ĐBQH HÀ THỊ LAN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ VỀ VIỆC CHẬM GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

23/09/2020

Đại biểu Hà Thị Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang có văn bản chất vấn gửi đến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.

Gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Hà Thị Lan nêu ý kiến: Vừa qua tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công quá chậm, khuyết điểm này đã tồn tại từ những năm trước. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến đâu? Bộ đã đề ra 5 giải pháp để khắc phục, trong nguyên nhân chủ quan Bộ trưởng có nếu thiếu động lực trong thực hiện, vậy động lực này là gì?

Đại biểu Hà Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Về vấn đề này, ngày 25/5/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trả lời chất vấn của đại biểu Hà Thị Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang như sau:

Trong quá trình điều hành thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2019, trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công thấp so với yêu cầu kế hoạch, ngày 26/9/2019, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công năm 2019. Các nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tự công được Hội nghị làm rõ là: (i) Nguyên nhân khách quan: do một số quy định trong một số văn bản pháp luật đầu tư công nên công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn bất cập; thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch còn phức tạp; việc thực hiện các quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường còn hạn chế; (ii) Nguyên nhân chủ quan: Mặc dù những vướng mắc, nhất là về phân cấp, trình tự, thủ tục dự án và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công cơ bản sẽ được giải quyết sau khi Luật Đầu tư công (2018) có hiệu lực, nhưng Chính phủ xác định nguyên nhân chủ quan, ở khâu tổ chức thực hiện là chủ yếu, như: công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế; giao kế hoạch chậm cả ở cấp Trung ương và cấp địa phương, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ dự án; công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao; trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn nhiều hạn chế, thiếu động lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 29/10/2019 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, tập trung vào 5 nhóm giải pháp chủ yếu: (i) tiếp tục rà soát các quy định còn vướng mắc để điều chỉnh kịp thời; (ii) khẩn trương giao chi tiết và điều chỉnh kế hoạch vốn, trong đó kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang dự án có khả năng giải ngân cao hơn; (iii) tập trung chỉ đạo, triển khai công tác giải ngân ở các cấp, các cơ quan Trung ương; (iv) đổi mới công tác theo dõi, đánh giá kế hoạch đầu tư công; (v) tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là vai trò của người đứng đầu.

Thông tin về các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân chậm đã được công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Do vậy, trong công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề giải ngân vốn đầu tư công ngay tại địa phương, vừa nâng cao hiệu quả giám sát ngay tại cơ sở, vừa giúp chính quyền địa phương thấy rõ được các nguyên nhân và đưa ra các giải pháp hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu trước Quốc hội.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/NQ-CP, tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 hai tháng cuối năm đã có chuyển biến tích cực. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã chủ động rà soát tình hình thực hiện của các dự án, có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2019 từ dự án giải ngân chậm sang dự án có khả năng giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định về điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2019 hoặc ban hành theo thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2019 giữa các dự án trong cùng ngành, lĩnh vực, chương trình và điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 giữa các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 94/NQ-CP.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đến nay, kết quả giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN 4 tháng đầu năm 2020 có xu hướng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân 4 tháng đầu năm vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra, nhất là vốn nước ngoài giải ngân khá thấp. Nguyên nhân chủ yếu ngoài các vấn đề còn tồn tại nêu trên, thì những tháng đầu năm 2020, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chịu ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh Covid -19. Ngày 10/4/2020, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, kết quả của Hội nghị là Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ, trong đó các giải pháp mạnh nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 là một trong ba nhóm giải pháp trọng tâm của Nghị quyết.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, về trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong hoạt động đầu tư công, đã được quy định cụ thể tại Điều 60 Luật Đầu tư công số 39/2014/QH14 liên quan đến: (i) việc ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư công, các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ và sử dụng vốn đầu tư công; (ii) việc xác định vốn đầu tư ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển của quốc gia theo từng ngành, lĩnh vực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; (iii) xây dựng, tổng hợp, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của quốc gia; thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định; (iv) chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về các chương trình mục tiêu quốc gia; (v) việc tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án và các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác về đầu tư công.

Hồ Hương

Các bài viết khác