ĐBQH HÀ THỊ LAN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ VỀ DỰ ÁN SÂN BAY LONG THÀNH

09/10/2020

Đại biểu Hà Thị Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang có văn bản chất vấn gửi đến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về tiến độ thực hiện dự án sân bay Long Thành và trách nhiệm của Chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng dự án; đồng thời đặt câu hỏi về khả năng khắc phục thất thoát, lãng phí của các thủ tục trong đầu tư công.

Đại biểu Quốc hội Hà Thị Lan nhận định: Một số công trình trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành tiến độ thật đáng lo ngại. Nhiều người có sự so sánh với cách làm sân bay Vân Đồn - Quảng Ninh. Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư công, tại sao Bộ Kế hoạch và Đầu tư không giao trách nhiệm, thẩm quyền đầy đủ cho Chủ đầu tư chịu trách nhiệm đến cùng về tiến độ, chất lượng dự án. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quy trình, thủ tục trong đầu tư công hiện nay tốn rất nhiều công sức và thời gian nhưng có khắc phục được thất thoát, lãng phí không?

Đại biểu Hà Thị Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang

Về vấn đề này, ngày 25/5/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trả lời chất vấn của đại biểu Hà Thị Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang như sau:

Thứ nhất, về tiến độ thực hiện Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành so với sân bay Vân Đồn Quảng Ninh và trách nhiệm của Chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng dự án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây là hai dự án có quy mô đầu tư khác nhau, hình thức và nguồn vốn đầu tư khác nhau nên trình tự, thủ tục thực hiện và quản lý các dự án này cũng khác nhau. Cụ thể:

- Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, là dự án quan trọng quốc gia, sử dụng vốn đầu tư công, quy mô 25 triệu hành khách/năm, quy trình lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện dự án theo quy định tại Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 (có hiệu lực từ 01/01/2020) thay thế Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, Luật Xây dựng, Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ và các quy định pháp luật có liên quan.

- Dự án xây dựng sân bay Vân Đồn quy mô 02 triệu hành khách/năm, đầu tư theo hình thức BOT nên quy trình thực hiện theo Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu trước Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, theo các quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng thì Chủ đầu tư hay Nhà đầu tư được giao đầy đủ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện dự án, như:

- Dự án Đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành, là dự án sử dụng vốn đầu tư công, do đó, quá trình thực hiện Dự án phải thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

- Dự án sân bay Vân Đồn sử dụng vốn tư nhân, Nhà đầu tư được lựa chọn sẽ triển khai thực hiện Dự án và thuộc quyền tự quyết của nhà đầu tư nên không phải thực hiện các thủ tục liên quan đến lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu, các thủ tục hành chính về quản lý dự án cũng đơn giản hơn nên tạo điều kiện để rút ngắn được tiến độ.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 “Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm tổ chức quản lý, thực hiện dự án bảo đảm đúng mục tiêu, tiến độ, chất lượng và hiệu quả của dự án”. Tại khoản 1 Điều 51 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư thì quy định “Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, dịch vụ của dự án”.

Như vậy, theo các quy định nêu trên, mặc dù hình thức đầu tư các dự án có khác nhau nhưng Chủ đầu tư hoặc Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án vẫn phải chịu trách nhiệm đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án. 

Về quy trình, thủ tục trong đầu tư công hiện nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công được quy định tại Chương II từ Điều 17 đến Điều 34 Luật Đầu tư công và các Nghị định số 40/2020/CP-NĐ ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ và Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 01/01/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ về dự án quan trọng quốc gia.

Theo Bộ trưởng, việc các dự án đầu tư công tuân thủ quy trình, thủ tục trong đầu tư nêu trên, đồng thời với các quy định về thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra, giám sát kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công, các quy định về công khai, minh bạch trong đầu tư công; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công được xây dựng và triển khai thống nhất trên phạm vi cả nước đều giúp khắc phục được tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư công ở các cấp, các ngành.

Bên cạnh đó, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công là những hành vi bị cấm trong đầu tư công, được quy định tại khoản 4 và 7 Điều 16 Luật Đầu tư công là: “Chủ chương trình, chủ đầu tư thông đồng với tổ chức tư vấn, nhà thầu dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích hợp pháp của công dân và của cộng đồng”; “Sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật”.

Hồ Hương