ĐBQH NGUYỄN THỊ PHÚC THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

20/09/2020

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Phúc - đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận có một số đề xuất liên quan đến 2 lĩnh vực rất quan trọng và cấp thiết hiện nay, đó là giao thông và năng lượng điện quốc gia.

Tham gia thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2020, đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho biết, ngoài ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều tỉnh còn bị ảnh hưởng của diễn biến thời tiết bất thường, cực đoan, đặc biệt là hạn hán gay gắt, xâm nhập mặn; nhưng với sự đồng tình, chấp hành nghiêm túc của nhân dân, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, kịp thời, nhạy bén của Chính phủ đã thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Qua đó tăng cường niềm tin trong nhân dân và nâng cao uy tín nước ta trong cộng đồng quốc tế.

Trước dự báo tình hình thế giới và trong nước tác động không thuận lợi đến kinh tế - xã hội của đất nước, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, về nông, lâm, thủy sản. Báo cáo của Chính phủ có nêu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán ở các tỉnh miền Trung, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế, gây khó khăn cho công tác tái đàn. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, có tác động đến các đối tác thương mại lớn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu. Thẻ vàng xuất khẩu thủy sản của Ủy ban châu Âu chưa được gỡ bỏ đã ảnh hưởng đến sản xuất và giá trị nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản giảm. Từ đó đã tác động ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của nước ta. Đồng thời, trong những tháng cuối năm 2020, Chính phủ đã dự kiến hai kịch bản tăng trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Phúc ủng hộ kịch bản một và đề nghị Chính phủ cần phân tích đầy đủ nguyên nhân chủ quan của những hạn chế nêu trên để thấy thấu đáo vấn đề, từ đó rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành và đưa ra những giải pháp cụ thể mang tính khả thi cao.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc – đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu trước Quốc hội.

Thứ hai, về nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm. Trên cơ sở dự kiến tình hình, đại biểu Nguyễn Thị Phúc đồng tình các giải pháp của Chính phủ đã nêu trong báo cáo trình Quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát các nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết số 85 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Từ đó, tính toán đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý và bền vững. Mặt khác, đại biểu Nguyễn Thị Phúc đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến việc huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là những dự án quan trọng có tính liên vùng, tính lan tỏa, là một trong những đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra để phục vụ sự phát triển cho những năm tới. Trong đó, đại biểu đề cập đến 2 lĩnh vực rất quan trọng và cấp thiết hiện nay, đó là giao thông và năng lượng điện quốc gia.

Về giao thông, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Quan tâm cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông các tỉnh phía Nam. Đối với các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có tuyến Quốc lộ 28 và 28B là công trình giao thông có vai trò quan trọng đi qua 3 tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng và Đắk Nông. Theo đại biểu, 2 tuyến quốc lộ này có ảnh hưởng lớn thúc đẩy phát triển kinh tế không những của 3 tỉnh mà còn kết nối phát triển kinh tế liên vùng giữa các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Tuy nhiên, hiện nay 2 tuyến đường này bị hư hỏng nặng, mặt đường quá hẹp, không đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa rất khó khăn. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đưa thông tin, vừa qua Đoàn đại biểu Quốc hội 3 tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông đã tổ chức khảo sát cho thấy thực trạng 2 tuyến đường này xuống cấp trầm trọng, nguy cơ mất an toàn giao thông là rất cao. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm đưa dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 28 và 28B vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trước mắt, trong thời gian chưa cân đối được nguồn để nâng cấp mở rộng, đề nghị Bộ Giao thông vận tải bố trí thêm vốn bảo trì hàng năm để sửa chữa các đoạn hư hỏng nặng, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn đối với 2 tuyến đường này.

Về tình hình phát triển điện trong những năm tới, đại biểu Nguyễn Thị Phúc đề nghị Chính phủ cần tăng cường, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải, kịp thời khai thác, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo gắn với bảo đảm môi trường, nhất là đối với điện mặt trời, điện gió, góp phần quan trọng cung cấp năng lượng cho quốc gia và đảm bảo phát triển xanh, bền vững cho đất nước.

Hồ Hương