ĐBQH PHAN VĂN TƯỜNG GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

25/09/2020

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Biên phòng Việt Nam tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phan Văn Tường – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đề nghị quy định rõ trong điều về giải thích từ ngữ đối với một số khái niệm nhằm tạo cơ sở thống nhất cho cách hiểu và tổ chức thực hiện.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ 04 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên và Cần Thơ, đại biểu Phan Văn Tường – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên bày tỏ nhất trí với sự cần thiết xây dựng luật nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng, quản lý bảo vệ biên giới, khẳng định vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của biên giới quốc gia, hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới. Đại biểu cho rằng đây là dịp nhìn lại, nhận thức lại công tác biên phòng và cũng là quá trình chuẩn bị thực hành xây dựng nền quốc phòng toàn dân, trong bối cảnh nước ta đang hướng tới xây dựng một nền quốc phòng toàn dân, chỉ khi nào hoàn thiện hệ thống pháp luật về biên giới, nâng cao chất lượng xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Đại biểu Phan Văn Tường – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên 

Đại biểu Phan Văn Tường thống nhất cao với tên gọi là Luật Biên phòng Việt Nam, bởi khi đi tuần tra, canh gác hoặc là biển bảng dâng lên đều phải dùng từ Biên phòng Việt Nam, vừa thể hiện rõ chủ quyền, vừa nói lên niềm tự hào của Bộ đội Biên phòng.

Đại biểu cho rằng dự án luật cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia. Về tổng thể tương đối rõ ràng. Nhiệm vụ các cấp, các ngành bao quát các nhiệm vụ xây dựng, quản lý bảo vệ biên giới, có những chính sách xây dựng cả thực lực tiềm lực trong toàn dân, toàn diện, tạo cơ chế trong phối hợp thực thi nhiệm vụ, khẳng định vị trí chủ thể của nhân dân, vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong thực thi nhiệm vụ biên phòng và xác định phương hướng chủ yếu xây dựng lực lượng biên phòng và đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, đại biểu Phan Văn Tường cũng đề nghị Ban soạn thảo quan tâm đến báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh về dự án luật này. Trước hết là rà soát lại việc giải thích từ ngữ như khái niệm về biên phòng, nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân. Theo đại biểu, nếu giải thích rõ từ ngữ thì sẽ rà soát vào tương ứng với nội dung điều luật. Nếu thống nhất về mặt thuật ngữ, trên cơ sở đó thống nhất bố cục của điều luật và tính logic. Đại biểu đề nghị giải thích về từ ngữ phải rõ ràng. Từ ngữ về biên phòng trong Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia cũng giải thích, từ điển Bách khoa giải thích, nhiều nội dung khác giải thích cũng tương đối giống nhau nhưng trình tự thì có những nội dung khác nhau. Cho nên trong quá trình xây dựng luật pháp nên thống nhất giải thích từ ngữ trước. Sau đó, thống nhất các nội dung liên quan, khi đó mới đảm bảo hệ thống logic và thống nhất một cách hiểu chung nhất.

Đại biểu chỉ rõ, nếu giữ nguyên giải thích từ “biên phòng” như trong dự thảo thì nên bổ sung nội dung giải thích rõ từ “thế trận biên phòng toàn dân” và sửa lại giải thích ứng với “nền biên phòng toàn dân”, bổ sung nội dung giải thích về “nền biên phòng toàn dân”. Đại biểu cho rằng việc giải thích từ ngữ chưa thỏa mãn, cần thiết phải bổ sung giải thích từ ngữ xây dựng thế trận biên phòng toàn dân theo ý kiến một số đại biểu đặt ra. Bởi vì đây là nội dung thực hiện quy định trong dự án luật trong khi chưa thống nhất thế trận biên phòng toàn dân là gì. Do đó, đại biểu lưu ý bổ sung vào giải thích từ ngữ tạo thuận lợi trong việc xây dựng nội dung biện pháp.

Đại biểu cũng đề nghị rà soát lại Điều 3 chính sách nhà nước về biên phòng và Điều 9 nhiệm vụ của biên phòng và phối hợp điều tra, phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng theo hướng nên viết gọn, chỉ đề cập đến những gì chung nhất để bao quát hết nhiệm vụ không trùng lắp ở các nội dung sau. Cùng với đó Điều 5 chỉ xác định 3 nhiệm vụ: Một là xác định xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị ổn định, phát triển. Hai là quản lý chặt chẽ toàn diện biên giới quốc gia. Ba là đảm bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc và các giá trị văn hóa biên giới. Đối với nhiệm vụ cụ thể của bộ, ngành, lực lượng khác thì đã có các quy định tại Điều 17 quản lý nhà nước, Điều 26 trách nhiệm về xây dựng, quản lý bảo vệ biên giới.

Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo quan tâm làm rõ để đảm bảo sự thống nhất quản lý của nhà nước, thể hiện rõ nội dung về phối hợp ở tỉnh, huyện, cơ quan, đoàn thể.

Trong nguyên tắc và xác định chủ thể theo chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ, đại biểu đề nghị phải quy định nguyên tắc các hoạt động ở biên giới phải tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng. Tất cả những vụ việc xảy ra ở biên giới, nếu không có sự lãnh đạo của Đảng, cấp ủy đảng các cấp thì sẽ xảy ra những hậu quả khó lường ở biên quốc gia. Về trách nhiệm chủ trì gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu, đại biểu đề nghị cần đưa vào nguyên tắc đề tích cực, chủ động, kịp thời, coi đó là nguyên tắc mang tính chỉ đạo, chủ đạo, nguyên tắc có tính chất định hướng trong công tác phối hợp biên giới.

Đại biểu đề nghị rà soát kỹ các Điều 14, 15 về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng và quyền hạn của Bộ đội Biên phòng. Hiện nay có nhiều nội dung nhiệm vụ trong này thường hướng theo quy định của pháp luật có nội dung mới thì đưa ra theo hướng dẫn của Chính phủ. Theo đại biểu, việc xây dựng nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ đội Biên phòng nên xác định ngay trong luật này. Đại biểu nêu rõ, theo Tờ trình của Chính phủ số 173 ngày 28/4/2020 có nêu nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng đang được quy định tản mạn trong các luật chuyên ngành dẫn đến tình trạng khó theo dõi, thiếu thống nhất, thậm chí gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Qua đối chiếu rà soát cho thấy các nội dung nhiệm vụ này hầu hết theo quy định của pháp luật và theo hướng dẫn của Chính phủ. Đại biểu đề nghị rà soát hai nội dung này rất kỹ hơn./.

Bảo Yến