ĐBQH NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG CHẤT VẤN BỘ NN&PTNT VỀ NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP CHO VẤN NẠN PHÁ RỪNG

21/10/2020

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình có chất vấn gửi đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phản ánh tình trạng phá rừng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi; đồng thời đề nghị Bộ trưởng giải thích nguyên nhân và đưa ra giải pháp trong thời gian tới.

Gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phản ánh: thời gian qua, mặc dù báo chí, dư luận đã phản ánh nhiều, đại biếu Quôc hội cũng đã nhiều lần lên tiếng, nhưng đến nay, tình trạng phá rừng vẫn diễn ra ở nhiều nơi và mức độ vẫn hết sức nghiêm trọng; nguy cơ gây sạt lở, biến đôi môi trường, khí hậu và những tác động tiêu cực về mặt xã hội đã làm cử tri và nhân dân hết sức lo lắng, bức xúc. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

"Với thẩm quyền, trách nhiệm của mình, đề nghị Bộ trưởng giải thích nguyên nhân nào mà tình trạng trên vẫn không được ngăn chặn triệt để? Trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng và của ngành trong thời gian tới như thế nào?", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu chất vấn.

Trước ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, ngày 26/6/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; số vụ vi phạm về Lâm nghiệp đã giảm rõ rệt, năm 2016 xảy ra 21.464 vụ, năm 2017 xảy ra 16.531 vụ vi phạm; năm 2018 xảy ra 12.954 vụ, năm 2019 xảy ra 10.731 vụ vi phạm, giảm 2.223 vụ (17%) so với cùng kỳ năm 2018; về cơ bản các hành vi, vụ việc vi phạm đã giảm cả về số lượng và quy mô. Tuy vậy, tình trạng phá rừng tự nhiên trái pháp luật tại một số địa phương còn diễn ra phức tạp gây bức xúc trong dư luận và nhân dân. Nguyên nhân của tình trạng phá rừng là lấy đất trồng rừng của một số hộ dân thiếu đất sản xuất, tình trạng di dân tự do vẫn còn diễn ra ở một số nơi; chuyển sang nông nghiệp, trồng cây công nghiệp; khai thác gỗ có giá trị thương mại cao tại một số khu rừng tự nhiên còn gỗ quý.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, để ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng phá rừng và khai thác lâm sản trái pháp luật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về lâm nghiệp. Để triển khai thi hành Luật Lâm nghiệp được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 15/11/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện pháp luật về cơ chế, chính sách trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tham mưu trình Chính phủ ban hành 04 Nghị định của Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền 13 Thông tư. Đồng thời, đề xuất và được Chính phủ tiếp tục cho thực hiện 10 chính sách trong lâm nghiệp đã ban hành trước thời điểm Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành (Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV 

Về công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện, nhất là xử lý các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện các giải pháp như sau:

Thứ nhất, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, lưu thông lâm sản không có nguồn gốc hợp pháp tại một số địa phương, những hành vi vi phạm cơ bản được kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 13- CT/TW ngày 12/01/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;

Thứ hai, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng tại các địa phương, nhất là các địa phương có điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật;

Thứ ba, đề nghị các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh việc phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định Luật Lâm nghiệp;

Thú tư, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng điều tra, triệt phá những “đầu nậu”, chủ đường dây phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và chống người thi hành công vụ, sớm đưa ra truy tố, xét xử các vụ án điển hình để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung;

Thứ năm, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, có những cán bộ bị thương, hy sinh, không quản gian khổ, nguy hiểm nguy để bảo vệ rừng. Tuy nhiên, tại một số địa phuơng vẫn còn những cán bộ chức năng không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật; những hành vi này khi được phát hiện đều được cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, không có tình trạng che dấu hoặc tiếp tay cho sai phạm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn đã và đang thực hiện tổng thể các giải pháp nêu trên; tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình giám sát việc thực hiện và chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương, để giúp chính quyền các địa phương tỉnh Quảng Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ và phát triến rừng, nhất là tình trạng phá rừng trên địa bàn.

Hồ Hương