ĐBQH MAI THỊ ÁNH TUYẾT ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP TRONG ĐẠI DỊCH

19/09/2020

"Hướng tối ưu nông nghiệp hiện nay cần chú trọng vào thị trường trong nước và tái cấu trúc lại thị trường xuất khẩu một cách hiệu quả hơn", đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết - đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đề xuất ý kiến trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho biết, tăng trưởng của nước ta đạt thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh là áp lực lớn trong điều hành vĩ mô, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng khá lớn. Do đó, đại biểu đồng thuận sự điều hành của Chính phủ thông qua các giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội vừa qua. Tuy nhiên, để sớm phục hồi kinh tế, đại biểu đề nghị Chính phủ phát huy kịp thời các gói đầu tư để tăng chi kích thích nền kinh tế như gói đầu tư công năm 2020, nhất là các công trình trọng điểm và các gói vốn tín dụng.

Bên cạnh đó, triển khai kịp thời, đúng đối tượng gói hỗ trợ doanh nghiệp, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mà Quốc hội sẽ thông qua. Ngân hàng cân nhắc tiếp tục hạ lãi suất, nhất là các dự án trung và dài hạn là một trong những công cụ trọng tâm hỗ trợ mạnh mẽ cũng như gói hỗ trợ an sinh xã hội và phát huy hiệu quả quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó không chỉ kích thích chi đầu tư và tăng trưởng mà còn tạo tiền đề, tạo điều kiện để nâng cao nội lực cho nền kinh tế.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết – đoàn ĐBQH tỉnh An Giang phát biểu trước Quốc hội.

Do nền kinh tế nước ta có độ mở cao, phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, cả đầu vào và đầu ra, nhất là các thị trường lớn, nên khi đại dịch xuất hiện, thị trường bên ngoài hầu như bị đóng băng, các doanh nghiệp bị đình đốn hoặc phải giảm sản lượng, những cảnh báo về sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường đã bộc lộ rõ. Do đó, đến lúc các doanh nghiệp thực hiện cấu trúc lại thị trường cả đầu vào và đầu ra và quan tâm đúng mức, phát huy nội lực của thị trường trong nước, tạo diện mạo mới, năng lực nội sinh để tiếp tục mở rộng thị trường có lợi thế.

Dịch bệnh hiện nay đã tác động làm thay đổi thói quen tiêu dùng và tác động nhanh đến tự động hóa, số hóa, thương mại điện tử, nhu cầu về kỹ năng thay đổi nhanh chóng. Một số nghề sẽ biến mất, một số khác lại xuất hiện cũng như ngành nghề khác lại thay đổi. Vì vậy theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp lý và có những giải pháp chuẩn bị nguồn nhân lực sớm hơn, nhanh hơn theo cách tiếp cận mới, hiệu quả hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng trong khu vực quản lý nhà nước cũng như khu vực doanh nghiệp, đồng thời tăng cường đổi mới, sáng tạo để góp phần tích cực tăng năng suất lao động cũng như tạo ra tác động cấp số nhân, tạo đà tăng trưởng.

Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, ngành nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong đại dịch và đang phải chịu tác động nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, đặt nền nông nghiệp nước ta trước những thách thức mới. Theo dự báo, nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục có xu hướng tăng trưởng chậm, các kinh tế chủ chốt đối mặt với nhiều khó khăn do sự bùng phát của dịch. Từ thực trạng này, hướng tối ưu nông nghiệp hiện nay trọng tâm chú trọng vào thị trường trong nước và tái cấu trúc lại thị trường xuất khẩu một cách hiệu quả hơn. Trong đó, đặc biệt chú trọng 5 thị trường xuất khẩu có trọng tâm là Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, khắc phục lệ thuộc một thị trường.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết nhận định, thực tiễn hiện nay càng khẳng định rõ hơn việc đầu tư vào chế biến sâu là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao giá trị, tăng chất lượng nông sản, giá trị nông sản, giải quyết tốt nhất thực trạng “mất mùa được giá, được mùa mất giá” diễn ra thường xuyên. Bên cạnh quan tâm liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương để đáp ứng phát triển quy mô chế biến của các doanh nghiệp, đồng thời liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với nông dân. Do đó, Chính phủ, bộ, ngành cần quan tâm, định hướng và có những chính sách hỗ trợ công nghiệp chế biến nông sản cũng như đổi mới công nghệ, phát huy tốt các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trước xu thế các quốc gia tăng cường truy xuất nguồn gốc và hàng rào kỹ thuật đặt ra, đặc biệt là tận dụng cơ hội của Hiệp định thương mại Việt Nam - EU, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung các chính sách đầu tư từ khâu giống, kỹ thuật theo hướng chất lượng, hoàn thiện nâng cấp hợp tác xã, xây dựng vững chắc các chuỗi liên kết, đồng thời quan tâm việc tháo gỡ vướng mắc đến vốn tín dụng nông nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn cho các nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời theo đại biểu, trước mắt nên xem xét hoãn kê khai thuế giá trị gia tăng 5% đối với hộ cá nhân kinh doanh theo Nghị định 209 đối với gạo sản xuất theo công nghệ cao để tạo thuận lợi, mở rộng chất lượng gạo tại thị trường nội địa. Bên cạnh đó phát huy rõ các giải pháp trong việc ứng phó biến đổi khí hậu. Đặc biệt, riêng đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm hơn các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù cho vùng, vì nơi đây chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và điều kiện hạ tầng rất khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ để vượt qua những vòng luẩn quẩn trong phát triển kinh tế.

Cuối cùng, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đề nghị việc đầu tư tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, vì đây là tuyến phòng thủ phía Tây Nam, vừa là tuyến mở cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phát triển du lịch, giao thương với các nước ASEAN và phát triển kinh tế biên giới.

Hồ Hương