi chuyển nhượng hay là 1 tổ chức sở hữu nhiều xe chuyển nhượng mà chưa kịp sang tên đổi chủ thì sẽ có giải pháp là căn cứ vào đăng ký xe là chủ sở hữu nhưng đã chuyển nhượng từ thời điểm ngày tháng năm nào để xác định quyền chuyển sở hữu qua giấy tờ chuyển hợp đồng với thời điểm vi phạm. Khi đó sẽ xác định được lúc đó còn đang thuộc quyền sở hữu hay đã chuyển sang sở hữu mới và vi phạm là ai để có thể xử lý vi phạm.

Phóng viên: Nếu người dân cung cấp hình ảnh, phản ánh không đúng thì chế tài xử phạt sẽ được thực hiện như thế nào thưa đại biểu?

ĐBQH Nguyễn Chiến – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tất cả các hành vi liên quan đến cung cấp thông tin, hình ảnh để xử lý hành vi vi phạm thì về nguyên tắc người cung cấp phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp nội dung hoặc căn cứ để xác định 1 người khác vi phạm. Điều này cũng giống với quy định của pháp luật về tố cáo. Rõ ràng khi có hành vi cung cấp thông tin hình ảnh đển cơ quan chức năng để xử lý vi phạm cũng giống như việc có đơn tố cáo một người khác vi phạm pháp luật. Theo quy định của pháp luật thì phải có nội dung có căn cứ và phải chịu trách nhiệm về tố cáo đó. Vậy thì thông tin, hình ảnh của một người thu thập được thì cơ quan chắc năng phải biết nguồn gốc và tính xác thực của thông tin đó. Chứ không phải là một thông tin mà copy hay cắt dán, bớt xén để cung cấp, như vậy là không khách quan.

Do vậy, điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng có trách nhiệm tiếp nhận hành vi đó và xác định tính thiết thực của thông tin. Đồng thời pháp luật cũng quy định người cung cấp thông tin, hình ảnh để cơ quan chức năng có căn cứ xử lý thì nguời ta cũng phải đảm bảo rằng thông tin đó là họ thu thập được ở đâu, nguồn gốc như nào, và khi cung cấp như vậy họ có chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin được hay không? Dĩ nhiên nếu họ cố tình tạo dựng thông tin sai sự thật như cắt dán, lắp ghép để nhằm mục đích động cơ cá nhân thì chúng ta đã có luật về An ninh mạng. Có chế tài về cung cấp thông tin tố cáo sai sự thật thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu không đúng, cơ quan chức năng có quyền xử lý những vi phạm đó theo  quy định của pháp luật.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Trước tình hình tai nạn giao thông ngày một gia tăng, nhất là người điều khiển phương tiện vẫn chưa nghiêm túc chấp hành Nghị định số 100/2019 của Chính phủ, việc Thông tư 65 được ban hành là thật sự cần thiết đối với tình hình thực tế hiện nay. Thông tư 65  được kỳ vọng sẽ góp phần chấm dứt những hành vi coi thường pháp luật, thách thức lực lượng chức năng của một bộ phận người tham gia giao thông. Đồng thời, nâng cao vai trò giám sát của nhân dân đối với đối với các hoạt động có dấu hiệu vi phạm trật tự an toàn giao thông, góp phần nhân rộng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc. Thông tư này cũng hỗ trợ lực lượng CSGT trong việc kip thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ bằng hình thức phạt nguội./.

Thanh Hải