ĐBQH TRỊNH NGỌC PHƯƠNG GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

28/09/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Trịnh Ngọc Phương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

 

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương phát biểu tại phiên thảo luận

Phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Đại biểu Trịnh Ngọc Phương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh bày tỏ quan điểm ủng hộ đối với việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật này. Để góp phần hoàn thiện dự thảo, đại biểu Trịnh Ngọc Phương tham gia góp ý một số vấn đề. Cụ thể như sau: 

Vấn đề thứ nhất, về quy định sửa đổi tại khoản 5 Điều 2, đại biểu Trịnh Ngọc Phương cho biết, khoản 5 Điều 2 có 2 nội dung liên quan đến tái phạm, đó là tái phạm trong xử phạt vi phạm hành chính và tái phạm trong áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Ngoài ra, quy định tại khoản 5 Điều 2 được xem là tái phạm khi hội đủ các điều kiện: cùng một hành vi vi phạm hành chính nhưng trước đó đã vi phạm ít nhất một lần trở lên và đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính và hành vi vi phạm pháp luật không thuộc trường hợp quy định của Bộ luật Hình sự.

Qua quá trình giám sát về xử phạt vi phạm hành chính, Đại biểu Trịnh Ngọc Phương cho biết, tình tiết tái phạm như dự thảo còn một số vấn đề chưa phù hợp.

Một là, cùng một hành vi vi phạm hành chính đã xảy ra đã được phát hiện nhưng chưa bị ra quyết định xử phạt hành chính thì không được coi là tái phạm. Tại điểm c khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm quy định hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 6 hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 3 Điều 63 hoặc khoản 1 Điều 66 của luật này. Theo quy định trên, người có thẩm quyền không được ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tại khoản 2 Điều 66 quy định quá thời hạn quy định tại khoản 1 điều này hoặc khoản 3 Điều 63 của luật này, người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt nhưng vẫn quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của luật này. Quyết định tịch thu, xung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành. Như vậy, có thể thấy rằng, nếu hành vi vi phạm hành chính đã xảy ra nhưng thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì không bị xử phạt nhưng người có thẩm quyền vẫn ban hành quyết định khắc phục hậu quả.

Hiện nay, theo các nghị định quy định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính, quyết định khắc phục hậu quả đều phải nêu lý do vì sao không ra quyết định xử phạt. Đại biểu Trịnh Ngọc Phương cho rằng, cần phải xác định hành vi vi phạm hành chính đã xảy ra và bị phát hiện được thể hiện bằng biên bản vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định hành vi tái phạm mà từ đó có hình thức xử lý phù hợp. Cần phải thấy rằng việc lập biên bản vi phạm hành chính cùng với việc giải trình của chủ thể vi phạm là cần thiết, làm căn cứ xác định có vi phạm hành chính hay không. Còn việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay không thì chủ thể có thẩm quyền phải căn cứ theo luật định.

Hai là, khi đã lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không thể ra quyết định xử phạt vi phạm, chính là do luật định nhưng cần phải xác định một lần vi phạm để xác định tái phạm lần tiếp theo, trừ trường hợp được ra quyết định xử phạt tại chỗ, không phải lập biên bản vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật Xử lý hành chính. Còn các trường hợp khác, việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành trên cơ sở biên bản xử phạt hành chính. Do vậy, việc vi phạm hành chính dù có bị xử phạt hay không thì cũng có căn cứ xác định là đã vi phạm dựa trên biên bản vi phạm hành chính hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, một hành vi vi phạm hành chính đã xảy ra, đã bị phát hiện nhưng không bị ra quyết định xử phạt, nhưng sau đó lại vi phạm mà không xác định là tình tiết tái phạm là không phù hợp.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương cho biết, vi phạm hành chính tại khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định pháp luật là phải bị xử phạt vi phạm hành chính”. Do vậy, đại biểu cho rằng cho rằng, tại khoản 5 Điều 2 của dự thảo là không phù hợp, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 2 như sau: “Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị lập biên bản vi phạm hành chính hoặc bị ra quyết định xử phạt hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã được xác định hoặc bị xử phạt. Cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, mà lại thực hiện các hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính”.

Vấn đề thứ hai, về quy định sửa đổi, bổ sung tại điểm d khoản 1 Điều 3. Tại điểm d khoản 1 Điều 3 quy định: “Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng”. Theo Đại biểu Trịnh Ngọc Phương, quy định như trên về xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần là không phù hợp do cần phân biệt hành vi vi phạm hành chính nhiều lần với tái phạm. Vi phạm hành chính nhiều lần là việc một chủ thể đã vi phạm pháp luật về cùng một hành vi nhưng bị phát hiện cùng một lúc về hành vi đó. Còn tái phạm trong vi phạm hành chính là bị phát hiện nhưng lại tiếp tục vi phạm quy định vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, dẫn đến cách hiểu mỗi lần vi phạm về cùng một hành vi, dù đang hoàn thành hay đang tiếp diễn sẽ chia ra số biên bản vi phạm hành chính hay quyết định xử phạt sẽ tương ứng với số lần vi phạm. Quy định này trái với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Theo đó, hành vi vi phạm hành chính nhiều lần chỉ là tình tiết tăng nặng, là yếu tố để quyết định mức phạt, mức hình phạt, một hành vi ở mức cao hơn mức trung bình được quy định trong luật hiện hành.

Bên cạnh đó, quy định vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Mặc dù, tình tiết tăng nặng đã được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10, nhưng tại dự thảo này lại quy định trừ trường hợp Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng. Đại biểu Trịnh Ngọc Phương cho rằng, luật đã quy định tình tiết tăng nặng thì Chính phủ không được quy định nữa, sẽ chồng lấn lẫn nhau. Mặt khác, Điều 10, Luật Xử lý vi phạm hành chính không cho phép Chính phủ quy định thêm tình tiết tăng nặng. Do vậy, đại biểu Trịnh Ngọc Phương kiến nghị đoạn cuối của điểm đ khoản 1 Điều 3 như sau “một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm”./.

Minh Thành