ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI HOA NÊU QUAN ĐIỂM VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

24/10/2020

Thực hiện Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Tại Phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao sự nỗ lực cũng như tinh thần cầu thị của cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra, cũng như các cơ quan liên quan trong việc tiếp thu ý kiến các đại biểu, các chuyên gia để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). So với rất nhiều những dự án luật thì dự án luật này có phạm vi điều chỉnh rất rộng, bao quát hầu hết các yếu tố, các vấn đề liên quan tới môi trường và cho thấy sự trăn trở của cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra. Trên cơ sở gợi ý của chủ trì phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đóng góp một số ý kiến do dự thảo Luật.

Thứ nhất, về tính đồng bộ với hệ thống luật pháp liên quan, các nội dung bảo vệ môi trường được quy định trong khá nhiều các luật liên quan. Ví dụ như là Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Quy hoạch, Luật Thủy lợi... Dự thảo luật đã bỏ một số quy định chồng chéo, không thống nhất với các văn bản luật có liên quan, chẳng hạn như Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, Luật Quy hoạch, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa thấy hiện nay vẫn duy trì rất nhiều những văn bản luật khác mà có nội dung liên quan tới bảo vệ môi trường, chẳng hạn như là Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên nước, Luật Đầu tư công... Giữa các luật này vẫn còn nhiều điểm có sự giao thoa, chưa thống nhất, còn một số khoảng trống thì chưa được quy định và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cũng như là công tác bảo vệ môi trường. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ những nội dung nào cần thiết phải quy định trong dự án luật này thì đưa vào. Còn những nội dung nào nên quy định trong các luật khác thì chúng ta cũng có thể mạnh dạn đưa ra để giải quyết những xung đột giữa các luật trong quy định về bảo vệ môi trường cũng như bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với quy định của các luật khác ban hành từ sau năm 2014 đến nay.


Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Thứ hai, về thẩm quyền, thẩm định báo cáo tác động môi trường ở Điều 36, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, vấn đề này có một ý nghĩa vô cùng quan trọng và trong bối cảnh chúng ta đang chứng kiến những hậu quả do thiên tai để lại của khu vực miền Trung. Cho thấy rằng sự cố về môi trường, những tác động của môi trường theo chiều hướng xấu, nó có nhiều nguyên nhân nhưng, trong đó chắc chắn có những nguyên nhân do khâu đánh giá tác động môi trường của một số dự án chưa được thấu đáo. Vì vậy, dự thảo có đặt ra các phương án. Quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa là nếu phương án Chính phủ trình, tức là giao cho Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh để tổ chức thẩm định các báo cáo này thì đúng là nó có thuận lợi trong thủ tục hành chính liên thông. Nhưng hạn chế của nó là sẽ không bảo đảm tính khách quan. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa ủng hộ phương án 2, tức là phương án này giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nội dung này trong Báo cáo giải trình của Thường vụ Quốc hội đã phân tích rất kỹ và nếu theo phương án 2, thì sẽ thuận lợi cho việc đánh giá, thẩm định. Bởi vì, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, sẽ nắm rõ mức độ tác động của dự án đến môi trường tại địa phương và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc xác định trách nhiệm quản lý và cũng bảo đảm tính khách quan, vì tác động môi trường trực tiếp đến từng địa bàn thì trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các địa phương sẽ phải thể hiện rõ.

Về giấy phép môi trường, có 2 phương án đặt ra. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đồng tình với phương án 1, tức là chỉ dùng một loại giấy phép môi trường thay cho 7 loại, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Việc xác định 1 loại giấy phép môi trường cũng thể hiện đúng thẩm quyền là giao cho một cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cũng sẽ khắc phục được tình trạng đó là, nước thải xả ra môi trường phải chịu sự quản lý của 2 loại giấy tờ do 2 cơ quan quản lý cấp. Đồng thời, nếu chúng ta thực hiện theo phương án này thì sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính qua hình thức tích hợp giấy phép và rút ngắn thời gian, thủ tục cấp giấy phép, giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp. Đây là một xu hướng tất yếu trong lộ trình cải cách hành chính mà Chính phủ đang triển khai thực hiện một cách quyết liệt. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ thì cần phải có quy định cụ thể về quy trình cấp giấy phép, tăng cường thanh tra, kiểm tra, trong đó ưu tiên hậu kiểm để bảo đảm thống nhất và không chồng chéo trong quá trình triển khai thực hiện.

Nội dung thứ tư, về thời điểm thông qua dự án luật, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa quan tâm nhiều tới Điều 29 và Điều 30, liên quan tới việc thể hiện mục tiêu cũng như quan điểm xây dựng Luật Bảo vệ môi trường theo quy mô dự án hay là theo mức độ tác động đến môi trường của dự án. Đây là một sự thay đổi rất lớn trong quan điểm của chúng ta và nó cũng sẽ có ý nghĩa rất quan trọng. Quá trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình cũng đưa ra những phân tích rất là sâu sắc và từ 2 phương án được đặt ra ở Điều 29, 30 đã kéo theo rất nhiều những điều luật ở Mục 2 Chương IV, từ Điều 29 đến Điều 50 của dự thảo luật đã phải thiết kế thành hai phương án. Khi đọc dự án luật, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa có cảm giác rằng đây dường như là 2 luật chứ không phải là 1 luật. Ngoài những điều mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đặt ra các phương án, nếu như chúng ta nghiên cứu sâu hơn thì chắc chắn sẽ có những nội dung điều luật mà các đại biểu Quốc hội sẽ chỉ ra những điểm còn bất cập và chắc chắn chúng ta sẽ phải tính thêm các phương án khác.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, dự án luật này có nội dung rất lớn và có tác động sâu rộng, lâu dài đến kinh tế - xã hội cũng như đời sống của người dân. Tuy nhiên, dự thảo luật cho thấy đến thời điểm hiện nay vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất và đang đặt ra nhiều vấn đề chúng ta phải quan tâm. Vì vậy cho nên, với tinh thần cẩn trọng và trách nhiệm, đề nghị Quốc hội sẽ thông qua dự án luật này theo quy trình 2 kỳ họp./.

Bích Lan