GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN CÓ GIẢI PHÁP QUYẾT LIỆT ĐẢM BẢO AN NINH NGUỒN NƯỚC Ở TÂY NGUYÊN

07/09/2020

Đại biểu Đinh Duy Vượt - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho rằng: Quốc hội cần có một Nghị quyết đảm bảo an ninh nguồn nước ở Tây Nguyên. Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có giải pháp quyết liệt trong việc quy hoạch thủy lợi, tìm nguồn lực để phát triển các hồ đập, xây dựng nhiều hồ chứa nước, nâng cấp các hồ đập đã xây dựng.

Dưới sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”.

Tại Hội nghị, đại biểu Đinh Duy Vượt - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường về các giải pháp để giải quyết hạn hán ở khu vực Tây Nguyên.

Đại biểu Đinh Duy Vượt khẳng định: Tây nguyên là khu vực có tiềm năng vượt trội về đất đai, phát triển năng lượng tái tạo; là đầu nguồn của các sông lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung... Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quan tâm đầu tư toàn diện cho Tây Nguyên phát triển như đầu tư 2.261 công trình thủy lợi, 1.150 hồ (số liệu từ năm 2014). Tuy nhiên, việc cấp nước cho khu vực nông thôn hiện chỉ đạt 40% và nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế còn thấp vì chủ yếu nước ở khu vực Tây Nguyên là nước ngầm và nước mạch.


Hạn hán đang đặt ra cho Tây Nguyên cần có giải pháp cấp thiết để đảm bảo an ninh nguồn nước (ảnh minh họa từ Internet).

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi, căn cứ tiêu chuẩn cấp cho nước sinh hoạt, nước cho lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, duy trì dòng chảy thì nguồn nước thiếu hụt toàn vùng Tây Nguyên từ năm 2020 đến năm 2030 là khoảng 4.980 triệu m3 cho đến 5.587m3. Thực tế cho thấy, năm nào Tây Nguyên cũng bị hạn hán khốc liệt và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của nhân dân.

Với bất cập trên, đại biểu Đinh Duy Vượt đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết định hướng chiến lược và các giải pháp tổng thể, khả thi, cấp thiết cũng như nguồn lực để giải quyết hạn hán ở khu vực Tây Nguyên.

Để hiểu hơn về tình trạng hạn hán và thiếu nước sạch ở Tây Nguyên cũng như đưa ra giải pháp góp phần khắc phục bất cập trên, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Đinh Duy Vượt - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai.

Phóng viên: Xuất phát từ thực trạng nào, đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về định hướng chiến lược và tính khả thi thực hiện các giải pháp cấp bách để đảm bảo an ninh nguồn nước ở khu vực Tây Nguyên?

Đại biểu Đinh Duy Vượt - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: Đảm bảo an ninh nguồn nước có vai trò hết sức quan trọng. Đặc biệt là khi dân số tăng nhanh; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan. Khu vực Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng và có lợi thế vượt trội về đất đai, năng lượng tái tạo. Tây Nguyên có lợi thế vượt trội về đất đai nên ở đây có thể trồng được hầu hết các loại cây, trong đó nhiều loại cây có thể xuất khẩu sang các nước khác với giá thành cao như: cà phê, hồ tiêu, hạt điều...

Tuy nhiên, hiện nay, năm nào Tây Nguyên cũng bị hạn hán khốc liệt nên đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Vì vậy, giải pháp bền vững nào để Tây Nguyên có đủ nguồn nước sạch thì mới phát huy được lợi thế về đất đai mang lại trong sản xuất và phát triển kinh tế-xã hội là bài toán mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành cần phải suy nghĩ, tính toán kỹ lưỡng.


Đại biểu Đinh Duy Vượt - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai.

Phóng viên: Ngoài hạn hán thì nguồn nước sạch ở khu vực Tây Nguyên hiện nay như thế nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Đinh Duy Vượt - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: Theo quy chuẩn của Bộ Y tế, nước sinh hoạt ở khu vực Tây Nguyên còn thiếu rất nhiều. Chỉ khoảng 40% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Hiện nay, đa số người dân Tây Nguyên đều sử dụng nước giếng, nước sông, suối, nước mặt. Thế nhưng, nguồn nước này cũng đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm từ các nhà máy, khu công nghiệp, làng nghề xả thải...

Phóng viên: Trước thực trạng trên, đại biểu có hiến kế như thế nào để góp phần khắc phục hạn hán và thiếu nước sạch ở Tây Nguyên?

Đại biểu Đinh Duy Vượt - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến các công trình thủy điện, thủy lợi, hồ đập ở Tây Nguyên. Theo đó, có gần 3.000 công trình đã được xây dựng, nâng cấp. Tuy nhiên, số lượng các công trình này chỉ đáp ứng được khoảng 20% diện tích cần tưới nước nên hàng năm ở Tây Nguyên vẫn xảy ra hạn hán khốc liệt.

Nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước để có nguồn nước sạch và phòng chống hạn hán ở Tây Nguyên, việc đầu tư thêm các công trình thủy lợi cho khu vực này phải là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các Bộ ngành, tỉnh Tây Nguyên cần chú trọng phát triển rừng và bảo vệ thảm thực vật. Vì đây được coi như những hồ tích trữ, điều tiết nước và là nguồn năng lượng cho công trình thủy điện, thủy lợi, hệ thống thượng nguồn gồm các sông Mê Kông, Sê San, Sêrêpốk cũng như góp phần điều tiết nước cho khu vực miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long.

Để thực hiện được vấn đề trên, Quốc hội cần có một Nghị quyết đảm bảo an ninh nguồn nước ở Tây Nguyên. Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có giải pháp quyết liệt hơn, đặc biệt là việc quy hoạch thủy lợi, tìm nguồn lực để phát triển các hồ đập, xây dựng nhiều hồ chứa nước ở Tây Nguyên, nâng cấp các hồ đập đã xây dựng. Bên cạnh đó là tăng cường trồng rừng ở Tây Nguyên nhằm đảm bảo nguồn nước không chỉ ở khu vực này mà còn ở vùng đồng bằng và cả khu vực Nam bộ.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Theo đại biểu Đinh Duy Vượt, khu vực Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng và có lợi thế vượt trội về đất đai, năng lượng tái tạo. Để phát huy lợi thế của mảnh đất này cho phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ đời sống của nhân dân thì Tây Nguyên phải có đủ nguồn nước sạch. Do đó, cần phải có chiến lược phát triển, nâng cấp các hồ đập cũng như chú trọng phát triển rừng và bảo vệ thảm thực vật ở nơi này./.

Bích Lan